1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

"Cú rẽ ngang" quyết liệt của Australia trong cán cân Mỹ - Trung

Đức Hoàng

(Dân trí) - Trong nhiều năm, Australia luôn cố gắng cân bằng mối quan hệ với cả Mỹ và Trung Quốc, nhưng thỏa thuận an ninh với Mỹ - Anh cho thấy những thay đổi mạnh mẽ từ Canberra.

Cú rẽ ngang quyết liệt của Australia trong cán cân Mỹ - Trung  - 1

Các tàu ngầm lớp Collins của Australia (Ảnh: AFP).

Hai mươi năm qua, Australia đưa ra hàng loạt chính sách nhằm mục tiêu cân bằng trong quan hệ với 2 nước lớn là Mỹ và Trung Quốc. Điều đó tốt cho hoạt động thương mại của Canberra, cũng như góp phần gìn giữ an ninh khu vực.

Tuy nhiên, thế cân bằng đó đã thay đổi từ ngày 16/7 sau sự kiện Mỹ, Anh và Australia tuyên bố thông qua thỏa thuận an ninh AUKUS, động thái sẽ giúp Australia có được đội 8 tàu ngầm năng lượng hạt nhân trong tương lai. Theo giới quan sát, với động thái này, Australia dường như đã đưa ra quan điểm rõ ràng - họ đã nghiêng trục quan hệ từ trạng thái cân bằng sang phía Mỹ.

Trong những năm gần đây, Thủ tướng Australia Scott Morrison dường như đã có các động thái xích lại gần hơn với Mỹ như là một đối tác an ninh tin cậy. Ông Morrison cũng nỗ lực xây dựng mối quan hệ cá nhân với cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và dường như cũng có kế hoạch làm điều tương tự với người kế nhiệm của ông Trump, Joe Biden.

Trong khi đó, quan hệ giữa Australia và Trung Quốc ngày càng leo thang căng thẳng và trở nên tồi tệ hơn sau khi Canberra kêu gọi mở cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của Covid-19, động thái làm Bắc Kinh phật ý và đã có các biện pháp đáp trả.

Quan hệ với Trung Quốc xấu đi

CNN dẫn lời một nhà nghiên cứu từ đại học quốc gia Australia dự đoán rằng AUKUS được xem sẽ khiến căng thẳng giữa Canberra và Bắc Kinh tiếp tục căng thẳng và sẽ khó có cơ hội để khôi phục lại, ít nhất trong thời gian ngắn.

Trong buổi hợp báo sau khi thông báo AUKUS, Thủ tướng Morrison gọi thỏa thuận này là "mối quan hệ đối tác mãi mãi trong kỷ nguyên mới giữa những người bạn lâu đời nhất và đáng tin cậy nhất. Mối quan hệ này sẽ cho phép Australia bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia của chúng tôi, để bảo vệ người dân Australia an toàn".

Vào cùng ngày, đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc phát đi thông điệp chỉ trích AUKUS, và kêu gọi Australia nên "nghiêm túc xem xét việc sẽ coi Trung Quốc là đối tác hay mối đe dọa".

Trong hàng chục năm qua, những thành công của Australia trong việc duy trì quan hệ với Mỹ và Trung Quốc đã mang lại an ninh và lợi ích kinh tế cho Canberra.

Tháng 10/2013, cựu Tổng thống Mỹ George Bush và cựu Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã có các bài phát biểu trước quốc hội Australia trong những ngày liên tiếp nhau. Năm 2014, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tới thăm Australia, nơi mà ông Tập đã ca ngợi quan hệ song phương giữa phía Canberra và Bắc Kinh. 

Nền kinh tế Australia đã hưởng lợi từ quan hệ nồng ấm với Trung Quốc. Xuất khẩu sang Trung Quốc tăng từ 3,6 tỷ USD năm 2000 lên 74 tỷ USD năm 2015. Một số nhà kinh tế nhận định, thị trường Trung Quốc đã góp phần giúp Australia vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hơn 10 năm trước.

Tuy nhiên, vào năm 2017, phía Trung Quốc đã tỏ ra không hài lòng khi chính phủ cựu Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull tuyên bố kế hoạch trấn áp sự can thiệp của nước ngoài vào chính trị nội bộ của Australia. Trung Quốc nhận định rằng động thái này nhằm vào họ và quan hệ giữa 2 bên bắt đầu xấu đi.

Liên tiếp sau đó, các động thái của 2 bên mà đỉnh điểm là lời kêu gọi của ông Morrison về việc điều tra nguồn gốc Covid-19 đã đẩy căng thẳng leo thang lên một nấc mới. Trung Quốc cấm và áp thuế hàng loạt mặt hàng nhập khẩu từ Australia.

Theo giới quan sát, các động thái cứng rắn của Trung Quốc trong thời gian qua đã đẩy Australia nghiêng sang Mỹ.

"Không thể quay đầu"

Chuyên gia Rory Medcalf, từ Đại học Quốc gia Australia, gọi AUKUS là khoảnh khắc sẽ khiến chính sách đối ngoại của Canberra sẽ không thể làm lại từ đầu.

Ông nói: "Chính Australia đang báo hiệu rằng họ sẽ không quay đầu trong mối quan hệ với Trung Quốc, rằng điều tốt nhất chúng ta có thể hy vọng là 2 bên sẽ chung sống cạnh tranh, một tình huống sẽ dẫn tới thế cân bằng răn đe một cách ổn định trong khu vực".

Theo AUKUS, Australia sẽ trở thành nước thứ 7 trên thế giới có tàu ngầm năng lượng hạt nhân. Tuy nhiên, giới chuyên gia cũng nhận định rằng, thỏa thuận này sẽ khiến Australia phụ thuộc hơn nhiều vào Mỹ về việc phát triển năng lực quân sự.

Trong khi đó, cựu Thủ tướng Australia Paul Keating cảnh báo rằng động thái của Australia có thể sẽ kéo họ vào căng thẳng ngày càng leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc.

Tuy nhiên, Australia không phải là quốc gia duy nhất trong khu vực đang xích lại gần hơn với Mỹ. Cùng với Ấn Độ và Nhật Bản, Australia và Mỹ cũng đang củng cố lại nhóm "Bộ Tứ" nhằm đối phó với việc Trung Quốc ngày càng gia tăng tầm ảnh hưởng ở khu vực.

Mặc dù vậy, giới quan sát cho rằng, Australia dường như đã theo đuổi một chiến lược có sự rủi ro nhất định nhưng dường như đã có tính toán kỹ lưỡng vì vẫn tin vào vai trò của Mỹ trong việc đảm bảo an ninh ở Thái Bình Dương. 

Chuyên gia Richard McGregor từ viện Lowy (Mỹ) cho rằng, ít nhất trong tương lai gần, Australia và Trung Quốc có thể sẽ bước vào một thời kỳ quan hệ lạnh nhạt. Chuyên gia này cũng cảnh báo viễn cảnh Trung Quốc có thể đáp trả Australia vì AUKUS.  

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm