1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Australia chính thức kiện Trung Quốc lên WTO

Đức Hoàng

(Dân trí) - Australia đã nộp đơn khiếu kiện Trung Quốc tên Tổ chức Thương mại Thế giới WTO liên quan tới mặt hàng rượu vang xuất khẩu của Canberra, trong bối cảnh căng thẳng giữa 2 nước chưa giảm nhiệt.

Australia chính thức kiện Trung Quốc lên WTO - 1

Thủ tướng Australia Scott Morrison (Ảnh: AFP).

AFP đưa tin, Australia ngày 19/6 thông báo đã đệ đơn khiếu nại chính thức lên WTO về việc Trung Quốc áp thuế chống bán phá giá đối với rượu vang xuất khẩu của Canberra.

Australia giải thích rằng quyết định này nhằm bảo vệ các nhà sản xuất rượu vang của nước này và phù hợp với quan điểm của chính phủ Canberra trong việc "ủng hộ một hệ thống thương mại dựa trên quy tắc".

Tuy nhiên, trong thông báo ngày 19/6, Australia cho hay họ vẫn "sẵn sàng đối thoại trực tiếp với Trung Quốc để giải quyết vấn đề này".

Hồi cuối năm ngoái, Australia từng tuyên bố kiện Trung Quốc lên WTO liên quan tới việc Bắc Kinh áp thuế chống phá giá và thuế chống độc quyền đối với sản phẩm lúa mạch của Canberra.

Động thái nộp đơn kiện lên WTO được cho tiếp tục làm gia tăng căng thẳng giữa Australia và đối tác thương mại lớn nhất của nước này, Trung Quốc. Trước đó, Thủ tướng Scott Morrison cảnh báo rằng chính phủ của ông sẽ đáp trả các quốc gia sử dụng chiến lược "cưỡng ép kinh tế" để chống lại Australia.

Quan hệ giữa Australia và Trung Quốc xấu đi rõ rệt từ năm ngoái sau khi Canberra kêu gọi mở cuộc điều tra quốc tế độc lập về nguồn gốc Covid-19, động thái Bắc Kinh không hài lòng. Trung Quốc sau đó đã đáp trả bằng cách cấm nhập khẩu hoặc áp thuế quan lên hàng loạt các mặt hàng Australia như thịt bò, lúa mạch, than đá, rượu…

Tuần trước, Thủ tướng Morrison đã tham dự hội nghị thượng đỉnh G7 với tư cách khách mời và ông tuyên bố sẽ thúc đẩy các quốc gia khác cùng hành động chống lại các "chính sách thương mại hung hăng" của Trung Quốc.

"Cách thiết thực nhất để giải quyết vấn đề cưỡng ép kinh tế là khôi phục cơ chế giải quyết tranh chấp của cơ quan thương mại toàn cầu. Nếu hành vi cưỡng ép không nhận lấy hậu quả, bên có hành vi đó sẽ có rất ít động cơ để kiềm chế", ông Morrison cho hay.