1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Trung Quốc dùng sông nước để “chơi khó” Ấn Độ?

(Dân trí) - Trong lúc tranh chấp biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ ở khu vực cao nguyên Doklam vừa bắt đầu hạ nhiệt, hai nước dường như sắp phải đối mặt với một vấn đề gây căng thẳng mới liên quan tới sông Brahmaputra khi Bắc Kinh được cho là không chia sẻ các thông tin quan trọng với New Delhi về dòng sông này.

Bản đồ dòng chảy của sông Brahmaputra (Trung Quốc gọi là sông Yarlung Zangbo) chảy từ Trung Quốc xuống Ấn Độ và Bangladesh (Ảnh: BBC)
Bản đồ dòng chảy của sông Brahmaputra (Trung Quốc gọi là sông Yarlung Zangbo) chảy từ Trung Quốc xuống Ấn Độ và Bangladesh (Ảnh: BBC)

Là một trong những dòng sông lớn tại châu Á, sông Brahmaputra bắt nguồn từ Tây Tạng và chảy xuống khu vực hạ nguồn ở Ấn Độ trước khi tới Bangladesh. Sông Brahmaputra đóng vai trò quan trọng đối với Ấn Độ và Bangladesh, cung cấp nguồn nước cũng như tạo điều kiện cho các hoạt động đánh bắt cá, thủy điện và thủy lợi của hai nước.

Tuy nhiên, Ấn Độ cho biết nước này hiện vẫn chưa nhận được bất kỳ dữ liệu thủy văn nào về sông Brahmaputra từ phía thượng nguồn Trung Quốc trong giai đoạn gió mùa năm nay, bất chấp một thỏa thuận chung giữa hai nước về vấn đề này.

“Trong năm nay, chúng tôi chưa nhận được dữ liệu thủy văn từ phía Trung Quốc, bắt đầu từ ngày 15/5 đến bây giờ. Chúng tôi không biết các lý do kỹ thuật phía sau là gì, nhưng giữa hai nước vẫn đang có một cơ chế hiện hành mà trong đó quy định Trung Quốc phải cung cấp các dữ liệu thủy văn cho chúng tôi”, Raveesh Kumar, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ, phát biểu trong cuộc họp báo hồi tháng 8.

Tình trạng ngập lụt thường xuyên xảy ra trên sông Brahmaputra trong giai đoạn gió mùa hàng năm (Ảnh: BBC)
Tình trạng ngập lụt thường xuyên xảy ra trên sông Brahmaputra trong giai đoạn gió mùa hàng năm (Ảnh: BBC)

Về phần mình, Trung Quốc cho biết các trạm thủy văn của nước này đang được nâng cấp, do vậy Bắc Kinh chưa thể chia sẻ thông tin về sông Brahmaputra cho phía Ấn Độ.

“Năm ngoái, do nhu cầu tái thiết các trạm thủy văn bị tàn phá trong các trận lũ cũng như nâng cấp và cải tiến hoạt động của chúng, các trạm này chưa đủ điều kiện để thu thập các thông tin thủy văn hiện tại”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Geng Shuang cho biết trong cuộc họp báo tuần trước.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của BBC, Bắc Kinh vẫn tiếp tục chia sẻ các dữ liệu thủy văn cho Bangladesh, quốc gia nằm ở phần thấp nhất của lưu vực sông Brahmaputra. Giới chức Bangladesh cũng khẳng định họ vẫn đang tiếp nhận các thông tin về mực nước sông Brahmaputra từ phía Trung Quốc.

“Chúng tôi đã nhận các dữ liệu về mực nước của sông Brahmaputra từ Trung Quốc một vài ngày trước đây. Chúng tôi vẫn nhận các dữ liệu như vậy từ các trạm thủy văn ở Tây Tạng kể từ năm 2002 và họ vẫn tiếp tục chia sẻ các thông tin với chúng tôi trong thời kỳ gió mùa năm nay”, Mofazzal Hossain, một thành viên của Ủy ban sông ngòi Bangladesh, cho biết.

Ngoài ra, Bộ trưởng Tài nguyên nước Bangladesh Anisul Islam Mohammad cũng xác nhận với BBC rằng nước này đang tiếp nhận các dữ liệu thủy văn về sông Brahmaputra từ Trung Quốc.

Trung Quốc “chơi khó” Ấn Độ?

Khúc quanh sông Yarlung Zangbo chảy từ Trung Quốc vào vùng Arunachal Pradesh của Ấn Độ và trở thành sông Brahmaputra (Ảnh: Rex)
Khúc quanh sông Yarlung Zangbo chảy từ Trung Quốc vào vùng Arunachal Pradesh của Ấn Độ và trở thành sông Brahmaputra (Ảnh: Rex)

Điều này làm dấy lên nghi ngờ về việc Trung Quốc có thể đã cố tình che giấu các thông tin quan trọng về sông Brahmaputra đối với Ấn Độ. Trước đó, hai nước vừa trải qua hai tháng căng thẳng liên quan tới khu vực biên giới tranh chấp ở cao nguyên Doklam trên dãy Himalaya.

Trung Quốc và Ấn Độ đã ký các thỏa thuận chung, trong đó Ấn Độ đề nghị Trung Quốc, với tư cách là quốc gia ở thượng nguồn sông Brahmaputra, chia sẻ với New Delhi các dữ liệu thủy văn về dòng sông này trong giai đoạn gió mùa kéo dài từ ngày 15/5-15/10 hàng năm.

Sông Brahmaputra thường xuyên bị ngập lụt nghiêm trọng trong giai đoạn gió mùa, gây ra thiệt hại lớn cho khu vực đông bắc Ấn Độ và Bangladesh. Theo đó, các dữ liệu thủy văn do Trung Quốc cung cấp về mực nước trên dòng sông này sẽ giúp các quốc gia ở hạ nguồn có thể chuẩn bị các phương án để ứng phó với tình trạng lũ lụt.

Ngoài các dữ liệu về sông Brahmaputra trong giai đoạn gió mùa, Ấn Độ cũng đề nghị Trung Quốc cung cấp các thông tin về dòng chảy của sông này trong các giai đoạn còn lại trong năm. Điều này được cho là xuất phát từ nhiều ý kiến lo ngại tại Ấn Độ, trong đó cho rằng Trung Quốc có thể cố tình điều chỉnh dòng chảy của sông Brahmaputra để nước từ sông chảy vào các khu vực khô hạn của Trung Quốc trong mùa khô, thay vì chảy xuống Ấn Độ và Bangladesh.

Trung Quốc xây đập Zangmu trên sông Brahmaputra để làm nhà máy thủy điện (Ảnh: Google)
Trung Quốc xây đập Zangmu trên sông Brahmaputra để làm nhà máy thủy điện (Ảnh: Google)

Thực tế, Bắc Kinh cũng đã xây dựng một số đập ngăn nước trên sông Brahmaputra, mà Trung Quốc gọi là sông Yarlung Zangbo, ở Tây Tạng. Tuy nhiên, Trung Quốc khẳng định nước này không có ý định tích trữ nước hay điều chỉnh dòng chảy. Bắc Kinh cũng nói rằng sẽ không thực hiện hành động nào đi ngược lại với lợi ích của các nước hạ nguồn sông Brahmaputra.

Mặc dù vậy, trong những năm gần đây, nhiều chuyên gia cho rằng nếu muốn, Trung Quốc có thể xả lũ tại tất cả các con đập trên sông Brahmaputra và khiến toàn bộ khu vực đông bắc Ấn Độ ngập trong nước. Các cư dân Ấn Độ sống ở khu vực sông Brahmaputra cho biết họ từng chứng kiến hiện tượng mực nước trên sông này bất ngờ tăng lên hoặc rút đi đáng kể trong khoảng thời gian rất ngắn.

Theo đó, giới phân tích nhận định Trung Quốc có thể sẽ dùng sông nước như một cách để kiềm chế Ấn Độ trong bối cảnh căng thẳng như hiện nay.

Thành Đạt

Theo BBC