1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Trung Quốc đẩy mạnh đầu tư vào Iraq, gia tăng vị thế ở Trung Đông

Cẩm Hà

(Dân trí) - Khi Mỹ giảm bớt sự quan tâm tại Trung Đông, Trung Quốc càng mở rộng tầm ảnh hưởng ở khu vực này với các dự án đầu tư lớn.

Trung Quốc đẩy mạnh đầu tư vào Iraq, gia tăng vị thế ở Trung Đông - 1

Iraq là nước xuất khẩu dầu mỏ lớn thứ 3 cho Trung Quốc (Ảnh minh họa: AFP).

Bất chấp những bất ổn trong khu vực và toàn cầu đang diễn ra, Trung Quốc vẫn không ngừng đầu tư vào Trung Đông. Một báo cáo gần đây từ Đại học Phúc Đán ở Thượng Hải tiết lộ rằng Bắc Kinh đã đảm bảo một thỏa thuận xây dựng mới ở Iraq với trị giá khoảng 10,5 tỷ USD vào năm 2021 - số tiền chiếm gần 1/6 các khoản đầu tư của dự án Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc trong năm đó.

Iraq đã nổi lên là đối tác thương mại số một của Trung Quốc trong khu vực và là nhà cung cấp dầu lớn thứ ba của nước này, sau Ả rập Xê út và Nga. Nước này với nguồn dự trữ năng lượng và vị trí chiến lược (gần Vịnh Ba Tư và eo biển Hormuz) cực kỳ quan trọng đối với dự án BRI của Trung Quốc. Khi Washington rút khỏi Trung Đông, Bắc Kinh sẵn sàng mở rộng ảnh hưởng của mình ở khu vực này; và quan hệ kinh tế ngày càng được củng cố với Baghdad có thể sẽ biến thành ảnh hưởng chính trị theo thời gian. Mỹ, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đều có quan hệ tích cực và sâu sắc với Iraq, và những nước này đang theo dõi sát sao các động thái của Trung Quốc.

 Cạnh tranh với Mỹ

Sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc ở Trung Đông cùng với dự án BRI dường như cản trở chiến lược khu vực của Mỹ. Mặc dù Mỹ đã giảm sự hiện diện tại Trung Đông trong hơn một thập niên, Washington cũng lo ngại về mối đe dọa đối với sự hiện diện chính trị, kinh tế và quân sự vẫn còn mạnh mẽ của họ trong khu vực. Vai trò có thể có của Trung Quốc trong việc tái thiết Iraq và quan hệ Trung Quốc - Iran ngày càng phát triển đang làm gia tăng sự hiện diện của Bắc Kinh ở Iraq và điều này đe dọa đến Mỹ.

Hợp tác năng lượng Trung Quốc - Iraq là nền tảng của mối quan hệ song phương của hai nước kể từ năm 1981 khi Tổng công ty Xây dựng và Kỹ thuật Dầu khí Trung Quốc (CPECC) bắt đầu hoạt động tại Iraq. Tuy nhiên, việc nâng mối quan hệ giữa hai nước lên thành "đối tác chiến lược" vào năm 2015 là một bước ngoặt đáng báo động đối với Mỹ.

Iraq cần 88 tỷ USD cho nhu cầu tái thiết thời hậu nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS)  - đây là một cơ hội lớn cho Bắc Kinh tăng cường sự hiện diện của mình ở quốc gia này thông qua đầu tư và xây dựng. Thương mại song phương đạt mức 30 tỷ USD vào năm 2018, và các mối quan hệ đã được tăng cường dưới thời cựu Thủ tướng Iraq Adel Abdul Mahdi. Ông đã mô tả mối quan hệ với Trung Quốc là ở tư thế sẵn sàng cho một "bước nhảy lượng tử" trong chuyến thăm Iraq của Bắc Kinh vào năm 2019. Trong nửa đầu năm 2021, kim ngạch thương mại giữa hai nước đã vượt 16 tỷ USD.

Trái ngược với các sáng kiến "quyền lực cứng" của Mỹ, Trung Quốc áp dụng các chiến lược "quyền lực mềm" ở Iraq, đặc biệt là đầu tư kinh tế và chính trị không can thiệp. Bắc Kinh gần đây đã được hưởng lợi từ các cơ hội hậu xung đột với các nỗ lực hòa giải và cam kết thương mại thay vì can thiệp quân sự và tranh luận ở những nơi khác.

Trung Quốc cũng đã nhiều lần sử dụng quyền phủ quyết của Liên hợp quốc, hành động cùng với Nga chống lại khối phương Tây trong cuộc xung đột Syria. Nước này hoạt động tích cực hơn trong các hồ sơ khu vực lớn như Afghanistan và có khả năng sẽ hạn chế sức mạnh chính trị và quân sự của Mỹ ở Iraq trong tương lai gần.

Mối quan hệ với Iran và Thổ Nhĩ Kỳ

Chiến lược khu vực của Trung Quốc nhằm mục đích thiết lập một khuôn khổ địa lý sẽ tạo ra một lực lượng cân bằng mới chống lại phương Tây, dẫn đầu là Trung Quốc và Iran. Về mặt này, vai trò quân sự ngày càng hạ thấp của Mỹ ở Iraq đã mở ra cánh cửa cho Trung Quốc trên toàn cầu và Iran trong khu vực.

Với tầm ảnh hưởng rộng lớn về chính trị, quân sự và xã hội đối với Iraq, Iran đang ở một vị trí chiến lược trong cuộc tranh cãi giữa Mỹ và Trung Quốc. Quan hệ song phương bền chặt giữa Iran và Trung Quốc tồn tại trong nhiều lĩnh vực khác nhau và Tehran ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc do kinh tế suy thoái.

Tháng 3 năm ngoái, Trung Quốc và Iran đã ký một thỏa thuận hợp tác 25 năm, trong đó Bắc Kinh hứa đầu tư 400 tỷ USD vào nền kinh tế của Iran để đổi lấy nguồn cung dầu. Điều này giúp Trung Quốc tăng cường sức mạnh trong các khu vực mà Iran có ảnh hưởng, đặc biệt là ở Iraq và ở Trung Đông nói chung.

Một thực tế ai cũng biết đó là Iran có quan hệ kinh tế chặt chẽ với Iraq, cũng như khả năng can thiệp vào chính trường của đất nước này. Tehran, vốn đang gặp rắc rối với sự hiện diện của Mỹ ở Iraq, thể hiện sự khó chịu với các cuộc tấn công vào tài sản của Mỹ thông qua các ủy nhiệm của họ cả về chính trị và thực địa; trong khi đó lại ưa thích Bắc Kinh như một đối tác khu vực. Lực lượng ủy nhiệm của Iran cũng thường xuyên đe dọa Thổ Nhĩ Kỳ và các căn cứ quân sự của nước này ở phía bắc Iraq.

Iraq có ý nghĩa địa chiến lược đối với tuyến đường bộ của dự án BRI, vốn nối Trung Đông với châu Âu qua Iran, Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ. Tại thời điểm này, Thổ Nhĩ Kỳ dành sự quan tâm lớn cho dự án vì họ mong đợi lợi nhuận kinh tế đáng kể.

Vào năm 2014, Trung Quốc đã mở tổng lãnh sự quán tại Erbil và công bố một số khoản đầu tư hàng tỷ USD vào chính quyền khu tự trị người Kurd (KRG), nơi Thổ Nhĩ Kỳ có quan hệ kinh tế, quân sự và chính trị chặt chẽ.

Tuy nhiên, quan hệ chặt chẽ của Trung Quốc với Iran và liên minh của họ ở Iraq sẽ có những tác động tiêu cực đến các mối quan hệ chính trị và kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ với Iraq. Đáng chú ý, trong khi Tehran tìm cách sử dụng Trung Quốc như một nhân tố cân bằng chống lại Mỹ ở Iraq, thì họ cũng có thể muốn sử dụng chiến lược đầu tư của Trung Quốc như một nhân tố cân bằng chống lại ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ tại KRG.

Phó đại diện thường trực của Trung Quốc tại Liên hợp quốc Cảnh Sảng vào tháng 12 năm ngoái đã kêu gọi Ankara "tôn trọng chủ quyền" liên quan đến các hoạt động quân sự của Trung Quốc trên lãnh thổ Iraq, điều này cho thấy ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Iraq có thể vượt ra khỏi sự thống trị về kinh tế và địa chính trị. Rõ ràng tình hình này đang có lợi cho Iran. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, Bắc Kinh khó có thể làm lung lay địa vị thiết yếu của Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia có vai trò chủ chốt trong việc bán năng lượng của KRG ra thế giới, và là cửa ngõ kết nối Trung Quốc với phương Tây.

Theo TRT World