1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

"Cuộc chiến" mới lộ diện ở điểm nóng Trung Đông

Thanh Thành

(Dân trí) - Khi đang nỗ lực vượt qua những xung đột đẫm máu và các mâu thuẫn chằng chịt, Trung Đông lại mắc kẹt trong một "cuộc chiến" mới giữa 2 cường quốc thế giới: Mỹ và Trung Quốc.

Cuộc chiến mới lộ diện ở điểm nóng Trung Đông - 1

Thái tử Abu Dhabi, Sheikh Mohammed bin Zayed Al Nahyan, bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh hồi tháng 7/2019 (Ảnh: Arab Business).

Trong một năm thế giới chứng kiến nhiều thay đổi sâu sắc, một Trung Đông chưa bao giờ yên ả dường như cuối cùng cũng đã được lật sang một trang mới: xu hướng ngoại giao hàn gắn những rạn nứt kéo dài. Thực tế là Iraq đã có bước chuyển mình đáng chú ý từ tâm điểm bạo lực của khu vực thành một trong những quốc gia tiến triển rõ rệt, chẳng hạn như việc đứng ra làm trung gian cho các cuộc đàm phán hiếm hoi giữa hai cựu thù là Ả rập Xê út và Iran.

Tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 và 4 năm sóng gió toàn cầu dưới thời Tổng thống Donald Trump, nhiều quốc gia Trung Đông đã có dấu hiệu cho thấy các xung đột đơn giản là không thể tiếp diễn.

Nhưng khi một năm bước ngoặt như vậy sắp kết thúc và khi một cơn lốc ngoại giao đang tăng tốc, lại xuất hiện một đường đứt gãy địa chính trị khác: Trung Đông đã trở thành chiến trường kinh tế và địa chính trị mới của Mỹ và Trung Quốc, bất chấp những nỗ lực tránh đi theo lối mòn cạnh tranh này của các nước trong khu vực.

Ranh giới của một cuộc "Chiến tranh Lạnh" mới

Trong động thái cho thấy các nhà lãnh đạo Trung Đông lo lắng như thế nào khi bị "lôi" vào cuộc chiến cạnh tranh Mỹ - Trung, một quan chức cấp cao của Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) hồi đầu tháng này đã có bài phát biểu bày tỏ cảm giác vô vọng trước cuộc đọ sức giữa hai cường quốc này.

Phát biểu trước Viện các quốc gia vùng Vịnh Ả rập ở Washington, Mỹ tuần trước, Anwar Gargash, cố vấn ngoại giao của giới lãnh đạo UAE, nhấn mạnh: "Điều chúng tôi lo lắng là ranh giới giữa sự cạnh tranh gay gắt và một cuộc Chiến tranh Lạnh mới". Theo ông, các quốc gia nhỏ sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực bởi cuộc cạnh tranh này, nhưng lại sẽ không có khả năng gây tác động đến nó theo bất kỳ cách nào, thậm chí theo hướng tích cực.

Ông Gargash xác nhận thông tin cho rằng UAE, một đồng minh quan trọng của Mỹ trong khu vực, đã phải đóng cửa một cảng của Trung Quốc vì Washington cáo buộc Bắc Kinh đang sử dụng địa điểm này cho mục đích quân sự. Ông nói rõ rằng, Abu Dhabi chỉ đơn giản là không muốn làm mất lòng đồng minh chiến lược.

Nhưng không phải lúc nào Mỹ cũng thắng trong cuộc chiến giành ảnh hưởng tại quốc gia này.

Vài ngày sau tuyên bố của ông Gargash, Abu Dhabi đã có quyết định làm "mếch lòng" Mỹ . Họ đã dừng một thương vụ mua máy bay F-35 trị giá hàng tỷ USD do Mỹ sản xuất, thương vụ đầu tiên thuộc loại này với một quốc gia Ả rập.

Nguyên nhân là do Washington đã đưa ra điều kiện bán hàng là UAE phải loại bỏ gã khổng lồ công nghệ Huawei của Trung Quốc khỏi mạng viễn thông của họ. Washington tuyên bố công nghệ này gây ra rủi ro an ninh cho các hệ thống vũ khí của họ, đặc biệt là đối với chiếc máy bay mà Mỹ gọi là "viên ngọc quý".

Abu Dhabi không đồng ý. Một quan chức của tiểu vương quốc này cho biết họ cần hành động dựa trên "phân tích chi phí/lợi ích" hợp lý nên vẫn lựa chọn Huawei. Và trong khi các quan chức Mỹ cố gắng hạ thấp tầm quan trọng của việc hủy thỏa thuận lần này đồng thời khẳng định vụ mua bán này chưa bị kết thúc, Abu Dhabi lại đưa ra giọng điệu mới về các giao dịch thương mại của Trung Quốc được ngụy trang dưới dạng hoạt động quân sự bí mật.

Đây là một động thái có thể tạo tiền đề, không chỉ cho cường quốc vùng Vịnh này mà còn cho toàn bộ khu vực, nơi các mối quan hệ thương mại với Trung Quốc đang phát triển nhanh chóng, trong khi vai trò số 1 lâu đời của Mỹ có thể sắp kết thúc.

"Cây gậy" hay "củ cà rốt"?

Trung Đông đã bị rung chuyển bởi những căng thẳng địa chính trị được cho là kể từ khi các cường quốc phương Tây biến khu vực giàu tài nguyên này trở thành vùng ảnh hưởng rộng lớn của họ hơn một thế kỷ trước.

Nhưng khu vực này hiếm khi chứng kiến bạo lực kinh hoàng như những năm 2010 khi bùng nổ đồng thời các cuộc chiến ở 4 quốc gia khác nhau: Syria, Yemen, Libya và Iraq, cũng như bạo lực kéo dài ở Israel và các vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng, biến nơi đây thành "một cuộc tắm máu" của thế giới Ả rập.

Cuộc chiến mới lộ diện ở điểm nóng Trung Đông - 2

Cảng Khalifa ở Abu Dhabi, nơi Mỹ nghi ngờ Trung Quốc xây dựng căn cứ quân sự dưới vỏ bọc thương mại (Ảnh: Reuters).

Đó là thời kỳ trùng với sự thay đổi chính trị quan trọng: Mỹ đang dịch chuyển dần ra khỏi Trung Đông để tập trung vào Trung Quốc. Sự hỗn loạn sau đó là chưa từng có và dường như dự báo một khoảng trống quyền lực lớn khi Washington trỗi dậy.

Sự bùng nổ của chính sách ngoại giao khu vực diễn ra sau đó, gấp rút và đôi khi hỗn loạn, dường như cũng có dấu hiệu cho thấy Mỹ chuẩn bị rời khỏi khu vực. Trong tất cả, Trung Quốc, từng bị các cường quốc như Ả rập Xê út phản đối gay gắt, lại đang hoạt động tích cực ở Trung Đông.

Bắc Kinh đã tạo dựng quan hệ đối tác kinh tế trên phạm vi rộng với các quốc gia như Ả rập Xê út và Iran. 

Trung Quốc đã từng bước biến Trung Đông thành một phần quan trọng của sáng kiến Vành đai-Con đường, một dự án cơ sở hạ tầng lớn kết nối Đông Á với châu Âu (Kênh đào Suez của Ai Cập là kết nối hàng hải duy nhất của dự án). Và hơn hết, những động thái này giúp Trung Quốc dần dần tạo được ảnh hưởng và cơ hội để có thể thế chân Mỹ khi Washington rút lui.

Jonathan Fulton, thành viên cao cấp không thường trú tại Hội đồng Đại Tây Dương, cho biết: "Đã có sẵn kịch bản này khi các cường quốc ngoài khu vực đang rời đi thì ngay lập tức sẽ có Trung Quốc, một đối tác thương mại hàng đầu, thế chỗ".

Các nhà phân tích cho rằng nếu Washington buộc các nước trong khu vực phải lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc, điều đó thật ngớ ngẩn bởi những đối tác liên minh của Mỹ trong khu vực không thích bị buộc phải lựa chọn, đặc biệt là trong khi sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Trung Đông vẫn mở rộng.

Nhưng cuối cùng, các nước trong khu vực này có thể không còn lựa chọn nào khác ngoài việc lấy "củ cà rốt" của Trung Quốc ngay cả khi điều đó đồng nghĩa với việc chấp nhận "cây gậy" của Mỹ.

"Cần dự án thực tế và tiền mặt ngay trên bàn đàm phán"

Điểm yếu chính trong đề xuất của Mỹ ở Trung Đông là Washington không đưa ra được lựa chọn nào hiệu quả thay thế cho các giao dịch béo bở của Bắc Kinh.

Cuộc chiến mới lộ diện ở điểm nóng Trung Đông - 3

Căn cứ không quân Al Udeid ở Qatar là căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ ở Trung Đông (Ảnh: Không quân Mỹ).

Chẳng hạn, Mỹ có thể gây sức ép với UAE rút khỏi thỏa thuận với Huawei, nhưng họ không sẵn sàng cung cấp lựa chọn thứ hai có tính cạnh tranh hơn.

Khi bùng nổ cuộc khủng hoảng tài chính tại Li băng vào năm 2020, Mỹ đã gây áp lực buộc Beirut không ngả sang Bắc Kinh, khi Trung Quốc ngỏ ý giúp đỡ đầu tư vào cơ sở hạ tầng đang xuống cấp của Li băng, với việc Đại sứ Mỹ Dorothy Shea đưa ra cảnh báo trên truyền hình về sự nguy hiểm của "bẫy nợ".

Chính phủ của cựu Thủ tướng Li băng Hassan Diab đã nhún mình trước áp lực của Mỹ, trong khi Washington hầu hết vẫn không công nhận chính phủ của ông, vốn được cho là do Hezbollah hậu thuẫn. Và Li băng cũng gần như không có bất kỳ mối hợp tác kinh tế nào với Mỹ và các nước phương Tây, khiến nền kinh tế càng rơi vào khó khăn.

Bà Tin Hinane El Kadi, một thành viên của tổ chức tư vấn Chatham House, cho biết áp lực của Mỹ đã gia tăng trong những năm gần đây, và đặc biệt là kể từ khi Trung Quốc công bố sáng kiến Vành đai-Con đường vào năm 2013. "Tuy nhiên, trong chính trị quốc tế, chỉ có thể gây áp lực với các quốc gia khi bạn có quyền lực thực sự và phương tiện để thực sự đưa ra một thỏa thuận khác", ông nói.

Bà nói thêm: "Nếu Mỹ thực sự muốn gây áp lực với các quốc gia và giành chiến thắng trong cuộc Chiến tranh Lạnh mới này, họ sẽ phải tránh xa cách chơi phiến diện, và hãy bắt đầu với các dự án thực tế và cả tiền mặt trên bàn đàm phán".

Còn chuyên gia Fulton cho rằng, trong trường hợp buộc phải lựa chọn, các quốc gia bị lôi kéo vào các cuộc xung đột phần lớn sẽ chọn các phương án phục vụ lợi ích kinh tế của họ.