1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Trung Quốc tận dụng khoảng trống quyền lực của Mỹ tại Trung Đông

Kim Huyền

(Dân trí) - Tăng cường hợp tác trong lĩnh vực quân sự với Ả Rập Xê Út là một "con bài" của Trung Quốc nhằm mở rộng sự hiện diện tại khu vực Trung Đông, trong bối cảnh ảnh hưởng của Mỹ suy yếu.

Trung Quốc tận dụng khoảng trống quyền lực của Mỹ tại Trung Đông - 1

Thượng tướng Ngụy Phượng Hòa đã có cuộc trao đổi trực tuyến với Thứ trưởng Quốc phòng Ả Rập Xê Út - Thái tử Khalid bin Salman (Ảnh: AP).

SCMP đưa tin, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc - Thượng tướng Ngụy Phượng Hòa mới đây đã có cuộc họp trực tuyến với Thứ trưởng Quốc phòng Ả Rập Xê Út - Thái tử Khalid bin Salman, trong đó hai bên cam kết thúc đẩy "hợp tác thiết thực tăng cường đoàn kết" giữa quân đội hai nước.

Theo lời ông Ngụy Phượng Hòa, hai nước nên "tăng cường phối hợp và cùng nhau chống lại các hành vi bá quyền và ép buộc, để cùng nhau bảo vệ lợi ích của các nước đang phát triển", đề cập có hàm ý ám chỉ phía Mỹ.

Theo thông báo của Bộ Quốc phòng Trung Quốc về cuộc họp trực tuyến vào thứ Tư tuần trước, quân đội nước này cũng mong muốn "duy trì liên lạc chiến lược và thúc đẩy hợp tác thực tế với Ả Rập Xê Út".

Về phần mình, Thứ trưởng Khalid kêu gọi hợp tác mạnh mẽ hơn để thúc đẩy quan hệ quốc phòng lên cấp độ cao hơn.

Cuộc họp trên diễn ra vào thời điểm Trung Quốc đang đẩy mạnh ngoại giao tại khu vực Trung Đông, một "đấu trường" mới trong cuộc cạnh tranh quyền lực với Mỹ, khi cường quốc này có dấu hiệu giảm bớt sự hiện diện.

Trong dấu hiệu mới nhất về ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh ở Trung Đông, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị hồi đầu tháng đã tiếp đón những người đồng cấp từ các quốc gia vùng vịnh Ba Tư như Ả Rập Xê Út, Kuwait, Oman và Bahrain tại thành phố Vô Tích, miền đông Trung Quốc. Sau đó, ông cũng tổ chức các cuộc gặp riêng với các nhà ngoại giao hàng đầu của Iran và Thổ Nhĩ Kỳ.

Ông Vương đã thúc giục các quốc gia vùng Vịnh tăng tốc các cuộc đàm phán thương mại tự do với Bắc Kinh, sau khi quá trình này bị đình trệ vào năm 2009. Trung Quốc là đối tác thương mại kinh tế hàng đầu và là nhà nhập khẩu dầu lớn nhất của Ả Rập Xê Út.

Trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Ả Rập Xê Út - Hoàng tử Faisal bin Farhan al Saud, ông Vương đã mô tả mối quan hệ giữa hai nước là "bạn tốt, đối tác tốt và anh em tốt", đồng thời cho biết quan hệ với quốc gia này là "ưu tiên" đối với chính sách đối ngoại của Bắc Kinh trong Trung Đông.

Trong những năm gần đây, Ả Rập Xê Út đã mua máy bay không người lái có vũ trang từ Trung Quốc, và đã triển khai loại vũ khí này trong các cuộc không kích do Ả Rập Xê út dẫn đầu tại nước láng giềng Yemen. Mặc dù Mỹ vẫn là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất của vương quốc này, nhưng doanh số bán vũ khí của Trung Quốc cho Ả Rập Xê Út trong giai đoạn 2016-2020 đã tăng gần 400% so với 5 năm trước đó.

CNN hồi tháng 12 trích dẫn đánh giá của Mỹ và các hình ảnh vệ tinh cho biết Ả Rập Xê Út đang chế tạo tên lửa đạn đạo của riêng mình với sự hỗ trợ của Trung Quốc. Điều đó đã làm dấy lên lo lắng về việc phức tạp hóa những nỗ lực của Washington nhằm đưa Iran - đối thủ hàng đầu trong khu vực của Ả Rập Xê Út - trở lại bàn đàm phán về thỏa thuận hạt nhân.

Trong khi đó, mối quan hệ Mỹ - Ả Rập Xê Út cũng trở nên căng thẳng trong những năm gần đây vì những lo ngại về nhân quyền và vụ giết hại nhà báo Jamal Khashoggi của Washington Post hồi năm 2018 tại lãnh sự quán Ả Rập Xê Út tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ.

Kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Joe Biden mới chỉ nói chuyện một lần với Quốc vương Salman của Ả Rập Xê Út - vào tháng Hai năm ngoái, và vẫn chưa chính thức thăm một trong những đồng minh mạnh nhất của Washington tại Trung Đông.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm