1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Trung Quốc chi 240 tỷ USD cứu trợ các nước tham gia Vành đai, con đường

Minh Phương

(Dân trí) - Chủ yếu khoản cứu trợ này được chi trong giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2021 và cho các nước có thu nhập trung bình, báo cáo của các nhà nghiên cứu quốc tế cho biết.

Trung Quốc chi 240 tỷ USD cứu trợ các nước tham gia Vành đai, con đường - 1

Ngân hàng trung ương Trung Quốc (Ảnh: Reuters).

Reuters dẫn báo cáo công bố ngày 28/3 của các nhà nghiên cứu thuộc Ngân hàng Thế giới (World Bank), Viện nghiên cứu kinh tế toàn cầu Kiel, trường Harvard cho biết, trong giai đoạn từ năm 2008 đến 2021, cho biết Trung Quốc đã chi 240 tỷ USD cho vay cứu trợ đối với các nước tham gia Sáng kiến "Vành đai, con đường" (BRI).

Khoảng 80% khoản vay này được phân bổ trong thời gian từ 2016 đến 2021 và chủ yếu cho các nước có thu nhập trung bình như Argentina, Mongolia và Pakistan.

Tuy nhiên, đến nay, nhiều nước không thể trả khoản nợ, thậm chí khoản lãi vay đến hạn. "Bắc Kinh rốt cuộc lại đang phải tìm cách cứu chính các ngân hàng của họ", Carmen Reinhart, một cựu kinh tế trưởng của World Bank và cũng là một trong các tác giả báo cáo, cho biết.

Các khoản vay của Trung Quốc dành cho các nước gặp khó trong việc trả nợ tăng từ dưới 5% năm 2010 lên 60% năm 2022, nghiên cứu chỉ ra. Argentina vay nhiều nhất với 111,8 tỷ USD, tiếp đến là Pakistan 48,5 tỷ USD và Ai Cập 15,6 tỷ USD, 9 nước khác vay chưa đến 1 tỷ USD.

Trung Quốc đang đàm phán cơ cấu nợ với các nước như Zambia, Ghana, Sri Lanka. Bắc Kinh cũng kêu gọi Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế hỗ trợ giảm nợ.

BRI được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra lần đầu tiên vào tháng 9/2013 nhằm tăng cường kết nối giữa Trung Quốc và nhiều quốc gia khác trên tuyến đường từ châu Á sang châu Âu.

Tháng 8 năm ngoái, một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, chính phủ nước này đã ký thỏa thuận hợp tác Sáng kiến "Vành đai, Con đường" (BRI) với 149 quốc gia, 32 tổ chức quốc tế với tổng cộng 3.000 dự án, tổng vốn đầu tư gần 1.000 tỷ USD.

Nhiều chuyên gia cho rằng, sáng kiến này nhằm mở rộng tầm ảnh hưởng của Trung Quốc đối với các quốc gia láng giềng và khu vực thông qua các dự án cho vay xây dựng hạ tầng như đường bộ, sân bay, cảng biển và các hạ tầng khác.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken từng gọi đây là "ngoại giao bẫy nợ" của Bắc Kinh, song Trung Quốc nhiều lần bác bỏ cáo buộc.

Theo Reuters

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm