"Chìm trong bẫy nợ" của Trung Quốc, làm sao châu Phi có thể kêu gọi đầu tư?

(Dân trí) - Sau hàng loạt chỉ trích "ngoại giao bẫy nợ" đối với các quốc gia châu Phi, Bắc Kinh đã đưa ra một giải pháp mới bằng cách khuyến khích các công ty đầu tư vào châu Phi qua hình thức đối tác công - tư.

Tuy vậy, đáng chú ý, các bên cho vay lại là các ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc.

PPP - "Giúp giảm thiểu bẫy nợ ngoại giao"

Chìm trong bẫy nợ của Trung Quốc, làm sao châu Phi có thể kêu gọi đầu tư? - 1

Đường cao tốc ở thủ đô Nairobi, Kenya do nhà thầu Trung Quốc xây dựng. Ảnh: AP

Tại thủ đô Nairobi của Kenya, dự án đường cao tốc 4 làn đang trong quá trình xây dựng. Đây là một trong những dự án cơ sở hạ tầng mới nhất do chính Tổng công ty cầu đường Trung Quốc thuộc sở hữu của nhà nước Trung Quốc đầu tư và xây dựng.

Dự án đường cao tốc 4 làn được xây dựng tại ngay giữa trung tâm thủ đô nước này, với tổng chi phí xây dựng lên tới 600 triệu USD, được kỳ vọng sẽ giúp giải quyết tình trạng tắc nghẽn giao thông tại Nairobi.

Tuyến đường cao tốc dài 27 km này cũng đánh dấu bước ngoặt lớn trong việc đầu tư của Trung Quốc khi chuyển dần từ nợ công sang một phương thức mới để cấp vốn cho cơ sở hạ tầng như đường sá, nhà máy điện tại châu Phi, đó là thông qua quan hệ đối tác công - tư.

Các giao dịch dài hạn này có nhiều hình thức khác nhau và có thể liên quan nhiều đến đầu tư cổ phần. Còn đối với dự án Đường cao tốc của Nairobi, khác với trước đây, hình thức thu hồi vốn của Tổng công ty cầu đường Trung Quốc sẽ thông qua việc thu phí sử dụng đường cao tốc trong vòng 27 năm hoạt động.

Sự thay đổi trong hình thức thu hồi vốn trên diễn ra khi nhiều quốc gia châu Phi đang phải vật lộn để trả các khoản nợ khổng lồ cho Trung Quốc, đặc biệt là sau những ảnh hưởng kinh tế nặng nề của đại dịch Covid-19.

Theo giới chuyên gia, loại hình tài trợ dự án tư nhân này có thể giảm rủi ro trả nợ cũng như giúp các chính phủ châu Phi thoát khỏi nguy cơ giảm các khoản vay và thâm hụt ngân sách.

Sự miễn cưỡng đối với Trung Quốc

Chìm trong bẫy nợ của Trung Quốc, làm sao châu Phi có thể kêu gọi đầu tư? - 2

Tuyến đường cao tốc 4 làn xe đang được xây dựng tại giữa lòng thủ đô Nairobi, với tổng trị giá lên tới 600 triệu USD. Ảnh: SCMP

Các khoản đầu tư được thực hiện thông qua quan hệ đối tác công - tư thường được hỗ trợ bởi sự bảo đảm của nhà nước, chẳng hạn như từ Tổng công ty Bảo hiểm Tín dụng và Xuất khẩu Trung Quốc hoặc Sinosure.

Tuy nhiên, việc chuyển đổi hình thức sang đầu tư đối tác công tư (PPP) dường như là một sự miễn cưỡng bởi Bắc Kinh từ lâu chỉ thích mô hình cho vay giữa nhà nước với nhà nước.

Thời gian gần đây, được sự khuyến khích từ chính phủ, các ngân hàng và doanh nghiệp Trung Quốc thuộc sở hữu nhà nước bắt đầu đẩy mạnh PPP khi đầu tư vào các tuyến đường thu phí ở Mozambique và Uganda. Tại Nigeria, các ngân hàng Trung Quốc và Sinosure đang tài trợ cho một đường ống dẫn khí đốt trị giá 2,8 tỷ USD do các tập đoàn của các công ty Nigeria và Trung Quốc xây dựng.

Tại Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc - châu Phi vào năm 2018, Chủ tịch Tập Cận Bình kêu gọi các công ty tư nhân Trung Quốc đóng một vai trò lớn hơn ở châu lục và "đầu tư ít nhất 10 tỷ USD vào châu Phi trong ba năm tới".

Theo ông Zhou Yuyuan - một chuyên gia cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Tây Á và châu Phi thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải, có nhiều hình thức thu hồi vốn khác nhau trong PPP, chẳng hạn chủ đầu tư sẽ giữ cổ phần trong công ty khai thác.

Dẫn ví dụ cho hình thức trên, ông Zhou cho biết, nhà máy nhiệt điện than Hwange ở Zimbabwe là một trong những dự án như vậy, với Tập đoàn Sinohydro thuộc sở hữu nhà nước đầu tư khoảng 176 triệu USD - trên 1 tỷ USD vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Exim Trung Quốc - chiếm 15% cổ phần.

Ông Zhou cho biết, Sinohydro cũng đã đầu tư vào dự án thủy điện Kafue Gorge Lower ở Zambia. "Quan hệ đối tác công tư sẽ giúp cho các công ty nghiêm túc hơn và có trách nhiệm hơn đối với hoạt động của họ ở châu Phi và các quốc gia khác. Mặc dù PPP này không phổ biến, nhưng nó đang trở thành một xu hướng rõ ràng."

"Chủ nợ" lớn nhất của châu Phi

Trong vòng 2 thập kỷ qua, Trung Quốc đã đầu tư cho các dự án cơ sở hạ tầng tại châu Phi với tổng trị giá lên tới 148 tỷ USD, và trở thành bên cho vay song phương lớn nhất của châu lục đen, theo một nghiên cứu được thực hiện bởi Đại học Johns Hopkins. Những khoản cho vay của Trung Quốc đạt đỉnh vào năm 2013 và có dấu hiệu sụt giảm kể trong những năm sau đó.

Theo giới đầu tư cho biết, các chính phủ châu Phi một khi chậm trễ hoặc không đủ khả năng trả nợ sẽ là nguyên nhân chính khiến cho họ khó kêu gọi những khoản vay mới từ Bắc Kinh.

Tuy nhiên, chuyên gia Bradley Parks (Mỹ) lại nêu ra một nhận định khác. Theo ông Parks, tình trạng dư thừa sắt, thép, xi măng, nhôm và dữ trữ ngoại tệ dư thừa ở Trung Quốc là động lực chính khiến Bắc Kinh phải chuyển sang hình thức PPP.

"Các nhà chức trách ở Bắc Kinh hiểu rằng nếu các công ty này không tìm được người mua vì sản lượng dư thừa của họ, họ có nhiều khả năng bị vỡ nợ và đóng cửa các nhà máy của mình, do đó, tỷ lệ thất nghiệp sẽ có nguy cơ cao hơn rất nhiều", ông Parks chia sẻ.

Với những nước như Angola, Zimbabwe, Cộng hòa dân chủ Congo và Cộng hòa Congo, tiền nợ Trung Quốc được trả bằng quyền tiếp cận nguồn tài nguyên thiên nhiên sẵn có.

Đối với các nước như Cộng hòa Dân chủ Congo, Cộng hòa Công, Angola hay Zimbabwe, những khoản cho vay từ Trung Quốc đều được đảm bảo từ các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Đặc biệt, các bên cho vay Trung Quốc đang trở nên quan tâm hơn đến các hình thức PPP vì các quốc gia châu Phi đang tập trung vào việc khai thác tài nguyên.

Theo ông Gyude Moore, một chuyên gia chính sách cấp cao tại Trung tâm Phát triển Toàn cầu có trụ sở tại Washington, cho biết các công ty Trung Quốc chỉ thích những khoản cho vay có lời hơn là cổ phần trong dự án. Dù vậy, trong những năm trở lại đây, Bắc Kinh cũng đã mở rộng đầu tư cổ phần vào các quốc gia Đông Nam Á như Lào, Campuchia và Việt Nam.

Moore nói: "Nhiều chính phủ châu Phi đã do dự trong việc tiếp nhận các khoản đầu tư đối tác cổ phần, nhưng đây có thể là cách duy nhất để họ nhận thêm những khoản vay mới".