1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Trung Quốc chạy đua xuất khẩu 400 triệu liều vắc xin Covid-19

Thành Đạt

(Dân trí) - Các hãng dược Trung Quốc dự kiến xuất khẩu gần 400 triệu liều vắc xin Covid-19 ra nước ngoài khi cuộc đua vắc xin ngày càng tăng tốc.

Trung Quốc chạy đua xuất khẩu 400 triệu liều vắc xin Covid-19 - 1

Một nhân viên kiểm tra chất lượng vắc xin Covid-19 của công ty Sinovac. (Ảnh: Reuters)

Ba công ty dược hàng đầu của Trung Quốc, gồm Tập đoàn Dược phẩm Quốc gia Trung Quốc (Sinopharm), Sinovac Biotech và CanSino Biologics, đã đạt được các thỏa thuận để cung cấp gần 400 triệu liều vắc xin Covid-19 cho các nước ở Mỹ Latinh, Trung Đông và châu Á.

Các thỏa thuận này đi kèm với cam kết ngoại giao của Bắc Kinh rằng, vắc xin Covid-19 do Trung Quốc sản xuất sẽ trở thành "hàng hóa công cộng toàn cầu" cho các nước đang phát triển.

Các chuyên gia nhận định Trung Quốc có thể đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện nguồn cung vắc xin vốn đang hạn chế trên toàn cầu. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều hoài nghi về hiệu quả và sự minh bạch về dữ liệu của các loại vắc xin do Trung Quốc sản xuất. Ngoài ra, Trung Quốc cũng phải cân bằng giữa việc xuất khẩu vắc xin ra nước ngoài với việc tiêm chủng cho 1,4 tỷ dân trong nước.

Giới chức y tế Trung Quốc tuần trước cho biết, nước này vẫn chưa chính thức phê duyệt bất kỳ vắc xin Covid-19 nào được phát triển trong nước để sử dụng đại trà. Tuy vậy, một số loại vắc xin do các công ty dược phát triển đã thu thập đủ dữ liệu về thử nghiệm giai đoạn 3 và đang được gửi lên các cơ quan quản lý để xem xét phê duyệt.

Dù chưa được chính phủ phê duyệt chính thức, vắc xin do các công ty Trung Quốc phát triển đã bắt đầu được chuyển đi khắp thế giới, trong đó các quốc gia đã giúp các công ty Trung Quốc thử nghiệm lâm sàng các loại vắc xin này.

Trong những tuần gần đây, Brazil và Indonesia đều đã nhận được các lô hàng vắc xin của Sinovac. Cả hai nước đang tiến hành thử nghiệm giai đoạn 3 và vẫn chưa phê duyệt vắc xin. Dữ liệu về kết quả thử nghiệm dự kiến được công bố trong vòng vài ngày tới.

Trong tháng này, Ai Cập đã tiếp nhận lô vắc xin Covid-19 đầu tiên do Sinopharm phát triển. Lô vắc xin này được vận chuyển từ Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) - nơi đã thử nghiệm lâm sàng và phê duyệt vắc xin của Sinopharm hôm 9/12.

Các nhà chức trách y tế UAE đã trích dẫn kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 của vắc xin Trung Quốc với mức độ hiệu quả đạt 86%, mặc dù dữ liệu vẫn chưa được công ty công bố.

Các quốc gia khác đã ký thỏa thuận mua vắc xin Covid-19 do các công ty Trung Quốc phát triển gồm Mexico, Morocco, Chile, Indonesia, Singapore và Thổ Nhĩ Kỳ. Indonesia dẫn đầu về số lượng mua vắc xin Trung Quốc, với 125,5 triệu liều từ Sinovac, 60 triệu liều từ Sinopharm và 20 triệu liều từ CanSino. Ngoài số liệu chính thức, nhiều thỏa thuận mua vắc xin Trung Quốc khác chưa được công bố.

Theo nhà nghiên cứu Nicholas Thomas tại Đại học Hong Kong, việc Trung Quốc phân phối thành công vắc xin ra khắp thế giới sẽ giúp làm dịu bớt căng thẳng, sau khi Bắc Kinh bị chỉ trích vì cách ứng phó thiếu hiệu quả khiến dịch bùng phát toàn cầu.

"Ở trong nước, vắc xin sẽ giúp người dân (Trung Quốc) tin rằng chính phủ đã nỗ lực đáng kể để xoa dịu thiệt hại do Covid-19 gây ra", chuyên gia Thomas nhận định.

Tuy nhiên, theo Xiaoqing Boynton, phó chủ tịch hãng tư vấn Albright Stonebridge Group, Trung Quốc cần quản lý hiệu quả việc cân bằng giữa các thỏa thuận vắc xin với nước ngoài và nhu cầu trong nước. Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc hồi tháng 9 cho biết nước này có thể sản xuất 610 triệu liều vắc xin trong năm nay và 1 tỷ liều vào năm sau, song chưa rõ số lượng xuất khẩu.