1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Trung Quốc chạy đua gia tăng ảnh hưởng ở Thái Bình Dương

Thanh Thành

(Dân trí) - Chỉ trong vòng 10 ngày, Ngoại trưởng Vương Nghị đã đến 7 quốc đảo Thái Bình Dương, đánh dấu chuyến công du đầu tiên tới khu vực này của một quan chức cấp cao Trung Quốc trong hơn 2 năm qua.

Trung Quốc chạy đua gia tăng ảnh hưởng ở Thái Bình Dương - 1

Nhà vua Tongo Tupou VI (thứ ba từ phải sang) và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (thứ ba từ trái sang) tại Cung điện Hoàng gia Nukualofa hôm 31/5 (Ảnh: AFP).

Chuyến đi của ông Vương Nghị tới khu vực được coi là một cánh cửa ngoại giao nhằm giúp đưa các quốc đảo Thái Bình Dương giàu tài nguyên và có ý nghĩa chiến lược lên bản đồ địa chính trị thế giới.

Trọng tâm của chuyến đi là cuộc thảo luận về một thỏa thuận an ninh được đề xuất giữa Ngoại trưởng Vương Nghị và những người đồng cấp của 10 quốc đảo Thái Bình Dương.

Mối quan tâm mới của Bắc Kinh trong khu vực đã thu hút sự chú ý từ quốc gia vốn có mối quan hệ thân thiết với các quốc đảo ở Thái Bình Dương như Mỹ, Australia và New Zealand.

Theo các nhà quan sát khu vực, cho đến nay, các quốc đảo ở Thái Bình Dương đã nỗ lực để không bị lôi kéo vào một cuộc đua địa chính trị, nhưng có thể tìm cách giảm dần sự phụ thuộc với các cường quốc mà họ từng là thuộc địa cũ bằng cách xây dựng mối quan hệ với nhiều quốc gia hơn, bao gồm cả Trung Quốc.

Trong chuyến đi lần này, ông Vương Nghị đến quần đảo Solomon, Kiribati, Samoa, Fiji, Tonga, Vanuatu và Papua New Guinea, đồng thời có các cuộc họp trực tuyến với những người đồng cấp từ Quần đảo Cook và Micronesia.

Giữa các hoạt động đó, Ngoại trưởng Australia Penny Wong đã đến Samoa trong chuyến công du thứ hai tới khu vực này chỉ trong 10 ngày sau khi nhậm chức. Trọng tâm chuyến đi là bàn về việc Canberra sẽ cung cấp một tàu tuần tra mới vào năm tới để thay thế một chiếc bị mắc cạn ở Samoa.

Khu vực này cũng là trọng tâm của cuộc thảo luận giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern tuần trước, trong đó ông chủ Nhà Trắng nói rằng hai bên "có nhiều việc phải làm ở những hòn đảo Thái Bình Dương đó".

Theo Henry Ivarature, chuyên gia nghiên cứu về Thái Bình Dương tại Trường Chính sách Công Crawford thuộc Đại học Quốc gia Australia, các quốc đảo ở đây có thể sẽ chứng kiến thêm "nhiều làn sóng ngoại giao".

"Thái Bình Dương, theo kinh nghiệm làm việc trong khu vực của tôi, chưa bao giờ chứng kiến quy mô như những gì Ngoại trưởng Trung Quốc đã làm", ông Ivarature nói. "Bắc Kinh đã làm điều mà Australia và New Zealand chưa từng làm. Thái Bình Dương có thể mong đợi nhiều làn sóng ngoại giao hơn từ Trung Quốc, Australia, New Zealand và thậm chí cả Mỹ".

Yu Lei, trưởng nhóm nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu các Quốc đảo Thái Bình Dương của Đại học Liêu Thành ở tỉnh Sơn Đông, miền đông Trung Quốc, cho biết các quốc đảo ở Thái Bình Dương cũng có thể tìm cách đa dạng hóa các mối quan hệ ngoài các cường quốc thuộc địa trước đây để mở rộng kinh tế.

Các quốc đảo Thái Bình Dương từng là thuộc địa của các cường quốc châu Âu, Mỹ và Nhật Bản cũng như các cường quốc trong khu vực như Australia và New Zealand cho đến những năm 1960, khi từng quốc gia lần lượt giành được độc lập.

"Việc mở rộng quan hệ với nhiều quốc gia hơn có thể có nghĩa là nhằm tạo thế đối trọng với mối quan hệ với các cường quốc và cạnh tranh ngày càng tăng, theo một cách lành mạnh, cũng có thể thúc đẩy nền kinh tế địa phương của các quốc đảo Thái Bình Dương", ông Yu nói.

Đồng thời, một số quốc gia Thái Bình Dương cũng cảnh giác với việc bị lôi kéo vào cuộc cạnh tranh địa chính trị.

Bắc Kinh không cho biết lý do tại sao các nhà lãnh đạo khu vực từ chối thỏa thuận an ninh nhưng theo các chuyên gia, thực tế thì một số nhà lãnh đạo đã bày tỏ lo ngại về cuộc chơi quyền lực địa chính trị.

"Thái Bình Dương cần những đối tác thực sự chứ không phải những siêu cường tập trung vào quyền lực", Thủ tướng Fiji Frank Bainimarama đã viết trên Twitter sau cuộc trao đổi với ông Vương Nghị ở Suva.

Thủ tướng Samoan Fiame Naomi Mataafa, vốn nằm trong số các nhà lãnh đạo quốc đảo kêu gọi trì hoãn hợp tác, cho biết các quyết định quan trọng đối với khu vực nên được thông qua tại Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương (PIF), cơ quan chính trị hàng đầu của khu vực.

"Chúng tôi chưa đưa ra quyết định vì không có đủ thời gian để xem xét nó", dịch vụ tin tức Samoan Talamua dẫn lời Thủ tướng Fiame.

Một quốc gia ở Thái Bình Dương có mối quan hệ thân thiết với Trung Quốc và các nước trong nhóm Bộ tứ (QUAD) - một quan hệ đối tác an ninh không chính thức giữa Mỹ, Australia, Ấn Độ và Nhật Bản mà Bắc Kinh coi là một phần của mạng lưới liên minh do Washington dẫn đầu nhằm chống lại ảnh hưởng của họ trong khu vực.

"Họ xác định khu vực của họ là Thái Bình Dương xanh và từ chối việc bị lôi kéo vào khuôn khổ Ấn Độ - Thái Bình Dương", chuyên gia Ivarature nói.

Theo SCMP