1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Thỏa thuận bí mật của Trung Quốc ở Thái Bình Dương "thổi bùng" lo ngại

Đức Hoàng

(Dân trí) - Trung Quốc được cho đang bàn thảo thỏa thuận an ninh bí mật với quốc đảo Thái Bình Dương Solomon, động thái khiến cả Australia và New Zealand bày tỏ lo ngại sâu sắc.

Thỏa thuận bí mật của Trung Quốc ở Thái Bình Dương thổi bùng lo ngại - 1

Quốc đảo Thái Bình Dương Solomon trở thành tâm điểm của cuộc cạnh tranh tầm ảnh hưởng giữa Trung Quốc và các nước lớn khác (Ảnh: Reuters).

Một bản dự thảo về "thỏa thuận an ninh" mà Trung Quốc được cho đang thương lượng ký kết với Solomon đã trở thành mối lo ngại của Australia và New Zealand - 2 quốc gia đang duy trì tầm ảnh hưởng lớn ở khu vực Thái Bình Dương.

Trước đó, truyền thông đưa tin về một bản dự thảo về thỏa thuận hợp tác an ninh giữa Trung Quốc và quần đảo Solomon cho biết, quốc đảo Thái Bình Dương này có thể sẽ cho phép tàu của Bắc Kinh thực hiện hoạt động tiếp tế hậu cần, dừng chân và quá cảnh trong tương lai.

Theo văn bản bị rò rỉ từ tuần trước, "các lực lượng của Trung Quốc có thể được phép bảo vệ an toàn cho công dân và các dự án lớn của Bắc Kinh" trên đảo Solomon.

Dự thảo cũng đề xuất, chính phủ Solomon có thể yêu cầu Trung Quốc điều động cảnh sát vũ trang, quân nhân, lực lượng vũ trang và lực lượng hành pháp quốc đảo Thái Bình Dương để thực hiện các nhiệm vụ nhân đạo hoặc an ninh.

Ngay sau khi bị rò rỉ, dự thảo đã thu hút sự chú ý khi giới quan sát cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc có thể sẽ lập "căn cứ quân sự đầu tiên" ở Thái Bình Dương.

Cuối tuần qua, chính phủ Solomon đã xác nhận việc họ đang "đa dạng hóa" quan hệ an ninh, ngoài hợp tác với Australia.

 "Những thông báo về thỏa thuận không làm chúng tôi ngạc nhiên và nó là lời nhắc nhở về những áp lực và mối đe dọa gia tăng trong khu vực đối với an ninh quốc gia của chính chúng ta", Thủ tướng Australia Scott Morrison phát biểu hôm 28/3.

Trong khi đó, Phó Thủ tướng Australia Barnaby Joyce nghi ngờ rằng, sự hiện diện của hải quân Bắc Kinh ở quần đảo Solomon có thể "đe dọa" Australia hoặc "hạn chế khả năng di chuyển của chúng tôi ở khu vực".

Cả Australia và New Zealand đã đặt ra câu hỏi về kế hoạch lập ra căn cứ quân sự - nếu như trở thành hiện thực, nó sẽ cách bờ biển Australia chưa tới 2.000 km. Hai quốc gia này đã bày tỏ quan ngại rằng đây có thể là một động thái quân sự hóa tiềm tàng khu vực Thái Bình Dương.

Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern cho biết, thỏa thuận bí mật mà Trung Quốc đang bàn bạc với Solomon "gây quan ngại sâu sắc" cho Wellington.

Thông tin về việc Trung Quốc gia tăng hiện diện ở Thái Bình Dương diễn ra trong bối cảnh Australia mở rộng ngân sách quân sự và hợp tác với đồng minh Mỹ và Anh trong thỏa thuận an ninh AUKUS. Australia dự kiến sẽ được hỗ trợ hạm đội 8 tàu ngầm năng lượng hạt nhân, động thái khiến Trung Quốc mạnh mẽ phản đối vì cho rằng nó có thể dẫn tới cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực.

Theo giới quan sát, động thái của Trung Quốc có thể tiếp tục làm cuộc chạy đua mở rộng tầm ảnh hưởng giữa phương Tây và Bắc Kinh nóng lên ở Thái Bình Dương.

Hồi tháng 2, Mỹ thông báo khánh thành đại sứ quán ở Solomon sau khi nắm được thông tin rằng Trung Quốc dường như muốn thiết lập quan hệ quân sự với quốc đảo này.

Trong thời gian qua, Solomon và Trung Quốc đang ngày càng nâng cao quan hệ an ninh. Năm 2019, Solomon đã cắt đứt quan hệ với đảo Đài Loan và quay sang thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc. Trung Quốc cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Solomon và miễn thuế cho 97% hàng hóa xuất khẩu từ quần đảo này.

Theo Sputnik, Reuters

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm