1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Thái Bình Dương "dậy sóng" vì thỏa thuận an ninh Trung Quốc - Solomon

Đức Hoàng

(Dân trí) - Từ các nước lớn cho tới các quốc đảo nhỏ ở Thái Bình Dương đều bày tỏ sự quan ngại trước thông tin Solomon ký thỏa thuận an ninh với Trung Quốc.

Thái Bình Dương dậy sóng vì thỏa thuận an ninh Trung Quốc - Solomon - 1

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (trái) và Thủ tướng Solomon Manasseh Sogavare (Ảnh: SMH).

Quốc đảo Solomon ngày 31/3 thông báo đã ký một thỏa thuận an ninh quy mô lớn với Trung Quốc, động thái khiến các nước phương Tây lo ngại sẽ mở đường cho việc Bắc Kinh có thể mở căn cứ quân sự đầu tiên ở Nam Thái Bình Dương.

"Các quan chức của Quần đảo Solomon và Trung Quốc đã ký các điều khoản của Khung Hợp tác An ninh song phương giữa hai nước ngày hôm nay", thông báo từ Solomon cho hay.

Quần đảo Solomon xác nhận vào tuần trước rằng họ thiết lập quan hệ đối tác với Trung Quốc để giải quyết các mối đe dọa an ninh và đảm bảo môi trường an toàn cho đầu tư như một phần của quá trình đa dạng hóa quan hệ an ninh của họ.

Australia và New Zealand đã nhiều lần bày tỏ quan ngại về tác động đối với an ninh khu vực sau khi thông tin về thỏa thuận hợp tác an ninh giữa Trung Quốc - Solomon "rò rỉ" tuần trước.

Một hiệp ước an ninh sẽ là một bước tiến lớn đối với Trung Quốc trong một khu vực mà Australia và New Zealand trong nhiều thập kỷ coi là "sân sau" của họ. Trước đó, Australia cũng đã ký hiệp ước an ninh với Solomon với điều khoản cho phép Canberra đưa lực lượng vũ trang tới quốc đảo khi cần.

Thỏa thuận Australia - Solomon ký trước khi quốc đảo nhỏ bé này cắt đứt quan hệ với Đài Loan để quay sang thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Trung Quốc vào năm 2019.

Trong khi đó, Tổng thống David Panuelo của Liên bang Micronesia, một quốc gia nhỏ ở Thái Bình Dương, đã gửi thư đề nghị Thủ tướng Solomon Manasseh Sogavare xem xét lại hiệp ước an ninh gây tranh cãi và "chưa từng có tiền lệ" với Trung Quốc.

Ông Panuelo bày tỏ "quan ngại an ninh nghiêm trọng về thỏa thuận". "Lo ngại của tôi là chúng ta - các quốc đảo ở Thái Bình Dương - sẽ trở thành trung tâm của các cuộc đối đầu trong tương lai giữa các nước lớn", ông Panuelo cho biết.

Ông Panuelo đề nghị nhà lãnh đạo Solomon xem xét các hậu quả lâu dài "đối với toàn bộ khu vực Thái Bình Dương, nếu không phải là toàn thế giới" khi ký hiệp ước an ninh. Ông bày tỏ lo ngại về việc Thái Bình Dương có thể hứng chịu thiệt hại trong một cuộc cạnh tranh tiềm tàng giữa Mỹ và Trung Quốc.

Trong khi đó, Thủ tướng Sogavare đã bác bỏ những ý kiến chỉ trích thỏa thuận trong bài phát biểu hồi đầu tuần từ New Zealand và Australia, cho rằng việc các quốc gia lên tiếng về vấn đề liên quan tới chủ quyền của Solomon là không phù hợp.

Theo SCMP, AFP