1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Trung Quốc chật vật tìm linh kiện cho máy bay nội địa vì Mỹ siết xuất khẩu

Đức Hoàng

(Dân trí) - Các động thái siết chặt xuất khẩu của Mỹ khiến phía Trung Quốc cạn kiệt phụ tùng để chế tạo máy bay chở khách thân hẹp C919, mà Bắc Kinh kỳ vọng có thể cạnh tranh với các hãng Airbus và Boeing.

Trung Quốc chật vật tìm linh kiện cho máy bay nội địa vì Mỹ siết xuất khẩu  - 1

Máy bay thương mại C919 của Trung Quốc (Ảnh: Reuters).

Reuters đưa tin, Tập đoàn máy bay thương mại Trung Quốc (COMAC) đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc đạt được mục tiêu về sản xuất và cấp giấy chứng nhận bay với máy bay chở khách C919 do các động thái siết chặt xuất khẩu từ Mỹ.

Ba nguồn thạo tin nói rằng, COMAC đang cạn kiệt một số linh kiện chế tạo C919 và phải tiếp tục chật vật để tìm kiếm nhà cung cấp.

Tham vọng sản xuất máy bay thương mại nội địa của Trung Quốc nhằm cạnh tranh với Boeing 737 và Airbus A320 đã gặp phải "chướng ngại vật" lớn từ Washington. Từ tháng 12/2020, Mỹ yêu cầu các công ty nước này phải có giấy phép đặc biệt để xuất khẩu linh kiện, phụ tùng và hỗ trợ kỹ thuật cho bất cứ công ty nào bị nghi là có quan hệ với quân đội Trung Quốc.

Cuối năm ngoái, việc hai công ty con của COMAC bị Mỹ đưa vào danh sách nghi có quan hệ với quân đội Trung Quốc đã gây ảnh hưởng trực tiếp tới tập đoàn và dự án C919.

Động thái này đã gián tiếp làm đình trệ chương trình C919, vốn đã kéo dài 13 năm qua - một trong những khoảng thời gian lâu nhất trong lĩnh vực phát triển máy bay chở khách. 

C919, được trình làng vào năm 2015, là máy bay thương mại tự sản xuất đầu tiên của Trung Quốc. Nó được lắp ráp ở Trung Quốc nhưng sử dụng phần lớn vào linh kiện phương Tây, bao gồm động cơ và hệ thống điện tử hàng không. Chính vì vậy, các biến động liên quan tới hoạt động xuất, nhập khẩu linh kiện máy bay đều có tác động tới quá trình phát triển C919.

COMAC có 815 đơn đặt hàng tạm thời, hầu hết là các khách hàng nội địa, nhưng hiện mới chỉ có hãng China Eastern Airlines chốt chắc chắn đặt 5 chiếc C919. Hãng trên dự kiến nhận chiếc C919 đầu tiên vào cuối năm nay, 2 chiếc vào năm 2022 và 2 chiếc vào năm 2023.

Theo Reuters, việc COMAC sản xuất máy bay chậm chạp như vậy cho thấy họ chưa phải là mối đe dọa với các "ông lớn" Airbus và Boeing, các hãng có thể sản xuất khoảng 10 máy bay chở khách thân hẹp mỗi tháng.

Do vấn đề thiếu phụ tùng dẫn tới máy bay không thể cất cánh và C919 bị thiếu giờ bay để có thể đủ điều kiện xin chứng nhận từ cơ quan quản lý hàng không Trung Quốc, theo Reuters. Nguồn tin nói rằng, COMAC đang lo ngại vì dự án liên tục chậm tiến độ nhưng vẫn quyết tâm hướng tới mục tiêu được cấp chứng nhận vì sản xuất C919 cũng được xem là "một nhiệm vụ chính trị".

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm