1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Trung Quốc vật lộn với giấc mơ máy bay thương mại tự chế

(Dân trí) - Chiếc máy bay chở khách đầu tiên do Trung Quốc sản xuất, ARJ21, đáng lẽ đã bắt đầu chuyến bay thương mại đầu tiên vài tuần trước nhưng cho tới nay vẫn chưa thể thực hiện, một bước lùi trong tham vọng của Bắc Kinh nhằm gia nhập sân chơi cùng các hãng sản xuất máy bay lớn trên thế giới.


Một chiếc ARJ21 (Ảnh: Ainonline)

Một chiếc ARJ21 (Ảnh: Ainonline)

Hãng hàng không Chengdu Airlines đã nhận chiếc máy bay ARJ21 - viết tắt của "máy bay phản lực tiên tiến khu vực thế kỷ 21" - từ nhà sản xuất là Tập toàn máy bay thương mại Trung Quốc (COMAC) hồi tháng 11 năm ngoái, chậm nhiều năm so với kế hoạch. Chengdu Airlines đã thực hiện vài chuyến bay “trình diễn” không chở khách hồi tháng 1.

Chengdu Airlines dự kiến bắt đầu vận chuyển khách từ Thành Đô, tây nam Trung Quốc, tới thành phố Thượng Hải vào ngày 28/4, nhưng cho tới nay vẫn chưa thực hiện được. Cả hãng hàng không và nhà chế tạo máy bay đều không muốn tiết lộ lý do vì sao.

COMAC cho biết chung chung rằng Cơ quan hàng không dân sự Trung Quốc vẫn đang thực hiện công tác chuẩn bị cho chuyến bay đầu tiên và công việc này có thể chưa hoàn tất. Còn hãng hàng không từ chối tiết lộ thời gian cụ thể.

Khi ARJ21 cất cánh cho các chuyến bay thương mại, đó sẽ là một "mốc son" cho một chương trình vốn đã kéo dài 14 năm qua.

Được chính phủ chính thức phê chuẩn vào năm 2002, các phóng viên đã được xem thân của máy bay ARJ21 năm năm sau đó, khi giới chức tự tin tuyên bố rằng máy bay sẽ được bàn giao vào cuối năm 2009. Một số người Trung Quốc cho rằng đi trên chiếc máy bay nội địa là thể hiện tình yêu nước.

“Hãy ủng hộ máy bay được chế tạo trong nước. Tôi sẽ đi nó”, một cư dân mạng viết. Nhưng trước tiên, COMAC đã giành được sự tin tưởng của khách hàng và hành khách về chất lượng và độ tin cậy của ARJ21. Máy bay này vẫn chưa được Cơ quan hàng không liên bang Mỹ (FAA) phê chuẩn để có thể bay vào Mỹ.

Một số khách hàng tiềm tàng đã tỏ ra lo lắng. “Đó không phải là chuyện yêu nước. Thành thật mà nói, tôi không ngại đi máy bay. Vẫn có các máy bay Boeing và Airbus”, một luật sư có tên là Tang Kanyang viết trên mạng.

ARJ21 có thể chở từ 78-90 hành khách và có tầm xa 2.225-3.700 km. COMAC khẳng định đã dặt được 270 đơn đặt hàng cho ARJ21, chủ yếu từ các khách hàng nội địa, và cũng có các kế hoạch lớn hơn.

Hồi tháng 11 năm ngoái, COMAC đã trình làng chiếc C919 có sức chứa lên tới 168 hành khách, máy bay chở khách thân hẹp đầu tiên do Trung Quốc phát triển, bước đi tiếp theo về kích cỡ. Giới chức khi đó cho biết máy bay có thể thực hiện chuyến bay thử nghiệm đầu tiên trong năm nay, dù các nguồn tin cho biết kế hoạch này có thể bị trì hoãn.

COMAC, có trụ sở tại Thượng Hải, sẽ liên kết với hãng chế tạo máy bay Boeing của Mỹ để thiết lập một trung tâm hoàn thiện nội thất ở Trung Quốc và đặt mục tiêu sản xuất các máy bay thân rộng lớn hơn, hợp tác với Tập đoàn chế tạo máy bay thống nhất (UAC) của Nga.

Chưa được đánh giá cao

ARJ21 đã không xuất hiện tại triển lãm hàng không Trung Quốc tại Thượng Hải hồi tháng trước, mặc dù nó có một phiên bản thương mại và có thể cạnh tranh với một số thương hiệu nước ngoài được trưng bày tại sân bay Hongqiao. COMAC chỉ trưng bày các mô hình máy bay thu nhỏ của ARJ21 tại triển lãm hàng không châu Á ở Singapore hồi tháng 2.

“Họ (giới chức Trung Quốc) đang nhìn vào thị trường và suy nghĩ: Làm thế nào mà chúng ta có thể làm những điều mà Boeing và Airbus đã làm”, Jeff Lowe, Giám đốc quản lý phụ trách thị trường châu Á của nhà cung cấp dịch vụ hàng không Sky Group cho biết.

Nhưng hầu hết các nhà sản xuất không xem chiếc máy bay của COMAC là mối đe dọa cạnh tranh, dù thị trường máy bay thương mại tại Trung Quốc đang là lớn nhất châu Á và đóng vai trò quan trọng đối với kế hoạch của họ trong những thập niên tới.

“Họ có một sản phẩm. Chúng tôi cũng có các sản phẩm của riêng mình”, Fernando Grau, giám đốc chiến lược sản phẩm và tiếp thị của hãng chế tạo máy bay Brazil Embraer cho biết. ARJ21 giống về số ghế so với các máy bay E170 và E175 của Brazil, các dòng máy bay đã bán trên 1.100 chiếc.

Các hãng chế tạo máy bay nước ngoài có thể cung cấp một dây chuyền sản xuất phạm vi rộng hơn và các quan chức hàng không cho biết COMAC đang tìm cách có được điều mà các hãng sản xuất khác mất nhiều thập niên để làm.

“Hiện thời chúng tôi không thấy có gì cạnh tranh với chúng tôi xét về lĩnh vực máy bay thương mại truyền thống”, Scott Neal, Phó tổng giám đốc bộ phận tiêu thụ và tiếp thị Công ty hàng không Gulfstream của Mỹ, nhà chế tạo máy bay công vụ nổi tiếng thế giới, cho hay.

“Chúng tôi mất 60 năm để có được vị thế hiện thời và khả năng trong việc thiết kế và chế tạo các máy bay công nghệ cao, hiệu suất tốt”, ông Neal nói. Khi được hỏi rằng liệu Trung Quốc một ngày nào đó có bị xem là đối thủ, ông đáp: “Thời gian sẽ trả lời”.

An Bình