1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Trung Quốc càng gây hấn trên Biển Đông, ASEAN thêm đoàn kết

(Dân trí) - Những hành động làm gia tăng căng thẳng của Trung Quốc trên Biển Đông đang khiến ASEAN thêm đoàn kết, khi những quốc gia từng tỏ ra trung lập nay đã công khai phản đối Bắc Kinh, các chuyên gia nhận định.

Sau những ngày hội đàm căng thẳng, hội nghị hội nghị ngoại trưởng ASEAN đã ra tuyên bố chung, khẳng định “những mối quan ngại sâu sắc được một số bộ trưởng đề cập liên quan tới hoạt động bồi lấn đất trên Biển Đông”.

asean-meeting-f393a
 ASEAN đang thể hiện sự đoàn kết và cứng rắn hơn với Trung Quốc (Ảnh: AP)

Thông cáo cũng nhấn mạnh hoạt động bồi đắp này “đã làm xói mòn lòng tin và sự tin cậy, làm gia tăng căng thẳng và có thể gây tổn hại tới hòa bình, an ninh và ổn định trên Biển Đông”.

Theo tờ Bưu điện Hoa nam Buổi sáng (SCMP) tại Hồng Kông, dù không nêu đích danh Trung Quốc trong thông cáo của mình, văn kiện trên đã thể hiện hai điều. Nó không chỉ “bày tỏ lo ngại trước hoạt động xây đảo nhân tạo của Bắc Kinh trên Biển Đông”, mà còn cho thấy sự chuyển biến rõ hơn trong nội bộ của tổ chức khu vực này.

Việc ASEAN không chỉ đích danh Trung Quốc trong thông cáo của mình không phải điều gì mới, bởi trên thực tế chưa bao giờ ASEAN cáo buộc trực tiếp Bắc Kinh về các hành động làm gia tăng căng thẳng trên Biển Đông sau mỗi Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) thường niên.

Diễn đàn này là nơi diễn ra hoạt động tham vấn về các vấn đề an ninh trong khu vực châu Á Thái Bình Dương, bao gồm 10 thành viên ASEAN và các cường quốc khác như Mỹ, Nhật và Trung Quốc.

Trung Quốc bắt đầu xây đảo nhân tạo trên quần đảo Trường Sa khoảng 2 năm trước, nhưng đến năm ngoái mới thu hút sự chú ý lớn của cộng đồng quốc tế. Đến nay Mỹ, Nhật cùng các bên khác đều đã chỉ trích hành động của Bắc Kinh.

Chính hoạt động bồi lấn này đã khiến ASEAN có sự phân cực mạnh mẽ. Các quốc gia như Singapore, Malaysia và Indonesia, vốn thường ít chỉ trích vai trò của Trung Quốc hơn so với các bên có liên quan khác, giờ đã gây sức ép lớn hơn về vấn đề này, giáo sư Carl Thayer, đến từ đại học New South Wales, của Úc và là chuyên gia về Đông Nam Á, nhận định.

“Sự phân cực ở đây chính là ở những người cảm thấy thất vọng, mà hiện đang đông đảo hơn trước đây, thực sự gây sức ép về vấn đề này”, ông Thayer nói.

Còn nhớ, tại ARF 2012 khi Campuchia là chủ tịch ASEAN, hội nghị đã không thể ra tuyên bố chung trước khi các ngoại trưởng ra về.

“Không nước chủ tịch ASEAN nào muốn là một Campuchia khác”, Xie Yanmei, nhà phân tích cấp cao về Trung Quốc tại International Crisis Group khẳng định.

Thất bại năm 2012 được đa số tin rằng bắt nguồn từ việc Trung Quốc lộ bàn tay phá vỡ sự đoàn kết của ASEAN. Đó cũng là lần đầu tiên và duy nhất trong lịch sử 48 năm của ASEAN, các ngoại trưởng không thống nhất được một tuyên bố chung.

Kể từ đó đến nay, điều đó đã không lặp lại. Rõ ràng, ASEAN đang có quan điểm ngày một mạnh mẽ hơn trước những hành động của Trung Quốc, cho dù để đạt được điều này vẫn còn những khó khăn nhất định.

Sự đoàn kết và kiên trì của các thành viên ASEAN trong ứng phó với Trung Quốc đang tạo nên những chuyển biến tích cực từ chính Bắc Kinh.

Kang Lin, nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu quốc gia Trung Quốc về Biển Đông cho biết, Bắc Kinh phản đối nỗ lực nêu vấn đề tranh chấp trên biển trong thông cáo chung của ASEAN, bởi đây “chỉ là vấn đề với một số quốc gia thành viên, không phải với toàn bộ ASEAN”.

Tuy vậy, những năm gần đây Bắc Kinh đã nhận ra rằng không thể mãi khăng khăng giải quyết các vấn đề trên Biển Đông một cách song phương, và đã dần chấp nhận đàm phán qua ASEAN về một số khía cạnh của vấn đề, ông Kang nói.

Thái độ của Trung Quốc bị “bóc mẽ”

Tại ARF do Malaysia đăng cai vừa qua, Trung Quốc tiếp tục tìm cách trấn an dư luận về hoạt động xây đảo nhân tạo, trong khi lần nữa trước đề nghị tiến tới ký kết bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) với các thành viên ASEAN.

wang-yi-at-arf-2015-878cc
 Luận điệu và thái độ của Trung Quốc tại ARF đã vấp phải phản ứng mạnh mẽ (Ảnh: AFP)

Phát biểu tại hội nghị, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị khẳng định nước này đã ngừng hoạt động bồi đắp cát để xây đảo nhân tạo. “Trung Quốc đã dừng lại. Mọi người cứ lên máy bay đi kiểm tra”, ông Vương nói.

Tuy vậy, ông Vương lại không đề cập gì tới các hoạt động xây dựng và quân sự hóa nhiều cấu trúc đất đang tiếp diễn. Một đường băng dài hơn 3000m đã gần hoàn thành trên bãi đá Chữ thập, nơi theo tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ Harry Harris, Trung Quốc có vẻ đang xây dựng nhà chứa máy bay chiến đấu.

Hình ảnh vệ tinh cũng cho thấy Trung Quốc đang sẵn sàng xây dựng một đường băng thứ hai tại bãi đá Subi gần đó. Các trạm radar cảnh báo sớm, trại lính, bãi đáp trực thăng và tháp quan sát đều đã được xây dựng trên nhiều cấu trúc.

Khu cảng của bãi đá này hiện đủ lớn để đón các tàu chở dầu, trong khi những công sự chiến đấu lớn trên bề mặt cũng đang được xây dựng, chuyên gia Bonnie Glaser, chuyên gia về chính sác và an ninh Trung Quốc, cố vấn của chính phủ Mỹ về khu vực Đông Á khẳng định.

Tuyên bố của ông Vương Nghị được đưa ra đúng thời điểm một loạt hội nghị cấp cao diễn ra tại Kuala Lumpur, nơi Trung Quốc bị gây sức ép phải kiềm chế và tham gia đối thoại một cách thực chất nhằm giảm căng thẳng trên Biển Đông.

Trước đó, tại Đối thoại Shangri-La hồi tháng 6, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Ash Carter đã kêu gọi “dừng ngay và lâu dài hoạt động bồi lấn của tất cả các bên tuyên bố chủ quyền”, và dừng “việc tiếp tục quân sự hóa các cấu trúc tranh chấp”.

misile-launch-67ab2
 Những động thái làm gia tăng căng thẳng của Trung Quốc trên Biển Đông cần tiếp tục bị lên án (Ảnh: 81.cn)

Đến đầu tuần này, Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh đã chỉ trích Bắc Kinh có hành động “làm xói mòn niềm tin và sự tin cậy…giữa ASEAN và Trung Quốc”, khi thực hiện những hành động “bồi lấn, ban bố lệnh cấm đánh bắt phi pháp và quấy rối ngư dân”.

Cảm nhận được sự bất bình ngày một tăng trong khu vực liên quan đến hoạt động xây đảo của mình trên Biển Đông, trước thềm hội nghị vừa qua, Trung Quốc đã cố phát đi tín hiệu cho thấy nước này sẵn lòng hợp tác với các nước trong khu vực. Bắc Kinh tuyên bố chấp thuận thiết lập đường dây nóng với bộ ngoại giao các nước, để ứng phó với các tình huống khẩn cấp trên biển.

Hành động này, theo bà Bonnie Glaser là không thực chất. Bởi về cơ bản Bộ ngoại giao Trung Quốc “đều được biết là yếu về mặt thể chế, và hiếm khi được trao quyền xử lý khủng hoảng”.

Điều cần thiết hơn đó là một Bộ quy tắc ứng xử có tính ràng buộc pháp lý, thay thế cho Tuyên bố chung về ứng xử của các bên tại Biển Đông 2002 (DoC). Trong các cuộc đối thoại vừa qua, Bắc Kinh một lần nữa đồng ý đẩy nhanh tiến độ tham vấn về CoC, nhưng khó có khả năng họ sẽ làm vậy.

Bà Glaser cho rằng Trung Quốc sẽ không ký CoC ít nhất cho tới khi hoàn tất kế hoạch ngắn hạn của mình, có khả năng bao gồm việc lập Vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông, và xây dựng cơ sở hạ tầng để áp đặt ADIZ.

Chuyên gia này tin rằng việc Bắc Kinh chấp thuận lập đường dây nóng cho thấy họ hiểu rằng hành động của mình đang làm gia tăng sự bất bình trong khu vực hơn mức dự đoán. Dù vậy, có vẻ phản ứng đó chưa đủ mạnh để khiến Trung Quốc thay đổi toan tính dài hạn của mình, đó là đưa ASEAN vào quỹ đạo ảnh hưởng.

Do vậy, cần có những nỗ lực lớn hơn để thuyết phục Trung Quốc có cách tiếp nhượng bộ hơn, thực sự đề cao việc xử lý tranh chấp một cách hòa bình và tôn trọng lợi ích của tất cả các bên, bất kể quy mô và sức mạnh quân sự, bà Glaser nhận định. Điều này chỉ có thể đạt được khi ASEAN yêu cầu ký kết CoC ngay trong năm nay.

Thanh Tùng

Tổng hợp

Trung Quốc càng gây hấn trên Biển Đông, ASEAN thêm đoàn kết - 4