1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Biển Đông: Trung Quốc “đang làm xói mòn lòng tin”

(Dân trí) - Bắc Kinh “đang làm xói mòn lòng tin” của ASEAN với Trung Quốc, tờ Wall Street Journal dẫn lời Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 48 (AMM-48) ở Kuala Lumpur, Malaysia.

Biển Đông: Trung Quốc “đang làm xói mòn lòng tin” - 1

Từ yêu cầu “quyết liệt hơn”…

Tại AMM-48, ngay từ khi hội nghị trù bị bắt đầu các quan chức cao cấp ASEAN (SOM) đã trao đổi đề xuất kiến nghị về những nội dung quan trọng để các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và các nước Đối tác xem xét và quyết định.

Trong quá trình Hội nghị các nội dung trọng tâm đã được thảo luận như: Các biện pháp thúc đẩy tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN và cuối năm 2015; cải tiến, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của ASEAN; xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2015.

Việc tăng cường quan hệ đối ngoại và vai trò trung tâm ASEAN trong cấu trúc an ninh khu vực. Đặc biệt là trao đổi về tình hình khu vực và thế giới cùng quan tâm, trong đó có việc thực hiện Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và xây dựng Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC)…

Vấn để Biển Đông nổi lên như nội dung trọng tâm tại Hội nghị lần này. Thủ tướng Razak nói: “Đã đến lúc ASEAN cần phải có vai trò tích cực hơn trong việc giữ gìn an ninh khu vực và cả giải quyết những tranh chấp lãnh thổ (ở khu vực này)”.

Đồng tình với phát biểu của Thủ tướng Najib, Ngoại trưởng Malaysia, ông Anifah Aman nói thêm tranh chấp trên biển là một “ví dụ điển hình” cho ASEAN đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra cách giải quyết hữu hiệu đối với các tranh chấp của khu vực.

Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh đồng tình với lời kêu gọi của Thủ tướng Najib, đồng thời cho rằng Bắc Kinh “đang làm xói mòn lòng tin” của ASEAN đối với Trung Quốc thông qua các hoạt động sai trái ở Biển Đông.

Ngoại trưởng Singapore, ông K. Shanmugam cũng nói rằng, ASEAN không thể “làm ngơ hay giả vờ vấn đề của Biển Đông không tồn tại”. “Chúng ta không hài lòng với những gì đang xảy ra ở Biển Đông”; “Chúng ta phải tạo ra sự khởi đầu tích cực, nhưng cần phải làm nhiều hơn và hãy bắt đầu ngay” từ bây giờ.

Đến “lảng tránh” và “quan ngại”…

Trong phát biểu của mình hôm 3/8, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân cho rằng vấn đề Biển Đông không nên đem ra thảo luận tại cuộc gặp của ASEAN vì “không phù hợp”.

Ông Lưu nói rằng: “cuộc gặp lần này nên tránh bàn về vấn đề nhạy cảm trên Biển Đông và các nước ngoài ASEAN không nên can dự. Rằng, “vấn đề Biển Đông không nên được thảo luận. Đây là diễn đàn thúc đẩy hợp tác. Nếu Mỹ đưa ra vấn đề này thì chúng tôi sẽ phản đối. Chúng tôi hy vọng họ sẽ không làm như vậy”.

Từ trối đề nghị của Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, Bộ trưởng Ngoại giao nước chủ nhà Malaysia đã nói rằng: “Biển Đông là vấn đề quá quan trọng, không thể bỏ qua”.

Giáo sư trợ lý Richard Javad Heydarian của Đại học De La Salle ở Manila, Philippines, nhận định phát biểu của Thủ tướng Najib là thông điệp gửi đến Trung Quốc rằng “Bắc Kinh không thể áp đặt chương trình nghị sự cho ASEAN”

Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Minoru Kiuchi “bày tỏ quan ngại sâu sắc về những hành động đơn phương làm thay đổi hiện trạng và gia tăng căng thẳng tại Biển Đông, trong đó có việc cải tạo đất quy mô lớn, xây dựng các tiền đồn và sử dụng chúng cho mục đích quân sự”.

Phát biểu bên lề Hội nghị AMM-48, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã bày tỏ “quan ngại” về việc Trung Quốc cải tạo đất và xây dựng trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông.

Rằng: Mỹ lo ngại trước việc Trung Quốc ngày càng quyết đoán ở Biển Đông và tiếp tục kêu gọi Bắc Kinh dừng cải tạo đất trên những bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Ông Kerry còn nói với ông Vương Nghị rằng: “Washington không có chỗ đứng trong các yêu sách lãnh thổ tại vùng biển chiến lược này nhưng vẫn muốn thấy các nước liên quan giải quyết một cách hòa bình và phù hợp với luật pháp quốc tế”.

Ông Kerry tái khẳng định mối quan tâm của Mỹ đối với việc “quân sự hóa” các hòn đảo mà Trung Quốc đang kiểm soát thuộc quần đảo Trường Sa ở Biển Đông của Việt Nam.

Trong bài phát biểu với báo giới sau cuộc hội đàm với ông Kerry, ông Vương Nghị cho biết Trung Quốc sẽ theo đuổi “các cuộc thảo luận hòa bình” để giải quyết tranh chấp Biển Đông.

Tuy nhiên, theo quan sát qua các ảnh vệ tinh gần đây cho thấy Trung Quốc gần như đã hoàn thành một đường băng quân sự dài 3.000m tại một trong 7 hòn đảo thuộc Trường Sa của Việt Nam, đường băng này đủ tiêu chuẩn cho tất cả các máy bay quân sự của Trung Quốc hoạt động khống chế khu vực Đông Nam Á.

Và “hi vọng ở tầm nhìn”…

Về vấn đề Biển Đông, các Bộ trưởng bày tỏ quan ngại đối với các diễn biến gần đây trên thực địa, ghi nhận quan ngại sâu sắc của một số Bộ trưởng đối với việc tôn tạo bồi đắp ở Biển Đông, xói mòn lòng tin và sự tin cậy, gia tăng căng thẳng và có thể phương hại đến hoà bình an ninh và ổn định ở Biển Đông.

Đánh giá về những điểm mới mà Hội nghị AMM-48 đạt được Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh cho rằng: “Các bộ trưởng kêu gọi các bên phải thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC, cũng như cùng Trung Quốc trên cơ sở thoả thuận gần đây, đi vào giai đoạn mới tham vấn thực chất hơn, trong đó ASEAN và Trung Quốc có thể thảo luận tất cả các yếu tố và cơ cấu của COC”.

Tổng thư ký Lê Lương Minh “Hi vọng với sự nhìn nhận về tầm quan trọng của hoà bình, ổn định, an ninh của khu vực cho tất cả các bên về an ninh, tự do về hàng hải và hàng không. ASEAN và Trung Quốc có thể sớm đạt được những tiến triển trong quá trình tham vấn, thương lượng nhằm sớm hoàn tất COC”.

Như vậy, mặc dù có những ý kiến khác nhau, nhưng vấn đề an ninh Biển Đông vẫn được Hội nghị AMM-48 và các bên đối tác đặc biệt quan tâm, nhất là những động thái của Trung Quốc “đang làm xói mòn lòng tin”, khiến dư luận khu vực và quốc tế quan ngại.

Nguyễn Nhâm

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm