1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Triều Tiên từng bước phát triển sức mạnh hạt nhân như thế nào?

(Dân trí) - Triều Tiên đã tiến hành 6 vụ thử hạt nhân trong vòng 10 năm, trong đó vụ thử hôm 3/9 được đánh giá là mạnh nhất từ trước đến nay. Mặc dù giới chuyên gia vẫn nghi ngờ về những tuyên bố của Bình Nhưỡng, song không thể phủ nhận những tiến bộ mà nước này đã đạt được trong việc tăng cường năng lực hạt nhân.

Cơ sở hạt nhân Yongbyon của Triều Tiên nhìn từ trên cao (Ảnh: BBC)
Cơ sở hạt nhân Yongbyon của Triều Tiên nhìn từ trên cao (Ảnh: BBC)

Triều Tiên đã có bom hạt nhân chưa?

Về mặt kỹ thuật, Triều Tiên được cho là đã sở hữu bom hạt nhân. Tính đến nay nước này đã tiến hành 6 vụ thử bom hạt nhân. Tuy nhiên, để có thể tấn công, Bình Nhưỡng phải chế tạo được đầu đạn hạt nhân đủ nhỏ để lắp trên tên lửa.

Mặc dù Triều Tiên từng tuyên bố đã thành công trong việc thu nhỏ đầu đạn hạt nhân, tuy nhiên các chuyên gia quốc tế từ lâu vẫn nghi ngờ tuyên bố này của Bình Nhưỡng.

Trong khi đó, Washington Post hồi tháng 8 đã công bố các thông tin rò rỉ cho biết giới chức tình báo Mỹ tin rằng Triều Tiên đã đạt được khả năng thu nhỏ đầu đạn hạt nhân.

Bom hạt nhân của Triều Tiên mạnh cỡ nào?

Phía Hàn Quốc đo rung chấn động đất từ vụ thử hạt nhân năm 2009 của Triều Tiên (Ảnh: AFP)
Phía Hàn Quốc đo rung chấn động đất từ vụ thử hạt nhân năm 2009 của Triều Tiên (Ảnh: AFP)

Triều Tiên cho biết nước này đã tiến hành 6 vụ thử hạt nhân thành công vào các năm 2006, 2009, 2013, tháng 1/2016, tháng 9/2016 và tháng 9/2017. Đặc biệt, sức nổ của các quả bom được Triều Tiên thử nghiệm tăng lên theo từng năm.

Trong vụ thử hạt nhân hồi tháng 9 năm ngoái, sức nổ của bom hạt nhân Triều Tiên từ 10-30 kiloton. Trong khi đó, Hàn Quốc nhận định rung chấn động đất được tạo ra từ vụ thử hạt nhân lần thứ 6 của Triều Tiên hôm 3/9 mạnh gấp 5-6 lần so với vụ thử hạt nhân lần thứ 5.

Như vậy, vụ thử hạt nhân mới nhất được đánh giá là mạnh nhất trong 6 vụ thử hạt nhân của Triều Tiên suốt 10 năm qua.

Một câu hỏi được đặt ra là liệu các quả bom được Triều Tiên thử nghiệm trừ trước đến nay là bom nguyên tử hay bom nhiệt hạch. So với bom nguyên tử, bom nhiệt hạch có sức công phá khủng khiếp hơn nhiều vì giải phóng khối năng lượng khổng lồ.

Các vụ thử năm 2006, 2009 và 2013 của Triều Tiên đều là bom nguyên tử. Còn trong các vụ thử năm 2016 và năm 2017, Triều Tiên tuyên bố nước này đã thử nghiệm bom nhiệt hạch. Tuy nhiên, giới chuyên gia vẫn tỏ ra nghi ngờ điều này.

Nguyên liệu là plutonium hay uranium?

Rung chấn động đất trong 5 vụ thử hạt nhân của Triều Tiên tăng lên theo từng năm, từ 4,3-5,3 độ Richter (Đồ họa: BBC)
Rung chấn động đất trong 5 vụ thử hạt nhân của Triều Tiên tăng lên theo từng năm, từ 4,3-5,3 độ Richter (Đồ họa: BBC)

Một câu hỏi đang được đặt ra hiện nay là nhiên liệu đầu vào cho các vụ thử hạt nhân của Triều Tiên là plutonium hay uranium.

Giới chuyên gia tin rằng trong 2 vụ thử đầu tiên, Triều Tiên sử dụng plutonium, tuy nhiên Bình Nhưỡng đã sử dụng plutonium hay uranium cho vụ thử năm 2013 hiện vẫn là chủ đề gây tranh cãi.

Một vụ thử sử dụng nhiên liệu uranium thành công đồng nghĩa với việc Triều Tiên đã tiến một bước lớn trong chương trình phát triển vũ khí hạt nhân. Kho plutonium của Triều Tiên có hạn nhưng nếu có thể làm giàu uranium, thì Triều Tiên có thể phát triển kho vũ khí hạt nhân của mình.

Việc làm giàu plutonium đòi hỏi các cơ sở lớn và dễ bị phát hiện, trong khi việc làm giàu uranium có thể dễ dàng được tiến hành một cách bí mật.

Triều Tiên có thể tấn công hạt nhân hay chưa?

Vụ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong 14 của Triều Tiên hồi tháng 7 (Ảnh: KCNA)
Vụ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong 14 của Triều Tiên hồi tháng 7 (Ảnh: KCNA)

Liệu Triều Tiên đã có thể đạt được thành công trong việc thu nhỏ đầu đạn hạt nhân để gắn trên tên lửa đạn đạo, từ đó tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân nhằm vào nước khác, hay chưa vẫn còn là nghi vấn chưa có hồi kết.

Trong khi giới chức tình báo Mỹ tin rằng Triều Tiên đã đạt được công nghệ thu nhỏ đầu đạn, Bộ Quốc phòng Nhật Bản gần đây cũng thừa nhận khả năng này hoàn toàn có thể xảy ra.

Những nhận định mới về năng lực thu nhỏ đầu đạn hạt nhân của Triều Tiên được đưa ra chỉ vài tuần sau khi Bình Nhưỡng tuyên bố phóng thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa với tầm phóng vươn tới lãnh thổ Mỹ hồi tháng 7.

Các cơ sở hạt nhân của Triều Tiên

Cơ sở hạt nhân chính của Triều Tiên được cho là nằm ở khu vực đồi núi gần Yongbyon, phía bắc thủ đô Bình Nhưỡng. Trong khi đó, các vụ thử hạt nhân hồi năm ngoái của Triều Tiên đều được tiến hành ở bãi thử Punggye-ri.

Cả Mỹ và Hàn Quốc đều tin rằng Triều Tiên còn có các cơ sở bổ sung khác liên quan tới chương trình làm giàu uranium của nước này. Ngoài ra, Triều Tiên cũng có nhiều mỏ quặng uranium dự trữ.

Cộng đồng quốc tế đã vào cuộc như thế nào?

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un vui mừng sau vụ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa thành công (Ảnh: KCNA)
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un vui mừng sau vụ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa thành công (Ảnh: KCNA)

Mỹ, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã tham gia vào các cuộc đàm phán với tên gọi đàm phán 6 bên trong vấn đề Triều Tiên. Cộng đồng quốc tế đã nỗ lực trong nhiều năm để đạt được một thỏa thuận giải trừ vũ khí với Bình Nhưỡng, song rốt cuộc vẫn không thể ngăn cản quốc gia này theo đuổi tham vọng hạt nhân.

Năm 2005, trong một thỏa thuận mang tính bước ngoặt, Triều Tiên đã nhất trí từ bỏ tham vọng hạt nhân để đổi lại sự nhượng bộ về kinh tế và chính trị. Năm 2008, Bình Nhưỡng đã đóng cửa tháp làm mát ở cơ sở hạt nhân Yongbyon như một phần của thỏa thuận chấm dứt chương trình vũ khí để đổi lấy viện trợ

Tuy nhiên, việc thực thi thỏa thuận bắt đầu gặp trục trặc và các cuộc đàm phán đã tạm dừng từ năm 2009. Trong khi đó, Mỹ chưa bao giờ tin Triều Tiên đã đóng cửa hoàn toàn tất cả các cơ sở hạt nhân của nước này, đặc biệt là khi Triều Tiên công bố một cơ sở làm giàu uranium tại Yongbyon mà theo Bình Nhưỡng là để sản xuất điện.

Năm 2012, Triều Tiên bất ngờ tuyên bố dừng mọi hoạt động hạt nhân và tạm hoãn thử tên lửa để đổi lấy viện trợ lương thực từ Mỹ. Tuy nhiên, mọi kế hoạch sau đó đã đổ bể khi Bình Nhưỡng tìm cách thử một tên lửa vào tháng 4 năm đó.

Năm 2013, Triều Tiên tuyên bố tái khởi động tất cả các cơ sở hạt nhân ở Yongbyon sau khi thử hạt nhân lần 3 và xảy ra “khẩu chiến” với Mỹ. Năm 2015, các hoạt động tại các cơ sở hạt nhân của Bình Nhưỡng được nối lại bình thường.

Từ năm 2016 đến nay, Triều Tiên công khai thể hiện tham vọng phát triển vũ khí hạt nhân, bất chấp mọi sức ép và lệnh trừng phạt của Mỹ cũng như cộng đồng quốc tế. Bình Nhưỡng cũng không ngại đưa ra những cảnh báo sắc lạnh nhằm vào Washington, bao gồm kế hoạch tấn công tên lửa vào đảo Guam của Mỹ.

Thành Đạt

Theo BBC

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm