"Triều Tiên có thể phóng tên lửa tầm trung mang đầu đạn hạt nhân bất cứ lúc nào"
(Dân trí) - Triều Tiên có thể gắn đầu đạn hạt nhân vào một tên lửa tầm trung với tầm hoạt động có thể tấn công toàn bộ lãnh thổ Hàn Quốc, hầu hết Nhật Bản và một phần lãnh thổ Nga, Trung Quốc bất cứ lúc nào, quan chức Hàn Quốc cảnh báo hôm qua 5/4.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tháng trước tuyên bố, Bình Nhưỡng đã thu nhỏ thành công đầu đạn hạt nhân có thể gắn vào tên lửa đạn đạo. Mặc dù truyền thông Triều Tiên thường xuyên đưa ra những tuyên bố kiểu này, nhưng đây là lần đầu tiên đích thân ông Kim Jong-un xác nhận.
“Chúng tôi tin rằng họ (Triều Tiên) đã thu nhỏ được đầu đạn hạt nhân gắn cho tên lửa tầm trung Rodong. Việc có phóng tên lửa như vậy hay không chỉ còn là vấn đề quyết định mang tính chính trị”, một quan chức Hàn Quốc thân cận với nguồn tin đánh giá chương trình hạt nhân của Triều Tiên cho biết.
Theo quan chức này, tên lửa Rodong có thể bắn đi một đầu đạn hạt nhân có trọng lượng tới 1 tấn bay một chặng đường khoảng 2.000km. Điều đó có nghĩa là, toàn bộ lãnh thổ Hàn Quốc, hầu hết lãnh thổ Nhật Bản và một phần lãnh thổ của Nga và Trung Quốc nằm trong tầm hoạt động của tên lửa này.
Tuy nhiên, hiện chưa có bằng chức trực tiếp nào cho thấy Triều Tiên đã thu nhỏ thành công đầu đạn hạt nhân gắn cho tên lửa đạn đạo, quan chức trên nói thêm. Ông từ chối bình luận về cơ sở để đưa ra những đánh giá.
Tên lửa Rodong, phát triển từ tên lửa Scud thời Liên Xô cũ, chiếm phần lớn kho vũ khí ước tính khoảng 200 tên lửa tầm ngắn và tầm trung của Triều Tiên.
Các chuyên gia dự đoán Triều Tiên sẽ gắn đầu đạn hạt nhân trước tiên lên tên lửa Rodong tầm trung, chứ không phải tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mà Triều Tiên chưa bắn thử.
Mặc dù nhiều lần đe dọa tấn công Mỹ, nhưng Triều Tiên được cho là phải mất vài năm nữa mới phát triển được một ICBM có thể mang đầu đạn hạt nhân. Hồi tháng 3 vừa qua, Triều Tiên đã bắn một tên lửa Rodong. Tên lửa này bay khoảng 800 km trước khi rơi xuống biển. Đây là lần phóng tên lửa Rodong thứ 3 sau hai vụ phóng thử năm 2014.
Minh Phương
Theo Reuters