1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Tranh cãi việc Ukraine tính khôi phục máy bay lớn nhất thế giới An-225

Thanh Thành

(Dân trí) - Ukraine được cho là đã lên kế hoạch khôi phục máy bay chở hàng lớn nhất thế giới An-225 Mriya, biểu tượng tự hào của nước này nhưng bị phá hủy trong trận chiến giành sân bay với Nga vào năm 2022.

Tranh cãi việc Ukraine tính khôi phục máy bay lớn nhất thế giới An-225 - 1

An-225 Mriya từng là máy bay chở hàng lớn nhất thế giới (Ảnh: AP).

An-225 Mriya được đánh giá máy bay chở hàng lớn nhất thế giới và là chiếc duy nhất thuộc loại này còn tồn tại. Nó được trang bị 6 động cơ phản lực cánh quạt với sải cánh gần bằng một chiều dài của một sân bóng đá, đem lại lực nâng cực lớn và được dùng vào vận tải những mặt hàng đặc biệt mà ít máy bay khác có thể thực hiện được.

Nếu thế giới đã từng biết C-130, C-17, và C-5, những mẫu máy bay vận tải quân sự có thể mang hàng chục đến hơn 100 tấn hàng thì thực tế là tất cả lượng hàng của 3 máy bay nói trên có thể nằm lọt trong bụng một chiếc An-225 Mriya.

Nhưng giờ đây, đôi vây đuôi khổng lồ từng vươn cao bằng tòa nhà 6 tầng, đã biến mất. Cánh đuôi, cánh tà, hệ thống thủy lực, bơm nhiên liệu và 3 trong số 6 động cơ của máy bay cũng vậy. Chúng đã bị phá hủy trong các cuộc giao tranh những ngày đầu của cuộc chiến.

Các nhân viên hiện đang tháo dỡ đống đổ nát của chiếc máy bay chở hàng Mriya khổng lồ này, từng mảnh một, với kế hoạch chế tạo một chiếc mới từ những bộ phận còn sử dụng được. Việc khôi phục chiếc máy bay mà tên trong tiếng Ukraine có nghĩa là "Giấc mơ" đã bắt đầu.

Kế hoạch tham vọng gây tranh cãi

Trong bối cảnh chiến sự vẫn đang hoành hành, nhiệm vụ quan trọng là tái thiết Ukraine, nơi hàng trăm ngàn ngôi nhà, bệnh viện, trường học và cây cầu bị phá hủy, dường như vẫn còn là một viễn cảnh xa vời.

So với những thách thức khó khăn đó, nhiệm vụ khôi phục lại chiếc máy bay này hầu như không phải là ưu tiên hàng đầu. Nhưng nó có ý nghĩa một phần như một nguồn cảm hứng động lực trong chiến sự, theo Giám đốc điều hành công ty Antonov.

Họ nói rằng, nếu một thứ gì đó khổng lồ và phức tạp như chiếc máy bay này có thể được khôi phục thì phần còn lại của đất nước cũng có thể làm được.

"Mọi người nên có hy vọng. Họ phải biết chiếc máy bay này không bị bỏ rơi. Vâng, có rất nhiều việc phải làm, nhưng chúng tôi vẫn đang làm việc và nỗ lực từng giờ", ông Vladyslav Valsyk, Phó giám đốc kiêm kỹ sư trưởng của Antonov, một công ty nhà nước, cho biết.

Tuy nhiên, những người chỉ trích cho rằng, việc đổ tiền và nguồn nhân lực để phục hồi máy bay là một ưu tiên không đúng chỗ.

Tranh cãi việc Ukraine tính khôi phục máy bay lớn nhất thế giới An-225 - 2

Valentyn Kostiyanov, một kỹ thuật viên đã làm việc tại Antonov hơn 50 năm, đang phụ trách hoạt động khôi phục Mriya (Ảnh: NYT).

Chuyên gia hàng không Valery Romanenko nói rằng, Antonov chỉ nên tập trung vào "làm điều gì đó khẩn cấp cho các lực lượng vũ trang" trong chiến tranh, chẳng hạn như chế tạo máy bay không người lái (UAV). "Không còn lời nào để nói nữa", ông nói khi được hỏi về kế hoạch khôi phục chiếc cũ và chế tạo chiếc Mriya mới.

Hồi tháng 5/2022, Tổng thống Volodymyr Zelensky tuyên bố Ukraine sẽ khôi phục lại máy bay này. Sau đó, doanh nhân người Anh và người đam mê hàng không Richard Branson đã đến xem xét đống đổ nát của chiếc máy bay và bày tỏ sự hào hứng về việc giúp khôi phục nó khi đến thời điểm thích hợp.

Tuần trước, công ty Antonov đã thông báo bắt đầu hoạt động thu gom và lên thiết kế nhưng cho biết việc lắp ráp một chiếc mới phải đợi đến sau khi chiến tranh kết thúc.

Các nhân viên đang tháo những thứ có thể lấy lại được từ đống đổ nát đầy bồ hóng và các kỹ sư đang soạn thảo kế hoạch sử dụng những bộ phận này, cùng với các phụ tùng thay thế, động cơ từ một chiếc máy bay tương tự và một thân máy bay bổ sung, để chế tạo một chiếc máy bay mới, giám đốc điều hành công ty cho biết. Dự án dự kiến sẽ tiêu tốn khoảng 500 triệu USD.

Antonov thậm chí cho biết đang đàm phán với các công ty hàng không châu Âu, Mỹ và châu Á, cũng như với các khách hàng tiềm năng cho các chuyến bay chở hàng trong tương lai.

An-225 Mriya ban đầu được chế tạo để chở tàu con thoi Buran của Liên Xô. Nó không phải là một trong số máy bay thử nghiệm hay máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm được ưa thích nhất hiện nay, nhưng lại được thế giới "hâm mộ" nhờ thân hình củ hành, tròn trịa và kèm theo những vật dụng công nghiệp khó sử dụng như cánh quạt gió hoặc đầu máy xe lửa.

Vì sao An-225 Mriya bị phá hủy?

Ngay cả khi chính phủ Ukraine đang đi những bước đầu tiên hướng tới việc phục hồi máy bay, cảnh sát nước này vẫn đang điều tra nguyên nhân vì sao chiếc máy bay bị phá hủy.

Trong một cuộc phỏng vấn vào buổi tối trước khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Phó giám đốc vận tải của công ty, ông Maksym Sanotskyi, cho biết một phi hành đoàn đã chuẩn bị lái máy bay đến nơi an toàn bên ngoài Ukraine. Kế hoạch cất cánh đã được lên lịch vào chiều hôm sau. Nhưng đã quá muộn.

Quân đội Nga đã vượt qua biên giới trước bình minh và lực lượng đặc biệt của Moscow đã tràn vào sân bay Hostomel, căn cứ của Mriya. Trong các trận chiến sau đó tại sân bay, nằm ngay ngoại ô Kiev, chiếc máy bay đã bốc cháy.

Tuần trước, cùng với thông báo về tiến độ khôi phục máy bay của Antonov, cảnh sát đã thông báo bắt giữ một số cựu giám đốc điều hành của công ty này vì nghi ngờ cản trở công việc của quân đội trong việc bảo vệ sân bay Hostomel trong những ngày trước khi chiến sự bùng nổ.

Tranh cãi việc Ukraine tính khôi phục máy bay lớn nhất thế giới An-225 - 3

Đống đổ nát của chiếc máy bay (Ảnh: NYT).

Trong một tuyên bố, các công tố viên cho biết, công ty đã không cho phép Lực lượng Vệ binh Quốc gia Ukraine xây dựng các vị trí phòng thủ tại sân bay, vì những lý do vẫn chưa rõ ràng, dẫn đến việc Mriya bị phá hủy. 

Tất nhiên, máy bay này không nằm ở đầu danh sách ưu tiên tái thiết của Ukraine sau hơn 1 năm chiến tranh tàn khốc nhất ở châu Âu kể từ sau Thế chiến II. Hầu như không một thành phố nào không bị ảnh hưởng bởi các cuộc tấn công bằng tên lửa hoặc pháo binh, và hàng triệu người Ukraine phải di dời hoặc sống trong các thị trấn không có nước hoặc điện.

Antonov cho biết, máy bay này có tiềm năng thương mại, chẳng hạn như khi được các công ty trong ngành năng lượng thuê để vận chuyển những thiết bị khổng lồ đi khắp thế giới, chi phí mỗi giờ là khoảng 32.000USD. Công ty cũng cho biết, nó là một biểu tượng của Ukraine.

Nhưng một cựu kỹ sư của công ty này, Anatoly Vovnyanko, đã nói với giới truyền thông Ukraine rằng ông không tin công ty sẽ thu lại được chi phí bỏ ra thông qua các hợp đồng thương mại. "Không ai cần nó", ông Vovnyanko nói. "Họ sẽ không bao giờ lấy lại được số tiền đã bỏ ra".

Ngoài ra, vẫn còn nhiều thách thức khác. Trong khi Mriya chia sẻ các bộ phận chung với một máy bay chở hàng khác do Ukraine sản xuất là Ruslan, một số bộ phận sẽ phải được sản xuất theo yêu cầu. 

Phó giám đốc Sanotskyi cho biết, cho đến nay, 3 trong số 6 động cơ phản lực, cánh tà, các bộ phận của hệ thống thủy lực, một số thiết bị hạ cánh, bơm nhiên liệu và cụm đuôi của máy bay đã được thu gom. Ông thừa nhận việc chứng nhận máy bay mới đủ điều kiện bay với các cơ quan quản lý châu Âu và Mỹ sẽ là một thách thức.

Valentyn Kostiyanov, 68 tuổi, một kỹ thuật viên từng tham gia chế tạo chiếc Mriya vào những năm 1980, kiểm tra mớ dây điện và đường dây thủy lực nằm sâu bên trong đống đổ nát vào một ngày cuối tuần trước, tìm kiếm các bộ phận còn phù hợp. "Nó bị đốt cháy rất tàn nhẫn", ông nói.

Tranh cãi việc Ukraine tính khôi phục máy bay lớn nhất thế giới An-225 - 4

Hình ảnh vệ tinh cho thấy một phần nhà chứa máy bay An-225 Mriyabị phá hủy (Ảnh: Maxar).

Chiếc máy bay, lúc này đang được dựng trên các thanh chống, kêu cót két trong gió và các dải cách nhiệt rung rinh từ các lỗ trên thân máy bay. Dây lủng lẳng trên cánh. "Chúng tôi đã dành rất nhiều thời gian cho nó, hàng nghìn giờ, trong nhiều năm, chúng tôi đã chế tạo rồi lại chứng kiến nó bị phá hủy trong chiến sự", ông Kostiyanov chia sẻ.

Ông luôn nghĩ sẽ nỗ lực khôi phục lại chiếc máy bay này. "Hãy hỏi bất cứ ai ở Ukraine, họ cũng sẽ nói cần khôi phục lại An-225 Mriya".

Theo New York Times