Tranh cãi chuyện ông Trump chọn trùm dầu khí "thân Nga" làm Ngoại trưởng
(Dân trí) - Quyết định của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump nhằm lựa chọn Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Tập đoàn ExxonMobil, ông Rex Tillerson, làm Ngoại trưởng trong chính quyền mới đang gây ra làn sóng tranh cãi mạnh mẽ trong chính giới cũng như dư luận nước này.
Những người ủng hộ Rex Tillerson cho rằng kinh nghiệm có được từ việc điều hành một tập đoàn năng lượng toàn cầu sẽ mang tới những công cụ quản lý cần thiết để CEO này làm tốt trong cương vị Ngoại trưởng Mỹ. Tuy nhiên, có không ít ý kiến quan ngại cho rằng liệu việc bổ nhiệm CEO của 1 tập đoàn làm Ngoại trưởng có dẫn tới vấn đề xung đột lợi ích hay không và liệu ông Rex Tillerson sẽ ưu tiên nước Mỹ trước hay các lợi ích của công ty?
Làn sóng chỉ trích gia tăng trong những giờ qua khi các thành viên của cả đảng Cộng hoà và Dân chủ đều nghi ngờ về khả năng thành công trong cương vị mới của ông Rex Tillerson. Trong khi đó, các nhà khoa học, những nhà hoạt động về nhân quyền và các nhóm bảo vệ môi trường cũng bày tỏ quan ngại trước quyết định lựa chọn của Tổng thống đắc cử Donald Trump. Vậy tại sao chính giới và dư luận Mỹ lại phản ứng gay gắt về quyết định chọn ông Rex Tillerson cho vị trí Ngoại trưởng như vậy?.
"Đầm lầy"
Theo CNN, trong chiến dịch vận động tranh cử của mình, ông D. Trump từng đưa ra cam kết mạnh mẽ nhằm "thoát khỏi đầm lầy" và tấn công "các lợi ích đặc biệt toàn cầu" vốn đã làm "tha hoá" những chính trị gia ở Washington, những người bị ông cáo buộc đã bóc lột "giai cấp lao động Mỹ".
Ba cựu quan chức cấp cao đã giới thiệu ông Tillerson với Tổng thống đắc cử Trump. Đó là các cựu Cố vấn An ninh Quốc gia James Baker và Condoleezza Rice, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates. Tuy nhiên, vấn đề gây tranh cãi ở đây chính là việc ba chính trị gia này sau khi rời nhiệm sở đều hưởng lợi từ những hợp đồng của tập đoàn ExxonMobil.
Chưa kể, tuyên bố "thoát khỏi đầm lầy" của ông Trump càng trở nên không hợp lý khi ông Tillerson là tỷ phú mới nhất gia nhập danh sách nội các sắp tới của chính phủ Mỹ. Hiện đã có 7 triệu phú và 2 tỷ phú trong danh sách các thành viên sẽ giữ những chức vụ dưới thời Tổng thống đắc cử Trump. Một số ý kiến chỉ trích cho rằng tập đoàn ExxonMobil chính là hiện thực của quyền lực toàn cầu - một đế chế của tư nhân với chính sách đối ngoại riêng.
Chuyên gia Stephanie Taylor, nhà đồng sáng lập Chiến dịch Thay đổi Tiến bộ cho rằng: "Mọi người đi bỏ phiếu hôm 8/11 không phải... để có một tập đoàn đứng ra thay mặt cho tầng lớp lao động và lợi ích của nước Mỹ trên toàn thế giới".
Hiện nhóm phụ trách chuyển giao quyền lực của Tổng thống đắc cử Trump chưa đưa ra bình luận nào về quyết định lựa chọn ông Tillerson làm Ngoại trưởng Mỹ.
Quan hệ với Nga
Ông Tillerson được đánh giá người có nhiều kinh nghiệm về đàm phán quốc tế và được cho có mối quan hệ kinh doanh với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Với tư cách là Tổng Giám đốc của ExxonMobil, ông Tillerson đã điều hành hoạt động của tập đoàn này tại hơn 50 quốc gia trên thế giới, cũng như ký nhiều thỏa thuận lớn với Nga, trong đó có thỏa thuận với Rosneft - tập đoàn dầu khí lớn nhất nước này.
Truyền thông Mỹ nhận định rằng, một khi được bổ nhiệm chính thức, ông Tillerson sẽ phải trả lời những cuộc chất vấn gay gắt trong các cuộc điều trần trước Thượng viện. Trong khi đó, qua mạng xã hội Twitter, nhiều Thượng nghị sỹ của đảng Cộng hoà cũng bày tỏ ý kiến về mối quan hệ cá nhân giữa ông Tillerson và Tổng thống Putin.
Trên trang của mình, Thượng nghị sỹ Marco Rubio viết rằng "tôi không hy vọng Ngoại trưởng Mỹ là một người bạn của Vladimir Putin", trong khi Thượng nghị sỹ Chuck Grassley thậm chí còn cáo buộc rằng "cả ông Trump và Tillerson cần phải biết rằng Putin không phải là người đáng tin cậy".
Quan ngại của những nghị sĩ bên phía đảng Cộng hoà cũng được những đồng nghiệp của đảng Dân chủ chia sẻ. Thượng nghị sĩ bang Vermont Bernie Sanders, ứng cử viên từng tham gia cuộc chạy đua vào Nhà Trắng, nhận định: "Việc bổ nhiệm một người có quan hệ chặt chẽ với giới lãnh đạo Nga sẽ gửi đi thông điệp đầy bất ổn tới cộng đồng quốc tế". Trong khi đó, Thượng nghị sỹ bang New Jersey, ông Robert Menendez, còn đặt câu hỏi rằng liệu có phải Mỹ đã có một người ủng hộ những chính sách của Putin ngay trong nội các.
Trong quá khứ, tập đoàn ExxonMobil từng hợp tác với Bộ Ngoại gia Mỹ trong các dự án quốc tế và nhiều nhà ngoại giao kỳ cựu cho rằng kinh nghiệm xử lý các vấn đề quốc tế có thể là lợi thế khi ông Tillerson trở thành Ngoại trưởng. Ngoài ra, cũng có một số ý kiến cho rằng quan điểm đa chiều của ông Tillerson có thể giúp Tổng thống đắc cử Trump đưa ra những quyết định sáng suốt hơn khi lên nắm quyền. Ví dụ như việc ông Tillerson từng đề cập tới việc thúc đẩy quan hệ kinh tế với Iran và một tuyên bố cho thấy CEO của tập đoàn ExxonMobil ủng hộ thỏa thuận hạt nhân lịch sử. Tuy nhiên, cũng có ý kiến phản bác cho rằng tuyên bố về hợp tác kinh tế với Tehran được ông Tillerson nêu ra là vì CEO này đã "nhìn thấy" những mỏ dầu có trữ lưỡng lớn tại Iran.
"Trên thực tế, hoạt động ngoại giao đòi hỏi nhiều hơn kỹ năng đàm phán hơn là việc thúc đẩy một thoả thuận có lợi. Một thoả thuận kinh doanh, nơi lợi nhuận là mục tiêu cuối cùng, khác biệt hoàn toàn với việc được giao nhiệm vụ đàm phán về thúc đẩy các thoả thuận hoà bình trên thế giới, qua đó bảo đảm an ninh và lợi ích của nước Mỹ, cũng như định hình phản ứng và vị thế của một cường quốc trong những vấn đề nóng toàn cầu", Thượng nghị sỹ Mendenez nhận xét.
Ngọc Anh
Tổng hợp