1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Trang bị đặc biệt giúp Su-25 của Nga qua mặt tên lửa phòng không Ukraine

Tùng Nguyễn

(Dân trí) - Quân đội Nga tiết lộ về một loại khí tài đặc biệt giúp các cường kích Su-25 SM3 của Nga đánh bại các hệ thống tên lửa phòng không vác vai của Ukraine.

Trang bị đặc biệt giúp Su-25 của Nga qua mặt tên lửa phòng không Ukraine - 1
Cường kích Su-25 SM3 của không quân Nga (Ảnh: jetphotos).

Trong chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, các máy bay cường kích Su-25 SM3 của không quân Nga đã đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong việc làm suy yếu sinh lực của quân đội Ukraine.

Là một cường kích với nhiệm vụ tấn công các mục tiêu của Ukraine trên mặt đất, máy bay Su-25 SM3 của Nga phải đương đầu với rất nhiều thách thức, đặc biệt là từ các hệ thống tên lửa phòng không vác vai (MANPADS) mà phương Tây đã viện trợ cho chính quyền của Tổng thống Volodymyr Zelensky.

Tuy nhiên, với hệ thống tác chiến điện tử Vitebsk-25 được trang bị, các cường kích Su-25 SM3 của Nga đã dễ dàng qua mặt các tên lửa MANPADS của Ukraine.

"Không quân Nga đã sử dụng rất thành công các cường kích Su-25 SM3 được trang bị hệ thống tác chiến điện tử Vitebsk-25 tại chiến trường Ukraine. Trang bị này đã cung cấp khả năng bảo vệ đáng tin cậy trước các cuộc tấn công bằng tên lửa phòng không vác vai của quân đội Ukraine", một nguồn tin thân cận với Bộ Quốc phòng Nga cho biết.

"Các hệ thống Vietbsk này được đặt trong các thùng chứa ở khu vực mũi của cường kích Su-25 SM3. Trước đó, chúng đã được thử nghiệm trên trực thăng Ka-25 tại chiến trường Syria và tại đây không một trực thăng Ka-25 nào của Nga bị bắn hạ bởi các tên lửa vác vai của quân khủng bố", nguồn tin này tiết lộ thêm.

Hệ thống tác chiến điện tử Vitebsk-25 được thiết kế và phát triển bởi Viện nghiên cứu Ekran có trụ sở tại thành phố Samara, Nga. Hệ thống này được sử dụng với mục đích bảo vệ các máy bay chiến đấu và trực thăng của Nga khỏi mối đe dọa từ các tên lửa dẫn đường và tên lửa vác vai của đối phương thông qua các cơ chế gây nhiễu quang học và điện tử.

Quân đội Nga bắt đầu được trang bị hệ thống này từ năm 2015 và từ đó đến nay, Vitebsk-25 đã chứng minh được hiệu quả bảo vệ vượt trội của mình. Chính vì vậy, phiên bản xuất khẩu của hệ thống Vitebsk-25 đã và đang nhận được sự quan tâm rất lớn từ quân đội nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới.

Về phía Ukraine, theo thống kê, quân đội nước này đang sử dụng 2 loại MANPADS chính, bao gồm tên lửa Igla được sản xuất từ thời Liên Xô và tên lửa Stinger được Mỹ viện trợ. Được biết, kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, Mỹ đã chuyển giao cho Ukraine hàng nghìn tên lửa phòng không vác vai Stinger. Con số này nhiều đến nỗi kho tên lửa Stinger của Mỹ đã có lúc gần như cạn kiệt.

Bất chấp khoản viện trợ trên, trước sức tấn công vũ bão của quân đội Nga, đặc biệt là từ trên không, các quan chức cao cấp của chính quyền Tổng thống Volodymyr Zelensky trong thời gian gần đây đã liên tục kêu gọi phương Tây gửi thêm máy bay chiến đấu và các vũ khí phòng không uy lực hơn nhằm tăng cường khả năng phòng thủ cho quân đội nước này.

Theo Tass
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine