1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Tổng thống Ukraine nói về khả năng đàm phán chấm dứt xung đột với Nga

Minh Phương

(Dân trí) - Mọi cuộc đàm phán nhằm chấm dứt xung đột với Nga phải dựa trên nền tảng "công thức hòa bình" của Kiev, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhấn mạnh.

Tổng thống Ukraine nói về khả năng đàm phán chấm dứt xung đột với Nga - 1

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (Ảnh: Reuters).

Trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte ngày 20/8, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến triển vọng đàm phán hòa bình với Nga.

Ông cho biết, "công thức hòa bình" 10 điểm mà ông đưa ra cuối năm ngoái phải là văn bản duy nhất làm nền tảng cho bất cứ cuộc hòa đàm tiềm tàng nào với Nga.

Nhà lãnh đạo Ukraine cũng bác bỏ ý tưởng nhượng bộ lãnh thổ để đổi lấy hòa bình.

"Chúng tôi có văn bản duy nhất, chúng tôi có công thức hòa bình của riêng mình và mục tiêu của chúng tôi là hòa bình. Chúng tôi đã xác định cách nhìn nhận và sẵn sàng cởi mở với các bên. Một nền hòa bình phải đi kèm với khôi phục toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine", ông Zelensky nhấn mạnh.

Ông Zelensky lần đầu nêu công thức hòa bình tại hội nghị thượng đỉnh G20 hồi tháng 11 năm ngoái. Trong số các điều kiện nêu trong công thức này có khôi phục toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, Nga phải rút quân và ký kết vào văn bản chấm dứt chiến sự ở Ukraine.

Tuy vậy, Nga cho rằng các điều kiện mà Ukraine đưa ra "không thể chấp nhận được".

Moscow nhấn mạnh, Kiev cần công nhận "thực tế mới về lãnh thổ", nghĩa là công nhận sự kiểm soát của Nga đối với Crimea và 4 tỉnh gồm Kherson, Zaporizhia, Donetsk, Lugansk. Những vùng lãnh thổ này đã sáp nhập vào Nga sau các cuộc trưng cầu dân ý gây tranh cãi.

Báo Wall Street Journal ngày 20/8 dẫn nguồn tin giấu tên nói rằng một số quan chức phương Tây gợi ý Ukraine nên chấp nhận nhượng bộ lãnh thổ để chấm dứt chiến dịch với Nga trong bối cảnh xung đột kéo dài và trở thành cuộc chiến tiêu hao.

Theo nguồn tin này, Mỹ và các đồng minh chủ chốt ở châu Âu như Đức muốn ngăn chặn Nga giành chiến thắng trên chiến trường. Mặt khác, họ cũng lo ngại những rủi ro khi tiếp tục viện trợ để giúp Ukraine thắng lợi hoàn toàn.

Trong các cuộc trao đổi kín, một số quan chức phương Tây cho rằng Mỹ và các đồng minh không thể để Ukraine tự quyết định mục tiêu cuối cùng nhằm chấm dứt chiến sự.

Họ lo ngại rằng "các mục tiêu theo chủ nghĩa tối đa" của Ukraine sẽ dẫn đến một cuộc xung đột kéo dài. Để đổi lấy việc Ukraine chấp thuận nhượng bộ một số lãnh thổ, phương Tây có thể đưa ra những cam kết như kết nạp Ukraine vào NATO hoặc EU, hoặc cam kết hỗ trợ kinh tế, quân sự liên tục.

Điều này được thúc đẩy bởi nhu cầu chấm dứt cuộc xung đột đang gây tác động dây chuyền đến nền kinh tế thế giới cũng như xuất phát từ lo ngại liệu cử tri phương Tây còn chấp nhận mức hỗ trợ hiện tại cho Ukraine bao lâu nữa.

Mặc dù vậy, giới chức Ukraine nhiều lần khẳng định không bao giờ nhượng bộ về lãnh thổ. Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba tuần trước tuyên bố nước này sẽ lấy lại toàn bộ lãnh thổ bị Nga kiểm soát dù phải mất bao lâu.

"Mục tiêu của chúng tôi là chiến thắng, chiến thắng với hình thức giành lại toàn bộ lãnh thổ trong biên giới được quốc tế công nhận năm 1991. Chúng tôi không quan tâm mất bao lâu", ông nói.

Trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen hôm qua, trả lời câu hỏi liệu Ukraine có sẵn sàng nhượng bộ lãnh thổ để đổi lấy tư cách thành viên NATO hay không, Tổng thống Zelensky nói: "Chúng tôi sẵn sàng đổi Belgorod (thành phố của Nga)".

Ông Zelensky cũng phản bác những chỉ trích đối với chiến dịch phản công của Ukraine. Ông nói, Ukraine không có đủ vũ khí cần thiết và cũng không mạo hiểm hàng nghìn sinh mạng để tiến 5-8km khi không có vũ khí đủ mạnh.

Theo Pravda
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine