1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Tổng thống Ukraine "chê" phương Tây còn yếu trong trừng phạt Nga

Thành Đạt

(Dân trí) - Tổng thống Volodymyr Zelensky kêu gọi phương Tây áp lệnh cấm vận hoàn toàn đối với năng lượng nhập khẩu từ Nga và đóng cửa biên giới với tất cả công dân Nga.

Tổng thống Ukraine chê phương Tây còn yếu trong trừng phạt Nga - 1

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (Ảnh: AFP).

Trong cuộc phỏng vấn với Washington Post hôm 8/8, Tổng thống Volodymyr Zelensky cho rằng các biện pháp trừng phạt Nga hiện vẫn còn "yếu". Ông Zelensky kêu gọi các nước phương Tây áp đặt lệnh cấm vận hoàn toàn đối với năng lượng nhập khẩu từ Nga và cấm đi lại đối với toàn bộ người Nga ít nhất 1 năm.

"Các biện pháp trừng phạt quan trọng nhất là đóng cửa biên giới. Người Nga nên sống trong thế giới của riêng họ cho đến khi họ thay đổi triết lý của mình", ông Zelensky cho biết.

Nhà lãnh đạo Ukraine khẳng định đây là "cách duy nhất để gây ảnh hưởng" tới Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Mỹ và các đồng minh - Canada, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia - đã cấm vận hàng trăm cá nhân, công ty và tổ chức Nga vì chiến dịch quân sự tại Ukraine. Đến tháng 4 năm nay, Nga trở thành quốc gia bị trừng phạt nhiều nhất thế giới, nhiều hơn Iran, Venezuela, Myanmar và Cuba cộng lại.

Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố lệnh cấm vận sẽ phá hủy nền kinh tế Nga, sau đó đổ lỗi cho Nga về tình trạng lạm phát của Mỹ và giá khí đốt tăng chóng mặt.

Nhiều chuyên gia và chính trị gia thừa nhận, phương Tây đã làm tổn thương chính mình khi cố gắng trừng phạt Nga. Ví dụ, trong lĩnh vực năng lượng, các lệnh cấm vận Moscow đã khiến giá dầu và khí đốt tăng vọt dẫn tới lạm phát ở nhiều nước phương Tây gia tăng.

Theo các chuyên gia, phương Tây trong thời gian qua đã bắt đầu có những biện pháp âm thầm nhằm nới lỏng các biện pháp cứng rắn chống lại Nga. EU có thể đã nhận ra rằng, các lệnh trừng phạt Nga dường như không hoạt động hiệu quả theo cách mà EU mong muốn, và có nguy cơ gây tổn thương cho các bên thứ 3 không liên quan tới cuộc chiến ở Ukraine.

Moscow đã đáp trả các lệnh trừng phạt bằng việc yêu cầu những "quốc gia không thân thiện" thanh toán tiền mua khí đốt bằng đồng rúp của Nga, nếu không sẽ bị cắt nguồn cung. 

Nga đã dừng cung cấp khí tự nhiên cho một số nước châu Âu do họ từ chối yêu cầu thanh toán bằng đồng rúp. Các nước châu Âu, trước đây phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng từ Nga, đang cố gắng giảm bớt sự phụ thuộc này.

Chủ tịch Duma Quốc gia Nga (Hạ viện) Vyacheslav Volodin hồi tháng 6 tuyên bố, Mỹ và EU đã dùng hết "kho công cụ để kìm hãm sự phát triển của Nga", sau khi EU tung ra gói trừng phạt thứ 6 chống lại Moscow.

Tổng thống Putin thừa nhận, các lệnh trừng phạt từ phương Tây đã gây ra hàng loạt vấn đề phức tạp cho Nga, nhưng đồng thời khiến Nga trở nên mạnh hơn trong nhiều lĩnh vực. Ông Putin khẳng định Nga không có ý định cô lập nền kinh tế nước này với phần còn lại của thế giới và đã đối phó với lệnh trừng phạt bằng việc thay thế các sản phẩm nhập khẩu quan trọng bằng các sản phẩm sản xuất trong nước.

Kể từ khi phương Tây áp lệnh trừng phạt, Tổng thống Putin đã ưu tiên hợp tác thương mại với BRICS, một khối gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, như một thị trường mới nổi thay thế cho phương Tây.

Theo RT
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine