1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Tổng thống Trump "khẩu chiến" với Triều Tiên: Nguy cơ “gậy ông đập lưng ông”

(Dân trí) - Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục đưa ra những lời đe dọa cứng rắn như “hủy diệt hoàn toàn” Triều Tiên không chỉ phản tác dụng đối với Bình Nhưỡng mà còn được chính quyền nhà lãnh đạo Kim Jong-un sử dụng vào mục đích tuyên truyền hay huy động quân đội.

Hàng chục nghìn người Triều Tiên tuần hành phản đối Mỹ

Tranh cổ động của Triều Tiên với khẩu hiệu: Nếu chiến tranh xảy ra trên đất nước chúng ta một lần nữa, nước Mỹ sẽ không còn an toàn (Ảnh: New York Times)
Tranh cổ động của Triều Tiên với khẩu hiệu: "Nếu chiến tranh xảy ra trên đất nước chúng ta một lần nữa, nước Mỹ sẽ không còn an toàn" (Ảnh: New York Times)

Trở về sau chuyến đi 5 ngày tới Triều Tiên cùng 3 phóng viên của tờ New York Times, cây bút Nicholas Kristof cho biết những tuyên bố nhằm vào Triều Tiên của Tổng thống Donald Trump đã phản tác dụng tại quốc gia Đông Bắc Á, thậm chí còn được chính quyền nhà lãnh đạo Kim Jong-un sử dụng vào mục đích tuyên truyền cũng như huy động quân đội.

Triều Tiên đã dùng chính những lời đe dọa cứng rắn của Tổng thống Trump để củng cố lập trường của nước này, đó là phát triển kho vũ khí hạt nhân nhằm mục đích phòng vệ. Triều Tiên muốn chứng tỏ rằng việc nước này sở hữu vũ khí hạt nhân là nhằm bảo vệ người dân trước sự uy hiếp của đế quốc Mỹ. Nói cách khác, Bình Nhưỡng đã lấy chính tuyên bố của ông Trump làm cái cớ biện minh cho chương trình vũ khí gây tranh cãi của họ.

“Tổng thống Mỹ Donald Trump toàn thốt ra những lời vô nghĩa về việc xóa sổ đất nước chúng tôi. Vì thế, chỉ cần lãnh đạo tối cao đưa ra mệnh lệnh, chúng tôi sẽ nhấn chìm toàn bộ nước Mỹ trong biển lửa”, Trung tá Triều Tiên Hwang Myong-jin nói với Nicholas Kristof.

Khi tới thăm thủ đô Bình Nhưỡng, các phóng viên của New York Times đã nhìn thấy một bức tranh cổ động điển hình, trên đó vẽ hình ảnh một một binh sĩ Triều Tiên đang đạp chân lên mặt một người lính phương Tây tóc vàng với dòng chú thích “Cái chết của kẻ xâm lược”.

Theo cây bút Kristof, ông Kim Jong-un không muốn tỏ ra là một nhà lãnh đạo yếu đuối hay cho mọi người thấy rằng ông đang phải nhún mình trước sức ép từ Mỹ. Trong khi đó, giới chức Triều Tiên cũng thường viện dẫn những lời đe dọa của Tổng thống Trump để lý giải cho việc nước này phải huy động lực lượng quân đội, cũng như sự miễn cưỡng của Bình Nhưỡng khi tham gia vào các cuộc đối thoại hoặc hòa giải.

“Những phát ngôn gây hấn của chính quyền Tổng thống Trump ở thời điểm hiện tại về việc sẽ hủy diệt hoàn toàn đất nước chúng tôi khiến chúng tôi không thể nào nghĩ tới việc sẽ đối thoại với họ”, quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Triều Tiên Ri Yong-pil cho biết.

Tính toán sai lầm của Mỹ

Người Triều Tiên tuần hành chống Mỹ ở thủ đô Bình Nhưỡng (Ảnh: AP)
Người Triều Tiên tuần hành chống Mỹ ở thủ đô Bình Nhưỡng (Ảnh: AP)

Dựa trên những gì quan sát được sau chuyến đi tới Bình Nhưỡng, ông Kristof nhận định chiến lược đối phó Triều Tiên của Tổng thống Donald Trump đang được đưa ra dựa trên những tính toán sai lầm nguy hiểm.

Tính toán sai lầm đầu tiên của ông Trump là cho rằng các lệnh trừng phạt và những lời dọa nạt chiến tranh sẽ khiến Triều Tiên chùn bước và buộc phải từ bỏ vũ khí hạt nhân. Tất cả các quan chức Triều Tiên mà ông Kristof có dịp tiếp xúc đều khẳng định rằng điều này sẽ không bao giờ xảy ra. Ngay cả cộng đồng tình báo Mỹ cũng không tin vào kịch bản này vì theo họ, Triều Tiên đang coi chương trình hạt nhân là điều kiện sống còn đối với sự tồn vong của đất nước.

Theo quan sát của các phóng viên New York Times, các lệnh trừng phạt thực sự cũng có ảnh hưởng nhất định tới Triều Tiên. Các doanh nghiệp ở nước này than phiền về việc Trung Quốc cắt giảm các hoạt động thương mại, giá xăng tăng gấp đôi còn nguồn cung điện bị hạn chế. Mất điện là chuyện thường xuyên xảy ra, ngay cả ở thủ đô Bình Nhưỡng.

Tuy nhiên, Triều Tiên đã có phương án thay thế cho nguồn cung năng lượng, đó là các tấm pin năng lượng mặt trời. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un cũng thay đổi nền kinh tế theo hướng tự do hóa, từ đó cho phép Triều Tiên tiếp tục tăng trưởng bất chấp lệnh trừng phạt. Các hợp tác xã cho phép chia ruộng cho cá thể tư nhân, trong khi các nhà máy cũng tích cực sản xuất để phát sinh lợi nhuận.


Tổng thống Donald Trump (Ảnh: Reuters)

Tổng thống Donald Trump (Ảnh: Reuters)

Tính toán sai lầm thứ hai của nhà lãnh đạo Mỹ là cho rằng Trung Quốc có thể thay đổi thái độ của Triều Tiên. Theo ông Kristof, Mỹ thường phóng đại quá mức tầm ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Bình Nhưỡng dù hai nước là đồng minh thân cận. Thực tế cho thấy ông Kim Jong-un không ít lần khiến Bắc Kinh “bẽ mặt” và giới chức Trung Quốc cũng lo ngại khả năng Bình Nhưỡng sẽ phóng tên lửa hoặc thử hạt nhân trong thời gian Trung Quốc tổ chức đại hội đảng lần thứ 19, dự kiến diễn ra trong tháng này.

Triều Tiên cũng không muốn đón nhận chuyến thăm của đặc phái viên Trung Quốc phụ trách vấn đề Triều Tiên Kong Xuanyou.

“Chúng tôi biết ông Kong sẽ nói gì khi tới Triều Tiên, vì thế ông ấy không cần phải nói những điều đó ở đây”, một quan chức Triều Tiên nói với Kristof.

Ngoài 2 tính toán sai lầm trên, chính quyền Tổng thống Trump tiếp tục mắc phải một sai lầm nữa khi cho rằng chế độ Triều Tiên sắp sụp đổ, và việc Mỹ dọa nạt hay gây sức ép sẽ khiến “ngày tàn” của Bình Nhưỡng đến nhanh hơn.

Cây bút Kristof kể rằng vào đầu những năm 1990, ông và vợ đã cử đến làm phóng viên thường trú của New York Times tại Tokyo, Nhật Bản. Mục đích của việc điều chuyển này là nhằm cho phép các phóng viên Mỹ có thể đưa tin nhanh chóng về Triều Tiên cũng như sự sụp đổ tưởng chừng đã đến rất gần của chính quyền Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, từ đó đến nay, vẫn chưa có chuyện gì xảy ra đối với quốc gia Đông Bắc Á này.

Thành Đạt

Theo New York Times