Tổng thống Putin sẽ nắm quyền đến khi nào?
(Dân trí) - Chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới gần như chắc chắn nằm trong tầm tay của Tổng thống Vladimir Putin, nhưng sau nhiệm kỳ thứ 4, ông sẽ tiếp tục giữ vị trí lãnh đạo nước Nga thêm bao lâu?
Chiến thắng của đương kim Tổng thống Vladimir Putin trong cuộc bầu cử Nga vào ngày 18/3 tới gần như là điều không cần phải bàn cãi khi tỷ lệ ủng hộ của công chúng dành cho ông luôn ở mức cao, hơn nữa bộ máy chính quyền Nga cũng luôn sẵn sàng ủng hộ ông.
Tuy nhiên, ngay cả khi đắc cử trong cuộc bỏ phiếu năm nay, quy định hiến pháp giới hạn tối đa hai nhiệm kỳ đối với chức danh tổng thống cũng không cho phép ông Putin tiếp tục nắm quyền lãnh đạo nước Nga sau năm 2024. Điều này sẽ đặt ra nhiều vấn đề về tương lai của nước Nga thời kỳ hậu Putin, theo Reuters.
“Bối cảnh chính trị của nước Nga đang bước vào một giai đoạn mới. Hầu hết các cuộc thảo luận trong giới tinh hoa cầm quyền ở Nga đều không tập trung vào giai đoạn tiếp theo của kỷ nguyên Putin, mà là kỷ nguyên hậu Putin”, Gleb Pavlovsky, cựu cố vấn Điện Kremlin, nhận định.
Trong khi đó, cựu Đại sứ Liên minh châu Âu (EU) tại Nga Vygaudas Usackas cho biết những rủi ro đặt ra cho chính quyền Nga rất cao. “Đây là thời khắc rủi ro đối với hệ thống chính quyền Nga”, cựu Đại sứ Usackas nói.
Lựa chọn của ông Putin
Tổng thống Putin có ít nhất 3 lựa chọn. Ông có thể “học” theo Trung Quốc và tìm cách thay đổi quy định giới hạn nhiệm kỳ trong hiến pháp để kéo dài thời gian tại nhiệm mãi mãi. Lựa chọn thứ hai là ông có thể tạm trao quyền lãnh đạo cho một người nào đó và sau đó quay trở lại. Cách thứ ba ông có thể làm là đề cử người kế nhiệm và rút khỏi chính trường.
Mỗi lựa chọn đều ẩn chứa những rủi ro nhất định và Tổng thống Putin có thể cũng đã có những lựa chọn của riêng ông. Là một cựu điệp viên tình báo, ông đã quá quen với việc giữ bí mật và sẵn sàng có những động thái gây bất ngờ. Hai nguồn tin thân cận với Điện Kremlin cho biết hiện vẫn chưa có kế hoạch khi nào ông Putin sẽ từ bỏ vai trò lãnh đạo nước Nga. Vấn đề này nhạy cảm tới mức hai nguồn tin chỉ đồng ý chia sẻ với điều kiện giấu tên.
Vai trò của Tổng thống Putin đã “ăn sâu” vào hệ thống chính trị Nga tới mức nhiều thành viên trong chính quyền Nga vẫn không thể tưởng tượng ra rằng, liệu còn nhà lãnh đạo nào có thể thay thế ông Putin hay không. Nhiều doanh nghiệp nhà nước và ngân hàng lớn tại Nga cho biết họ vẫn chưa nhận thấy sự thay đổi nào trong vị trí lãnh đạo nước Nga khi nhiệm kỳ tiếp theo của Tổng thống Putin kết thúc.
“Vẫn chưa có các cuộc thảo luận bên lề nào về việc kế nhiệm (Tổng thống Putin). Dường như mọi người vẫn nghĩ rằng ông ấy sẽ tại nhiệm mãi mãi”, một nguồn tin chính phủ Nga cho biết.
Nếu Tổng thống Putin muốn thay đổi hiến pháp để có thể tiếp tục kéo dài thời gian công tác sang nhiệm kỳ thứ 3 liên tiếp, ông cần sự ủng hộ của ít nhất 2/3 nghị sĩ tại Hạ viện, 3/4 nghị sĩ tại Thượng viện và sự phê chuẩn của 2/3 cơ quan lập pháp khu vực. Mặc dù các đồng minh của Điện Kremlin đều hiện diện “áp đảo” tại các thể chế này, song ông Putin từng tuyên bố ông sẽ không thay đổi hiến pháp để tiếp tục nắm quyền lãnh đạo.
Tổng thống Putin có lý do để tuyên bố như vậy. Trên thực tế, nếu ông tìm cách thay đổi hiến pháp, ông có nguy cơ vấp phải sự phản kháng từ các cử tri - những người coi việc kéo dài thời gian tại nhiệm là hành động đưa nước Nga đi ngược lại nền dân chủ.
Khi Tổng thống Putin bước vào cuối nhiệm kỳ thứ 2 hồi năm 2008, ông từng tìm cách thoát ra khỏi sức hấp dẫn của viễn cảnh sửa đổi hiến pháp để kéo dài sang nhiệm kỳ thứ ba. Vào thời điểm đó, Tổng thống Putin đã chấp nhận bước sang một bên và để cho cấp phó trung thành của mình là ông Dmitry Medvedev tranh cử tổng thống. Ông Putin hiểu rằng ông Medvedev chắc chắn sẽ giành chiến thắng với sự hậu thuẫn của Điện Kremlin.
Tổng thống Putin chấp nhận đảm đương vị trí thủ tướng trong 4 năm và tiếp tục quay lại ghế lãnh đạo sau khi nhiệm kỳ tổng thống của ông Medvedev kết thúc vào năm 2012. Vai trò lãnh đạo một lần nữa thay đổi và ông Medvedev trở thành thủ tướng Nga từ đó đến nay.
Người kế nhiệm tương lai
Tuổi tác cũng là một trong số những vấn đề có thể gây cản trở cho con đường lãnh đạo của Tổng thống Putin.
Kể từ năm 2008, nhiệm kỳ tổng thống Nga được kéo dài từ 4 năm lên 6 năm. Hiện tại, Tổng thống Putin vẫn hoàn toàn khỏe mạnh và sung sức. Sau khi nhiệm kỳ tổng thống thứ 4 kết thúc, ông sẽ bước sang tuổi 71. Nếu ông Putin một lần nữa chọn phương án bước sang một bên để chờ đợi nhiệm kỳ 4 năm của tổng thống mới kết thúc, sau đó tiếp tục quay trở lại tranh cử tổng thống nhiệm kỳ mới, ông lúc đó đã 77 tuổi.
Một trong số các nguồn tin thân cận với Điện Kremlin cho biết Tổng thống Putin đôi khi cảm thấy rất mệt mỏi, chủ yếu do ông cảm thấy không hài lòng với năng lực của các quan chức cũng như tình trạng quan liêu.
Trong cuộc họp với Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko hồi năm 2016, do micro vẫn mở nên Tổng thống Putin được nghe thấy tâm sự với người đồng cấp Belarus rằng: “Tôi không ngủ đủ giấc. Ngày hôm kia tôi chỉ chợp mắt được 4 tiếng. Ngày hôm qua cũng chỉ có 5 tiếng”.
Tổng thống Putin có lẽ cũng không muốn lãnh đạo đất nước ở độ tuổi gần 80 vì ông thường mô tả bản thân là một nhà lãnh đạo khỏe mạnh và tràn đầy năng lượng kể từ khi kế nhiệm nhà lãnh đạo Boris Yeltsin - một người không thực sự khỏe mạnh.
Để có thể yên tâm nghỉ hưu, ông Putin cần lựa chọn một người kế nhiệm đủ tầm. Có thể kể ra một số gương mặt như Igor Sechin - lãnh đạo tập đoàn dầu khí quốc gia Rosneft, Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu, Igor Dyumin - cựu vệ sĩ của ông Putin và hiện là thống đốc khu vực hay Thị trưởng Moscow Sergei Sobyanin.
Tuy nhiên, những nguồn tin từ Điện Kremlin cho biết Tổng thống Putin cho đến nay vẫn chưa “chọn mặt gửi vàng” được ai và bất kỳ cái tên nào được đưa ra cũng chỉ là sự đồn đoán, chứ không phải là lựa chọn của nhà lãnh đạo Nga.
Thành Đạt
Tổng hợp