1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

"Nước Nga trên hết" của ông Putin

Ông chủ Điện Kremlin chuyển sang phát triển đối nội sau khi giúp Nga trở lại vị thế cường quốc.

Chỉ vài giờ sau khi tuyên thệ nhậm chức đầu tuần này, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký ban hành sắc lệnh về những mục tiêu quốc gia và nhiệm vụ chiến lược từ giờ đến năm 2024, qua đó hé lộ những ưu tiên phát triển kinh tế và xã hội của nhà lãnh đạo này trong thời gian tới.

Cắt giảm chi tiêu quân sự

Có người gọi chiến lược của ông Putin là "Nước Nga trên hết" bởi nó tập trung vào phát triển nội địa, được hỗ trợ cắt giảm chi tiêu quốc phòng.

Những mục tiêu tham vọng được đề cập trong sắc lệnh là tăng tuổi thọ trung bình của người dân từ 72 lên 78, giảm phân nửa người nghèo (hiện có khoảng 20 triệu), đẩy nhanh ứng dụng công nghệ số, đưa đất nước trở thành 1 trong 5 nền kinh tế lớn nhất thế giới, duy trì tăng trưởng GDP trên mức bình quân thế giới và trở thành quốc gia đi đầu trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.

Đáng chú ý, ông chủ Điện Kremlin đặt mục tiêu huy động tài chính cho chiến lược "Nước Nga trên hết" thông qua cắt giảm chi tiêu quân sự, trái với chiến lược "Nước Mỹ trên hết" của Tổng thống Donald Trump.

"Đã qua rồi thời chi tiêu xã hội bị cắt giảm để đối phó các mối đe dọa bên ngoài. Nhiều mục tiêu liên quan đến hiện đại hóa quân sự đã hoàn thành nên chúng tôi có thể cắt giảm có chọn lọc (ngân sách quốc phòng) để có tiền trang trải những mục tiêu xã hội" - ông Pavel Zolotaryov, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Mỹ - Canada thuộc Học viện Khoa học Nga, giải thích với trang Christian Science Monitor.


Tổng thống Vladimir Putin (phải) và Thủ tướng Dmitry Medvedev tại một cuộc họp của Duma Quốc gia Nga hôm 8-5 Ảnh: REUTERS

Tổng thống Vladimir Putin (phải) và Thủ tướng Dmitry Medvedev tại một cuộc họp của Duma Quốc gia Nga hôm 8-5 Ảnh: REUTERS

Thực tế là theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (Thụy Điển), chi tiêu quốc phòng Nga đã giảm 20% vào năm ngoái. Hầu hết nhà phân tích dự báo ngân sách quốc phòng Nga sẽ chỉ chiếm 3% GDP vào cuối nhiệm kỳ hiện nay của ông Putin (năm 2024), so với mức 6,6% năm 2016.

"Sáu năm trước, ông Putin buộc phải tập trung nhiều hơn vào chương trình nghị sự đối ngoại, giúp Nga lấy lại vị thế cường quốc. Giờ là lúc ông tập trung vào đối nội" - ông Andrei Kolesnikov, nhà phân tích tại Trung tâm Carnegie Moscow (Nga), nhận định. Điều này thể hiện rõ qua sắc lệnh trên; theo đó, ông Putin ra lệnh chính phủ mới soạn thảo kế hoạch chi tiết trước tháng 10 về những mục tiêu xã hội mà người dân quan tâm, như tăng thu nhập thật sự, nâng lương hưu, cải thiện điều kiện nhà ở và dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng.

Cải thiện quan hệ với phương Tây

Theo trang Christian Science Monitor, các lực lượng hạt nhân chiến lược có thể chịu tác động trong bất kỳ động thái cắt giảm ngân sách quốc phòng nào. Một số dự án, như chiến đấu cơ tàng hình Su-57 và xe tăng T-14 Armata, đã bị thu hẹp quy mô. Ông Viktor Litovkin, biên tập viên quân sự của hãng tin ITAR-Tass, tiết lộ không một ý tưởng tham vọng nào được giới quân sự Nga nói đến thời gian qua, như đóng một tàu sân bay khổng lồ (được nói đến trong chương trình mua sắm vũ khí giai đoạn 2018-2025).

Nỗ lực cải thiện quan hệ với phương Tây cũng có thể tác động ít nhiều đến chiến lược "Nước Nga trên hết". "Ông Putin chắc chắn muốn có mối quan hệ tốt hơn (với phương Tây). Một số cố vấn nói với ông rằng khôi phục tăng trưởng kinh tế đòi hỏi sự nới lỏng trừng phạt và tiếp cận tốt hơn nguồn tài chính và công nghệ của phương Tây" - ông Alexei Mukhin, Giám đốc Trung tâm Thông tin chính trị (Nga), cho biết. Có những phỏng đoán rằng cựu Bộ trưởng Tài chính Nga Alexei Kudrin sẽ trở lại để đảm nhận nhiệm vụ thúc đẩy quan hệ kinh tế với châu Âu và Mỹ.

Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel dự kiến trở thành nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên đến Nga (ngày 18-5) khi ông Putin bắt đầu nhiệm kỳ mới. Theo trang Asia Times, bà Merkel có lẽ biết ông Putin rõ hơn bất kỳ nhà lãnh đạo phương Tây nào hiện nay nên có thể đóng vai trò hàng đầu trong nỗ lực thu hẹp khoảng cách giữa hai bên. Thông tin tốt là châu Âu đang ngày càng nhận ra rằng việc cô lập Nga hoàn toàn không phát huy tác dụng. Dù vậy, thách thức hàng đầu hiện nay là "hội chứng sợ Nga" đang thắng thế trong chính trường Mỹ.

Theo Hoàng Phương

Người lao động