1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Phương Tây loay hoay "giải mã" ý định của Tổng thống Putin

Đức Hoàng

(Dân trí) - Dù đang áp lệnh trừng phạt chưa từng có tiền lệ lên Nga, nhưng các lãnh đạo phương Tây vẫn còn một câu hỏi lớn: Liệu các biện pháp mạnh như vậy có đủ răn đe Nga?

Phương Tây loay hoay giải mã ý định của Tổng thống Putin - 1

Tổng thống Nga Vladimir Putin thể hiện lập trường rất kiên quyết khi mở chiến dịch quân sự ở Ukraine (Ảnh: AFP).

Theo AP, giới quan sát chính trị nhận định rằng, dù phương Tây trong thời gian qua đã áp các lệnh từng phạt với tốc độ nhanh chóng và mạnh chưa từng có lên Nga, nhưng lãnh đạo các nước này dường như vẫn đang băn khoăn về hiệu quả của các biện pháp với quyết tâm của Nga.

Chỉ trong vài ngày sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine hôm 24/2, phương Tây tung hàng loạt biện pháp gây áp lực dồn dập cho Nga. Theo Bloomberg, chỉ 2 tuần sau khi mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, Nga đã vượt Iran, Triều Tiên trở thành quốc gia bị nhận nhiều lệnh trừng phạt nhiều nhất thế giới. Peter Piatetsky, một cựu quan chức Bộ Tài chính Mỹ, so sánh áp lực dồn lên Nga "giống như một cuộc chiến hạt nhân trong lĩnh vực tài chính".

Điện Kremlin cũng công khai thừa nhận nền kinh tế Nga chịu cú "sốc", nhưng Tổng thống Nga Vladimir Putin tin rằng Moscow sẽ sớm trỗi dậy và mạnh mẽ hơn.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov ngày 10/3 nói rằng, Nga sẽ nỗ lực từ bỏ sự phụ thuộc vào phương Tây trong những lĩnh vực quan trọng đối với người dân và tự tìm cách khắc phục các vấn đề trong nền kinh tế do các lệnh trừng phạt của phương Tây gây ra.

Lập trường kiên quyết của Nga cũng như ông Putin trước những áp lực đang đè nặng khiến các lãnh đạo phương Tây đặt ra câu hỏi rằng, họ cần phải làm thêm gì khiến Nga "chùn bước" hoặc đổi ý để có thể dừng chiến sự.

Các chuyên gia cho rằng, không ai biết được rõ Tổng thống Putin đang tính toán những gì và phương Tây cũng chưa thể biết chắc chắn rằng liệu những biện pháp trừng phạt của họ liệu có làm xoay chuyển quyết tâm của ông Putin hay không.

Các lệnh trừng phạt Nga và biện pháp hỗ trợ quân sự cho Ukraine của phương Tây có thể làm chậm đà tiến của phía Moscow. Chúng cũng có thể được xem là lời cảnh báo của phương Tây tới các cường quốc đối thủ về chính sách với các nước láng giềng nhỏ bé bên cạnh. Nhưng liệu phương Tây sẽ phải làm gì nữa để kết thúc cuộc chiến vẫn còn là một câu hỏi mơ hồ.

Giáo sư chính trị quốc tế tại Đại học Dartmouth (Mỹ) William Wohlforth cho rằng, nguyên nhân sâu xa dẫn tới sự quyết đoán của Nga chính là vì họ muốn tạo ra sự cân bằng mới trong trật tự toàn cầu hậu Chiến tranh Lạnh mà phương Tây đã định hình trong hàng chục năm qua. Vì vậy, chiến dịch quân sự này mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng với Nga nên họ không dễ dàng "lung lay" trước áp lực.

Theo AP, giới quan sát cho rằng, dù các quan chức NATO không công khai thừa nhận, nhưng dường như họ chưa nhìn thấy được "điểm giới hạn" của Tổng thống Putin - ám chỉ những yếu tố mà khi tác động vào có thể làm lãnh đạo Nga thay đổi hướng đi hiện tại.

Tổng thống Mỹ Joe Biden từng tuyên bố: "Ukraine sẽ không bao giờ là chiến thắng cho ông Putin", nhưng các chuyên gia cho rằng Ukraine cũng có thể không phải là một thất bại của Nga.

Thứ trưởng Ngoại giao về Các vấn đề Chính trị Mỹ Victoria Nuland hồi đầu tuần cho rằng, các áp lực từ bên trong nước Nga có thể sẽ có hiệu quả với ông Putin hơn là các áp lực từ bên ngoài. Bà cho rằng, chiến dịch ở Ukraine sẽ kết thúc khi ông Putin nhận lấy những áp lực dồn dập từ các quan chức dưới quyền, nhân vật thân cận và người dân Nga.

Trên thực tế, giới quan sát cho rằng, phương Tây dù hỗ trợ quân sự cho Ukraine nhưng sự chênh lệch giữa Kiev với Moscow rất đáng kể. Mặt khác, khối NATO lại không muốn đẩy mình vào rủi ro xung đột quân sự với Nga nên đã quyết định không tham chiến tại Ukraine. Điều này khiến phương Tây càng khó hơn trong việc hành động để Nga phải chấm dứt chiến dịch quân sự.

Thêm vào đó, các giải pháp về ngoại giao tới nay vẫn chưa cho kết quả tích cực. Nga thể hiện lập trường rất cứng rắn và các nỗ lực tiếp cận của Pháp, Israel, Thổ Nhĩ Kỳ tới nay vẫn chưa làm Nga xoay chuyển.

"Không ai biết cuộc chiến khi nào mới kết thúc. Cho tới khi người Nga sẵn sàng đàm phán, các bên khó có thể làm gì thêm", Jeff Rathke, một chuyên gia châu Âu tại Đại học Johns Hopkins (Mỹ), nhận định.

Ông khuyến nghị Mỹ cùng châu Âu cần phải tìm ra giải pháp đàm phán với Nga vì các lệnh trừng phạt mà phương Tây áp lên Nga cũng đang khiến chính họ bị tổn thương. Ông Rathke dự đoán rằng, kết cục cuối cùng của cuộc chiến sẽ do Ukraine quyết định, ám chỉ việc Kiev có thể phải nhượng bộ các yêu cầu từ Moscow.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng từng thừa nhận những giới hạn nhất định của phương Tây trong việc gây áp lực buộc Nga dừng cuộc chiến.

Phép thử cho "pháo đài" kinh tế của Nga

Các lệnh trừng phạt của Mỹ và châu Âu đang gây tác động nghiêm trọng tới nền kinh tế Nga. Đồng rúp nội tệ tụt giá, các doanh nghiệp nước ngoài lần lượt tuyên bố rời đi, giá cả leo thang, tình trạng khan hiếm hàng hóa có thể xuất hiện.

Sự tham gia sâu rộng của chính phủ Nga vào nền kinh tế, cũng như số tiền họ vẫn kiếm được từ xuất khẩu dầu và khí đốt - ngay cả khi có lệnh cấm từ Mỹ cùng với Anh - sẽ giúp giảm nhẹ tác động của lệnh trừng phạt với người dân. Các nhà kinh tế cũng lấy ví dụ về Iran, một nền kinh tế nhỏ hơn Nga, đã phải chịu rất nhiều lệnh trừng phạt trong nhiều năm qua vì chương trình hạt nhân. Tuy nhiên, nền kinh tế Iran tới nay vẫn không thể sụp đổ hoàn toàn.

Ngoài những "tổn thương" ngắn hạn, kinh tế Nga dường như sẽ đối mặt với sự đi xuống trong dài hạn. Tuy nhiên, các nhà kinh tế học nói với AP rằng, kịch bản nền kinh tế Nga "không thể gượng dậy" trở lại dường như không có khả năng xảy ra. Richard Connolly, một chuyên gia về nền kinh tế Nga tại Viện Royal United Services (Anh), nhận định Nga đã chuẩn bị nền kinh tế của họ trước cuộc xung đột.

Người dân Nga sẽ cảm thấy áp lực từ các lệnh trừng phạt khi đồng rúp bị mất giá và lạm phát bắt đầu tăng cao. Mặc dù các lệnh trừng phạt đã đóng băng một phần lớn dự trữ ngoại tệ của Nga, nhưng tình hình tài chính của nước này đang ở tình trạng tốt với nợ thấp. Khi chính phủ cần đi vay, chủ nợ của chính phủ Nga chủ yếu là các ngân hàng trong nước, chứ không phải các nhà đầu tư nước ngoài. Nga đã công bố hỗ trợ trong tuần này cho các công ty lớn được coi là quan trọng đối với nền kinh tế.

Giới chuyên gia đánh giá, Nga đã xây dựng "pháo đài" kinh tế trong gần 8 năm qua sau khi quan hệ với phương Tây xấu đi vì sự kiện sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014. "Pháo đài" này sẽ giúp Nga chống đỡ trước áp lực, nhưng nó không phải là "chìa khóa vạn năng". Kinh tế Nga chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Về mặt dài hạn, họ vẫn sẽ gặp khó khăn trong việc đa dạng hóa nền kinh tế khỏi các lĩnh vực xương sống là dầu mỏ và khí đốt.

Mặc dù vậy, dù các hoạt động thương mại sụt giảm và hàng hóa trở nên ít đa dạng, việc đồng rúp giảm giá trị sẽ giúp Nga kiếm được nhiều tiền hơn từ dầu mỏ, vì mặt hàng này được bán theo USD. Với mức giá dầu cao vọt gần đây, ông Connolly ước tính Nga đang nhận được gấp 2,7 lần lượng rúp từ dầu so với năm 2019, số tiền đủ để họ có thể trả lương và lương hưu.

Trong khi Mỹ và Anh tuyên bố sẽ cấm dầu nhập từ Nga thì châu Âu - bên phụ thuộc vào nguồn cung của Moscow - tỏ ra chần chừ với phương án này. Chính vì vậy, theo ông Connolly, dù các lệnh trừng phạt là không dễ dàng cho nền kinh tế Nga, nhưng Moscow vẫn có các nguồn lực để xử lý những vấn đề phát sinh.

Theo AP, Bloomberg, New York Times

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm