1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Tổng thống Hàn Quốc nói điều khoản thiết quân luật bị "sao chép nhầm"

Đức Hoàng

(Dân trí) - Đội ngũ của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol nói rằng cựu Bộ trưởng Quốc phòng Kim Yong-hyun đã sao chép nhầm một điều khoản quan trọng trong sắc lệnh thiết quân luật vào tháng trước.

Tổng thống Hàn Quốc nói điều khoản thiết quân luật bị sao chép nhầm - 1

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol phát biểu ban bố thiết quân luật vào ngày 3/12/2024 (Ảnh: Reuters).

Người đại diện pháp lý của cựu Bộ trưởng Quốc phòng Kim Yong-hyun, hiện bị xét xử với cáo buộc tham gia kế hoạch nổi loạn, đã bác bỏ tuyên bố của phía Tổng thống Yoon rằng ông đã mắc sai lầm khi sao chép các lệnh ban hành thiết quân luật khẩn cấp vào ngày 3/12/2024.

Luật sư của ông Kim, ông Lee Ha-sang, ngày 16/1 cho biết: "Không có sai sót nào khi soạn thảo sắc lệnh thiết quân luật". Ông khẳng định mục đích của sắc lệnh là để "cấm các hoạt động chính trị trong tình huống Quốc hội bị vô hiệu hóa và các công việc của đất nước bị tê liệt".

"Bản thân Bộ trưởng Kim đã viết bản dự thảo đầu tiên và Tổng thống Yoon, đương nhiên, đã xem xét toàn bộ nội dung... Họ soạn thảo với mục đích cấm các hoạt động chính trị, vì các lực lượng liên quan đến gian lận bầu cử đã kiểm soát Quốc hội thông qua các hoạt động chính trị, và sắc lệnh là hợp lý", ông nói.

Tổng thống Yoon trong bài phát biểu công khai ngày 3/12 tuyên bố "các lực lượng phản quốc" đe dọa lật đổ nhà nước, đồng thời đặt nghi vấn về tính minh bạch của cuộc bầu cử quốc hội mà đảng của ông đã thua. Tuy nhiên, ông không có bằng chứng cụ thể cho nhận định này.

Các công tố viên cho rằng sắc lệnh thiết quân luật của ông Yoon chứa đựng những điều khoản bất hợp pháp và vi hiến, đặc biệt là điều khoản cấm mọi hình thức hoạt động chính trị, bao gồm cả hoạt động của Quốc hội.

Theo Hiến pháp Hàn Quốc, tổng thống không có cơ sở pháp lý nào để cấm Quốc hội hoạt động, và lệnh cấm này mâu thuẫn với Điều 77 của Hiến pháp, quy định tổng thống phải hủy bỏ thiết quân luật khi Quốc hội bỏ phiếu yêu cầu.

Trong bản tuyên bố gửi Tòa án Hiến pháp, bên đang xử lý vụ luận tội Tổng thống Yoon, các luật sư của ông khẳng định điều khoản gây tranh cãi đầu tiên đã được cựu Bộ trưởng Kim sao chép trực tiếp từ các sắc lệnh thiết quân luật trong quá khứ, thời điểm mà tổng thống có quyền giải tán Quốc hội. Họ cũng nói ông Yoon đã "bỏ qua" điều khoản bị viết sai này.

Luật sư của tổng thống giải thích: "Ông Yoon không cố gắng cấm toàn bộ hoạt động chính trị của Quốc hội, mà chỉ nhằm ngăn chặn các hoạt động phản quốc trong thời kỳ thiết quân luật".

Tuy nhiên, trái ngược với tuyên bố từ các luật sư của Tổng thống, không có sắc lệnh thiết quân luật nào trong lịch sử Hàn Quốc từng áp dụng lệnh cấm cụ thể đối với Quốc hội.

Trong thời kỳ các nhà lãnh đạo Park Chung-hee và Chun Doo-hwan, tổng thống từng có quyền hiến định để giải tán Quốc hội trước khi điều khoản này bị xóa bỏ trong sửa đổi hiến pháp năm 1987.

Trong lịch sử, chỉ có hai trường hợp sắc lệnh thiết quân luật đề cập đến việc cấm hoạt động chính trị: một vào năm 1972 và một vào năm 1980.

Tháng 10/1972, sắc lệnh thiết quân luật của Tổng thống Park cho biết sẽ áp đặt "lệnh cấm mọi hoạt động chính trị và tất cả các cuộc biểu tình hoặc tụ họp có mục đích chính trị".

Tháng 5/1980, trong giai đoạn Tổng thống Chun lên nắm quyền, sắc lệnh cũng đưa ra lệnh cấm tương tự đối với các hoạt động chính trị và biểu tình.

Tuy nhiên, cả hai sắc lệnh này đều không đề cập đến việc cấm hoạt động của Quốc hội. Điều này đặt ra câu hỏi về khẳng định của Tổng thống Yoon về điều khoản gây tranh cãi được sao chép từ các sắc lệnh trong quá khứ.

Theo Korea Herald