Lý do cảnh sát Hàn Quốc gặp nhiều khó khăn khi bắt giữ Tổng thống Yoon
(Dân trí) - Khác với nhiều quốc gia khác, cơ quan bảo vệ tổng thống Hàn Quốc chịu sự kiểm soát trực tiếp của tổng thống. Đây là yếu tố giúp tạo nên sự trung thành của lực lượng này.
Hôm 3/1, khi lực lượng chức năng Hàn Quốc tới bắt giữ Tổng thống Yoon Suk-yeol - người đang bị điều tra sau tuyên bố thiết quân luật một tháng trước đó - họ đã không thể hoàn thành nhiệm vụ trước sự ngăn cản của các nhân viên Cơ quan An ninh Tổng thống (PSS).
Bất chấp lệnh bắt ông Yoon đã được tòa án phê duyệt, PSS vẫn không tuân thủ mà giữ lòng trung thành với tổng thống. Chính điều này đã khiến cảnh sát vẫn không thể bắt giữ ông Yoon sau nhiều cố gắng.
Nguồn gốc của sự trung thành
Sự trung thành của PSS với ông Yoon đến từ vấn đề hệ thống. Khác với nhiều quốc gia khác, PSS nằm dưới quyền kiểm soát trực tiếp của tổng thống.
Trong khi đó, Mật vụ Mỹ trực thuộc Bộ An ninh Nội địa. Tại Anh, cảnh sát London và nhiều lực lượng khác đảm trách nhiệm vụ bảo vệ thủ tướng. Tại Pháp, Bộ Nội vụ bảo đảm an ninh cho tổng thống thông qua cơ quan phụ trách. Sự phân tách này nhằm mục đích ngăn các lực lượng này bị chính trị hóa hoặc quá phụ thuộc vào cá nhân tổng thống.
Nguyên nhân có thể đến từ nguồn gốc của PSS - vốn được hình thành dưới thời chính quyền quân sự. Được thành lập năm 1963 dưới thời cựu Tổng thống Park Chung-hee, PSS từng là một trong những cơ quan quyền lực nhất tại Seoul, là chỗ dựa giúp ông Park thoát khỏi các vụ ám sát.
Giống Mật vụ Mỹ, PSS có nhiệm vụ bảo vệ tổng thống, các cựu tổng thống, tổng thống đắc cử và các nguyên thủ quốc gia nước ngoài tới thăm Hàn Quốc.
Khi nền chính trị Hàn Quốc thoát khỏi nền độc tài quân sự, vai trò của PSS dần mờ nhạt hơn. Tuy nhiên, quan hệ lãnh đạo trực tiếp giữa tổng thống và cơ quan này vẫn được duy trì.
Cũng vì lý do đó, quyền lực và tầm ảnh hưởng của PSS hoàn toàn phụ thuộc vào tổng thống. Từ khi nhậm chức, ông Yoon đã tìm cách tăng cường quyền lực của lực lượng này.
Hồi năm 2022, ông từng cố gắng sửa đổi luật để cho phép PSS kiểm soát các lực lượng cảnh sát và an ninh quân đội đóng quanh dinh thự tổng thống. Trước phản ứng của công chúng, kế hoạch này đã bị hủy bỏ. Nếu thành công, kế hoạch sẽ đưa khoảng 2.300 cảnh sát và binh sĩ có vũ trang dưới quyền kiểm soát của ông Yoon và PSS.
Chính quyền của ông Yoon cũng tăng ngân sách của PSS khoảng 43%, lên mức khoảng 100 triệu USD. PSS cũng tuyển dụng thêm 60 nhân viên. Ngân sách cho hoạt động điều tra và tình báo của PSS cũng tăng hơn 20%.
Tháng 10/2024, chính phủ Hàn Quốc tiết lộ ý định sửa đổi luật để trao quyền kiểm tra nhân thân cho người đứng đầu PSS. Đây là quyền tương đối nhạy cảm và vốn chỉ dành cho giám đốc tình báo quốc gia, lãnh đạo cơ quan cảnh sát và Bộ trưởng Quốc phòng.
Phe phản đối lo ngại thay đổi này sẽ giúp tổng thống nhúng tay vào vấn đề nhân sự mà không tham khảo các cơ quan hữu quan. Kế hoạch sau đó cũng bị hủy bỏ.
Ông Yoon cũng tìm cách kiểm soát PSS về nhân sự. Ngay sau khi nhậm chức, ông bổ nhiệm ông Kim Yong-hyun - một trong những đồng minh thân cận nhất - là lãnh đạo PSS.
Ông Kim sau đó được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Quốc phòng. Tuy vậy, ông vẫn kịp để lại dấu ấn tại PSS: Hồi năm 2022, ông sắp xếp để lữ đoàn an ninh số 55 thuộc Bộ Tư lệnh Phòng vệ Thủ đô thay thế cảnh sát bảo vệ vòng ngoài dinh thự tổng thống. Chính lực lượng này đã cùng PSS ngăn chặn các nhân viên cảnh sát tới bắt giữ ông Yoon hôm 3/1.
Áp lực bủa vây
Để bảo vệ hành động của mình, PSS viện dẫn hai đạo luật. Đầu tiên, Đạo luật An ninh Tổng thống quy định rõ nhiệm vụ bảo vệ tổng thống của PSS. Bên cạnh đó, đạo luật về tố tụng hình sự của Hàn Quốc quy định việc khám xét các địa điểm chứa thông tin quân sự bí mật cần được người phụ trách cho phép. Trong trường hợp này, người phụ trách có thể là ông Yoon hoặc lãnh đạo PSS.
"Tôi tin rằng nếu tuân thủ lệnh bắt giữ, PSS sẽ đi chệch khỏi nhiệm vụ của mình, nhất là trong khi vẫn còn tranh luận về tính hợp pháp của lệnh bắt giữ đó", lãnh đạo PSS Park Jong-joon ra tuyên bố, theo Korea Times. "Nếu quyết định của tôi là sai lầm, tôi sẽ chấp nhận trách nhiệm về pháp lý".
Cảnh sát Hàn Quốc đã phát lệnh triệu tập ông Park với cáo buộc cản trở thi hành công vụ. Ông Park đã phớt lờ lệnh này trong nhiều ngày, trước khi bị bắt hôm 15/1.
PSS bao gồm hàng trăm cận vệ và sĩ quan chống khủng bố chuyên nghiệp. Ngoài chức năng cận vệ, PSS có cả chức năng tình báo và bảo đàm an ninh nói chung.
"PSS đã tự biến mình thành đội quân riêng của ông Yoon Suk-yeol", ông Jung Ji Ung, chủ tịch liên đoàn luật sư tỉnh Gyeonggi, nói với New York Times, tuyên bố lực lượng này "đã tự đặt mình lên trên hệ thống tư pháp".
Phe đối lập Hàn Quốc đã bày tỏ mong muốn chấm dứt hoạt động của PSS. Hôm 7/1, nghị sĩ Hwang Myeong-seon thuộc đảng Dân chủ đối lập đề xuất dự luật có tên "Đạo luật Bãi bỏ Cơ quan An ninh Tổng thống". Theo dự luật này, PSS sẽ thay thế bởi một cơ quan trực thuộc lực lượng cảnh sát quốc gia.
Trước đó một ngày, nghị sĩ Min Hyung-bae - cũng thuộc đảng Dân chủ - đề xuất dự luật sửa đổi Đạo luật An ninh Tổng thống. Ông Min gọi PSS là "di sản của nền độc tài quân sự Park Chung Hee và kêu gọi bãi bỏ PSS nhằm tránh "lạm dụng quyền lực và chủ nghĩa thân hữu".
Đảng Canh tân Tổ quốc (RKP) bày tỏ quan ngại PSS có thể lạm dụng quyền lực và trở thành quân đội riêng của tổng thống. "PSS đã vượt ra khỏi tầm kiểm soát. Để cải thiện tình hình, chúng ta cần bãi bỏ PSS", ông Shin Jang-sik, nghị sĩ đảng RKP, tuyên bố.
Ngày 15/1, các nhà điều tra thuộc Văn phòng Điều tra Tham nhũng Quan chức cấp cao Hàn Quốc (CIO) và khoảng 3.000 cảnh sát đã đến bên ngoài dinh thự của ông Yoon vào lúc sáng sớm cùng ngày để thực thi lệnh bắt giữ lần hai.
Sau nhiều giờ đối đầu giữa cảnh sát và lực lượng an ninh tổng thống, cuối cùng ông Yoon đã đồng ý ra trình diện cơ quan điều tra. Ông bị bắt giữ và được áp tải bằng ô tô tới văn phòng của CIO vào trưa ngày 15/1 giờ địa phương.