1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Ai đang điều tra, ai đang bảo vệ Tổng thống Hàn Quốc?

Thanh Thành

(Dân trí) - Việc buộc tội một tổng thống đương nhiệm nếu có hành vi sai trái không phải là nhiệm vụ đơn giản, nhưng tại Hàn Quốc, điều này có thể còn khó khăn hơn vì có nhiều cơ quan thực thi pháp luật tham gia.

Ai đang điều tra, ai đang bảo vệ Tổng thống Hàn Quốc? - 1

Tổng thống Yoon Suk-yeol ngồi trên xe khi bị bắt giữ ngày 15/1 (Ảnh: Reuters).

Tổng thống Yoon Suk-yeol đã "gia nhập hàng ngũ" các tổng thống Hàn Quốc bị Quốc hội luận tội, hậu quả của quyết định ban bố thiết quân luật bất thành hồi đầu tháng 12/2024.

Vào sáng 15/1, các công tố viên của Văn phòng Điều tra Tham nhũng với Quan chức cấp cao (CIO), với sự hỗ trợ của khoảng 3.000 cảnh sát và nhân viên Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, đã thực thi lệnh bắt giữ lần hai đối với Tổng thống Yoon.

Sau khi nhóm điều tra chung - bao gồm cảnh sát, Bộ Quốc phòng và các công tố viên từ CIO thực hiện lệnh bắt giữ, ông Yoon trở thành tổng thống đương nhiệm đầu tiên trong lịch sử Hàn Quốc bị bắt giữ.

Ông Yoon đã bị đình chỉ chức vụ và ẩn náu tại dinh thự của mình, nhưng về mặt kỹ thuật, ông vẫn đang là Tổng thống đương nhiệm của Hàn Quốc. Vì vậy các nhà điều tra hiện phải đàm phán về một việc chưa từng có, và các cơ quan đang điều tra có nguy cơ kéo dài tình trạng hỗn loạn chính trị của đất nước nếu họ không tìm ra cách hợp tác cùng nhau trong vụ việc này. Và sau đó là còn có cơ quan có nghĩa vụ bảo vệ tổng thống.

Việc buộc tội một tổng thống đương nhiệm có hành vi sai trái không phải là nhiệm vụ đơn giản, nhưng tại Hàn Quốc, điều này có thể còn khó khăn hơn vì có quá nhiều cơ quan thực thi pháp luật tham gia.

Cơ quan chính điều tra Tổng thống Yoon là CIO. Đây là cơ quan duy nhất cấp lệnh bắt giữ tổng thống và là cơ quan dẫn đầu các nỗ lực bắt giữ này.

Hai cơ quan thực thi pháp luật khác cũng đã mở các vụ án hình sự chống lại ông Yoon về tội nổi loạn: Văn phòng công tố viên nhà nước, và cơ quan cảnh sát. Trong một thời gian, 3 cơ quan này đồng thời làm việc riêng rẽ về các vụ án khác nhau.

Và sau khi ngồi vào bàn cùng đàm phán, các cơ quan này đã nhất trí CIO sẽ chỉ đạo cuộc điều tra Tổng thống Yoon với sự trợ giúp của các điều tra viên cảnh sát và quân đội, trong khi văn phòng công tố viên sẽ xử lý các vụ án đối với hầu hết các cộng sự của ông Yoon.

Nhưng trong số tất cả các cơ quan tham gia, CIO là cơ quan mới nhất và đây cũng là cơ quan nhỏ nhất. CIO mới được thành lập cách đây chỉ 4 năm để chống tham nhũng trong quan chức cấp cao và đánh giá quyền lực của các công tố viên nhà nước.

Ai đang điều tra, ai đang bảo vệ Tổng thống Hàn Quốc? - 2

Cảnh sát và điều tra viên của CIO tập trung trước lối vào dinh thự chính thức của Tổng thống Yoon khi tìm cách thực hiện lệnh bắt giữ vào sáng 15/1 (Ảnh: Reuters).

Các công tố viên từ lâu đã không được người dân Hàn Quốc ủng hộ, và bị coi là công cụ mà các tổng thống sử dụng để đạt được lợi ích chính trị của riêng họ.

Việc thành lập CIO là một phần của nỗ lực cải cách kéo dài nhiều năm ở nước này. Nhưng sự phản đối mạnh mẽ trong Quốc hội về việc thành lập CIO đã hạn chế quyền hạn của cơ quan mới này. CIO cũng có ít nhân viên.

Vì vậy, nỗ lực bất thành của CIO trong lần đầu tiên bắt giữ Tổng thống Yoon vào đầu tháng này lại càng cho thấy sự thiếu kinh nghiệm của cơ quan này và đặt ra câu hỏi về khả năng xử lý một nhiệm vụ quan trọng như vậy của CIO.

Những điểm yếu về mặt cấu trúc của CIO cũng có thể là một gánh nặng. Các luật sư của Tổng thống Yoon cho biết nhiệm vụ của CIO không bao gồm quyền điều tra một tổng thống đương nhiệm về các cáo buộc nổi loạn.

Ngoài ra, CIO cũng không có quyền truy tố Tổng thống Yoon. Sau khi điều tra, CIO phải chuyển vụ án cho văn phòng công tố, vẫn là cơ quan duy nhất có quyền truy tố một tổng thống.

Các công tố viên, từng được cho là trung thành với Tổng thống Yoon, đã nhanh chóng hành động chống lại ông sau sắc lệnh thiết quân luật gây tranh cãi. Họ đã truy tố một số cộng sự của ông và trong các tuyên bố đều mô tả Tổng thống Yoon là người đứng đầu.

Tuyến phòng thủ cuối cùng của ông Yoon chống lại các nhà điều tra là Cơ quan An ninh Tổng thống (PSS), vốn có nghĩa vụ pháp lý bảo vệ tổng thống.

Cơ quan này đã tái khẳng định cam kết bảo vệ ông Yoon, nói rằng ông vẫn là nhà lãnh đạo được bầu duy nhất. Họ đã chặn nỗ lực bắt giữ đầu tiên của các nhà điều tra hồi đầu tháng này và đã tuyên bố sẽ làm như vậy một lần nữa nhưng nhiều bất đồng xảy ra khiến đội cận vệ để cảnh sát bắt Tổng thống Yoon.

Thực tế thì các thành viên của PSS là công chức, nhiều người trong số họ đã làm việc dưới thời các tổng thống trước đây và có thể không trung thành chỉ với cá nhân ông Yoon. Cảnh sát đã gây sức ép buộc các thành viên của PSS hợp tác.

Và trong quá trình bắt giữ lần này, các đặc vụ PSS không xuất hiện để dựng "bức tường người" như khi cảnh sát thực thi lệnh bắt lần đầu tiên. Họ cũng không tìm cách ngăn cản các điều tra viên khi lực lượng chấp pháp cắt hàng rào dây thép gai ở lớp phòng thủ thứ nhất. Chỉ vài đặc vụ PSS có mặt tại hiện trường để phụ trách đàm phán với các điều tra viên. Phần lớn nhân viên cận vệ ở lại phòng chờ tại dinh thự hoặc được cho về nghỉ, không có hành động ngăn chặn lệnh bắt.

Sau vụ bắt giữ, Tổng thống Yoon còn phải đối mặt với phiên tòa luận tội tại Tòa án Hiến pháp, nơi sẽ quyết định có nên phục chức cho ông hay chính thức cách chức ông.

Các chuyên gia cho biết quyết định của Tòa án Hiến pháp có thể được đưa ra sớm nhất là vào tháng 2 tới. Tòa án phải đối mặt với áp lực rất lớn của người dân để đưa ra quyết định nhanh chóng nhằm giúp giải quyết tình trạng bế tắc chính trị hiện tại của đất nước.

Cả hai kết quả quyết định từ tòa án đều không ảnh hưởng đến vấn đề của ông Yoon trong các thủ tục tố tụng hình sự và tòa án có thể tiến hành xét xử dù có hay không có sự hiện diện của ông. Nhưng một số người suy đoán rằng các luật sư của Tổng thống Yoon có thể hy vọng nếu tòa án phục chức cho ông, các điều tra viên sẽ khó buộc tội ông hơn.

Theo New York Times