1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Tổng thống Biden ký luật viện trợ gần 61 tỷ USD cho Ukraine

Thành Đạt

(Dân trí) - Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký thông qua gói viện trợ nước ngoài, bao gồm gần 61 tỷ USD cho Ukraine, sau nhiều tháng đàm phán và tranh luận.

Tổng thống Biden ký luật viện trợ gần 61 tỷ USD cho Ukraine - 1

Tổng thống Mỹ Joe Biden (Ảnh: Reuters).

"Tôi vừa ký thông qua gói an ninh quốc gia đã được Hạ viện thông qua vào cuối tuần trước và Thượng viện thông qua vào hôm qua", Tổng thống Joe Biden tuyên bố hôm 24/4.

Tổng thống Biden cho biết Mỹ "đảm bảo các chuyến hàng viện trợ sẽ bắt đầu được chuyển giao ngay lập tức, trong vài giờ tới".

Gói viện trợ trị giá tổng cộng 95 tỷ USD, bao gồm gần 61 tỷ USD viện trợ cho Ukraine, 26 tỷ USD cho Israel và 8 tỷ USD cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Hơn 1/3 gói viện trợ mới cho Ukraine, tương đương 23,2 tỷ USD, dùng để bổ sung vũ khí, hạ tầng, kho bãi; gần 14 tỷ USD cho hoạt động đào tạo, đáp ứng các nhu cầu của quân đội Ukraine, một điểm gần giống với dự luật được Thượng viện Mỹ thông qua hồi tháng 2 với 95 tỷ USD viện trợ cho Ukraine, Israel và các đồng minh khác.

Kiev cũng sẽ nhận được khoảng 10 tỷ USD dưới dạng "các khoản vay có thể miễn hoặc hoãn trả" để hỗ trợ kinh tế và ngân sách Ukraine, trong đó có hỗ trợ cho ngành năng lượng và khôi phục cơ sở hạ tầng.

Ngoài ra, hơn 11 tỷ USD được sử dụng cho các hoạt động quân sự hiện tại của Mỹ trong khu vực. Mặc dù Tổng thống Joe Biden cam kết không triển khai quân ở Ukraine, song Mỹ vẫn đang huấn luyện quân đội Ukraine ở những nơi khác và duy trì sự hiện diện trên khắp châu Âu.

Đạo luật quy định rằng trong vòng 45 ngày kể từ ngày ban hành, các cơ quan liên bang phải đưa ra chiến lược kéo dài trong nhiều năm để tiếp tục hỗ trợ Ukraine đối phó Nga. Điều này đồng nghĩa họ phải thiết lập các mục tiêu cụ thể, dễ dàng đạt được cũng như xác định và ưu tiên các lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ.

Đạo luật này cũng bao gồm việc chuyển giao Hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS), hệ thống tầm xa được Ukraine sử dụng lần đầu tiên để chống lại Nga vào tháng 10/2023. Kiev từ lâu đã kêu gọi các đồng minh, đối tác phương Tây hỗ trợ tăng cường khả năng chiến đấu tầm xa của họ trong cuộc chiến hiện tại.

Việc ký kết gói viện trợ là kết quả của nhiều tháng đàm phán căng thẳng, vận động hành lang cá nhân từ Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và sự chia rẽ trong nội bộ đảng Cộng hòa tại Hạ viện.

Các quan chức Lầu Năm Góc ngày 19/4 cho biết họ đang chuẩn bị sẵn đợt viện trợ đầu tiên và Ukraine sẽ nhận được viện trợ chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Joe Biden ký thành luật.

Đợt viện trợ đầu tiên có thể tập trung cung cấp pháo binh và hệ thống phòng không cần thiết cho Ukraine. Một số loại đạn dược cũng được dự trữ sẵn ở châu Âu và có thể được chuyển đi trong 1-2 tuần.

Người phát ngôn của Lầu Năm Góc Patrick Ryder cho biết Mỹ có mạng lưới hậu cần rất mạnh mẽ cho phép họ vận chuyển trang thiết bị rất nhanh chóng.

Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo sẽ phải mất một thời gian trước khi chiến trường cho thấy sự thay đổi. Trong khi đó, Tổng thống Zelensky cũng nói rằng, Nga có thể đang cố gắng tiến hành một cuộc tấn công vội vã và tiến hành thêm các đợt không kích trong thời gian này để tạo lợi thế cho mình ở mặt trận phía đông.

Theo AFP