Gói viện trợ mới của Mỹ có thể thay đổi cục diện xung đột Ukraine ra sao?
(Dân trí) - Nga dường như đã giành ưu thế trong cuộc chiến ở Ukraine trong năm 2024 khi Kiev Ukraine cạn kiệt đạn dược và hỏa lực. Kiev kỳ vọng gói viện trợ gần 61 tỷ USD của Mỹ có thể thay đổi điều này.
Ukraine đã rất chật vật trước các đợt tấn công của Nga kể từ khi viện trợ quân sự của Mỹ về cơ bản bị đình trệ vào cuối năm ngoái, trong đó, tình trạng thiếu pháo binh ngày càng nghiêm trọng. Quân đội của nước này đã buộc phải rời bỏ thị trấn Avdiivka ở Donbass vào tháng 2 và đang chịu áp lực lớn ở Chasiv Yar.
Lực lượng Nga ngày càng áp đảo Kiev với tỷ lệ hỏa lực vượt trội, tăng từ 5:1 lên 10:1, có nghĩa là pháo binh Ukraine ngày càng không thể ngăn chặn lực lượng Nga trước các cuộc tấn công trên bộ. Tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng đến mức một số xạ thủ Ukraine cho biết họ đã chuyển sang bắn đạn khói để dọa quân Nga vì họ không còn đạn.
Đồng thời, Ukraine thiếu hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa, khiến người dân nước này gặp nhiều nguy hiểm hơn. Nga chuyển sang tấn công mạnh vào các nhà máy điện của Ukraine, đánh sập 2 nhà máy ở khu vực Kharkov vào tháng 3 và một nhà máy khác ở phía nam Kiev vào đầu tháng 4.
Vì vậy, gói viện trợ trị giá 61 tỷ USD đã được Hạ viện Mỹ thông qua và chuẩn bị được biểu quyết ở Thượng viện đang được các bên theo dõi chặt chẽ.
Mỹ đã chuẩn bị trước những gì?
Dự kiến, cuộc bỏ phiếu của Thượng viện sẽ diễn ra vào ngày 23/4. Tất cả các dấu hiệu cho thấy quy trình này sẽ diễn ra nhanh chóng và không giống quy trình quanh co mà dự luật đã thông qua ở Hạ viện. Tổng thống Mỹ Joe Biden thậm chí phát tín hiệu rằng ông sẽ ký dự luật sau khi quốc hội thông qua.
Các quan chức Lầu Năm Góc ngày 19/4 cho biết họ đang chuẩn bị sẵn đợt viện trợ đầu tiên, như vậy, Nhà Trắng sẽ có thể phê duyệt và Ukraine sẽ nhận được viện trợ chỉ trong vài ngày sau khi Thượng viện thông qua dự luật và Tổng thống Joe Biden ký thành luật.
Đợt viện trợ đầu tiên có thể tập trung cung cấp pháo binh và hệ thống phòng khôn cực kỳ cần thiết. Một số loại đạn dược cũng được dự trữ sẵn ở châu Âu và có thể được chuyển đi trong 1-2 tuần.
Phát biểu vào ngày 18/4, người phát ngôn của Lầu Năm Góc Patrick Ryder cho biết Mỹ có mạng lưới logistics rất mạnh mẽ cho phép họ vận chuyển trang thiết bị rất nhanh chóng. "Chúng tôi chắc chắn hiểu và đánh giá cao sự cấp bách và sẵn sàng hành động nhanh chóng."
Số viện trợ quân sự khác có thể sẽ đến trong những tuần tiếp theo.
Gói viện trợ mới cung cấp 60,84 tỷ USD để hỗ trợ Ukraine, bao gồm 13,8 tỷ USD để Ukraine mua vũ khí tiên tiến, 13,4 tỷ USD để bổ sung kho dự trữ của Mỹ, 11 tỷ USD để hỗ trợ các đồng minh của Mỹ trong khu vực và 13,8 tỷ USD khác để mua các hệ thống phòng thủ của Mỹ cho Ukraine.
Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng sẽ phải mất một thời gian trước khi chiến trường cho thấy sự thay đổi. Ben Hodges, cựu chỉ huy quân đội Mỹ ở châu Âu, cho biết "có thể phải mất vài tuần nữa chúng ta mới thấy được những tác động đáng kể của gói viện trợ trên chiến trường".
Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cảnh báo hôm 21/4 rằng, Nga có thể đang cố gắng tiến hành một cuộc tấn công vội vã và tiến hành thêm các đợt không kích trong thời gian này để tạo lợi thế cho mình ở mặt trận phía đông.
Tác động có thể xảy ra với cuộc chiến
Mặc dù Mỹ chuẩn bị số lượng viện trợ quân sự khổng lồ cho Ukraine và chúng chắc chắn sẽ giúp cải thiện vị thế của Kiev trên chiến trường, song vài tuần tới vẫn còn bấp bênh.
Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở báo cáo vào ngày 20/4 rằng bản thân khối lượng hàng hóa khổng lồ được chuyển đến đã là một vấn đề vì mạng lưới logistics của Ukraine không có khả năng phân phối ngay lập tức số lượng lớn vật tư như vậy trên khắp đất nước.
Như vậy, sẽ có một thời gian, khoảng vài tuần, các lực lượng Ukraine cũng như các thành phố của nước này vẫn dễ bị tổn thương trước các cuộc tấn công của Nga. Moscow cũng nhận thức được điều này và ISW dự đoán Nga sẽ tăng cường cả hoạt động trên bộ lẫn tấn công trên không nhằm khai thác độ trễ trước khi Ukraine được tiếp tế đầy đủ.
ISW cho biết: "Bộ chỉ huy quân sự Nga có thể sẽ tăng cường các hoạt động tấn công cũng như các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái, nhằm tạo những tác động đáng kể mà chắc chắn họ sẽ khó đạt được hơn một khi lực lượng của Kiev được cung cấp đầy đủ trang thiết bị".
Mặc dù tin rằng Nga khó có khả năng đạt được bước đột phá đáng kể trên tiền tuyến, song cơ quan này cho biết các lực lượng của Moscow vẫn có thể đạt được những tiến bộ đáng kể trong hoạt động tấn công trong những tuần tới.
Theo ISW, Nga có thể ưu tiên các khu vực có lực lượng phòng thủ của Ukraine có vẻ tương đối bất ổn, chủ yếu là phía tây Avdiivka của tỉnh Donetsk, hoặc các khu vực nằm trong tầm với của một mục tiêu quan trọng, chẳng hạn như gần Chasiv Yar.
ISW dự đoán, các lực lượng Nga sẽ tiếp tục tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine để buộc Ukraine phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nhân đạo.
Theo một số ước tính và sự thay đổi trên chiến trường, Nga cũng đang tăng chi tiêu quốc phòng lên tới 7,5% GDP.
Moscow ngày càng sử dụng nhiều loại bom lượn phóng từ trên không thô sơ nhưng nguy hiểm để tàn phá tiền tuyến, từ những khoảng cách mà Kiev không thể chống trả. Binh sĩ Ukraine cũng báo cáo rằng ngày càng có nhiều máy bay không người lái được sử dụng để chống lại họ. Nga cũng có lợi thế về nhân lực trên chiến trường và có thể khai thác lợi thế này cùng với vũ khí hạng nặng.
ISW cho rằng mặc dù không thể dự đoán chắc chắn, nhưng dòng viện trợ quân sự của Mỹ sẽ giúp Ukraine giữ vững tiền tuyến và đẩy lùi một cuộc tấn công lớn của Nga dự kiến vào tháng 6.
Tuy nhiên, về lâu dài, phần lớn cục diện sẽ phụ thuộc vào viện trợ thêm từ các đồng minh của Ukraine cũng như khả năng của Nga trong việc huy động dân số và lĩnh vực công nghiệp để tiếp tục hỗ trợ chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Các chuyên gia cũng không kỳ vọng Ukraine sẽ xoay chuyển được thế trận trên chiến trường trong năm 2024.
"Điểm mấu chốt là nguồn tài trợ này có lẽ chỉ có thể giúp ổn định vị thế của Ukraine trong năm nay và bắt đầu chuẩn bị cho các hoạt động vào năm 2025", Matthew Savill thuộc tổ chức nghiên cứu quân sự Rusi cho biết.
Theo một số chuyên gia, để có thể giúp Ukraine tạo được bước tiến đáng kể trên chiến trường, không chỉ Mỹ, châu Âu cần tăng cường viện trợ.
Trong khi đó, ông Hodges cho rằng, 2024 có lẽ là "năm cạnh tranh công nghiệp", khi cả hai bên đều cố gắng tích lũy nguồn lực nhằm tung ra đòn quyết định vào năm tới.