Tổng thống Afghanistan tháo chạy chỉ kịp xỏ dép, mang quần áo
(Dân trí) - Một cựu quan chức cấp cao Afghanistan đã kể lại chi tiết cuộc đào thoát vội vã của Tổng thống Ashraf Ghani cuối tuần trước khi Taliban bao vây thủ đô Kabul từ mọi phía.
Tổng thống rời đi vội vã
Truyền thông Mỹ dẫn thông tin từ một quan chức cấp cao của chính phủ cũ của Afghanistan cho biết, ông Ghani hoàn toàn bị động khi Taliban bao vây Kabul từ mọi hướng vào hôm 15/8. Ông Ghani đã bỏ trốn trong vội vã.
"Ông ấy đến Termez ở Uzbekistan, nghỉ lại qua đêm, sau đó đến Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE), không mang theo tiền. Nói chung, ông ấy chỉ với rời đi chỉ với duy nhất bộ quần áo đang mặc", quan chức trên cho biết.
Hôm 18/8, ông Ghani cũng đăng một video trên tài khoản Facebook xác nhận đang ở UAE và tìm cách trở lại đất nước để "mang lại công lý cho người dân Afghanistan". Ông cũng bác bỏ những cáo buộc cho rằng ông chạy ra nước ngoài với số tiền mặt lớn. Ông cho biết, ông đã rời đi với hai bàn tay trắng.
"Đừng tin bất cứ ai nói với các bạn rằng, tổng thống đã bán đứng các bạn, đã bỏ trốn vì lợi ích riêng và để bảo toàn mạng sống của mình. Những cáo buộc đó là vô căn cứ… Tôi kịch liệt bác bỏ chúng. Tôi đã phải rời Afghanistan khi mà tôi thậm chí không thể đi giày, chỉ kịp xỏ dép", ông nói.
Ông Ghani một lần nữa nhấn mạnh, ông đã quyết định rời Afghanistan bởi vì muốn ngăn có thêm đổ máu và tránh một "thảm họa lớn" sau khi Taliban phá vỡ cam kết không tiến vào Kabul.
Kabul "thất thủ" quá nhanh
Quan chức giấu tên cho biết: "Vài ngày trước khi Taliban tiến về Kabul, chúng tôi đã thảo luận với phía Mỹ về việc chuyển giao quyền lực hòa bình và để Tổng thống Ghani từ chức. Đàm phán vẫn đang diễn ra thì Taliban tiến vào Kabul từ mọi hướng... Suốt một năm qua, chúng tôi đã nắm được thông tin tình báo rằng, Tổng thống sẽ bị giết nếu Taliban giành quyền kiểm soát", cựu quan chức giấu tên trên nói.
Theo quan chức này, những ngày trước khi Kabul thất thủ, những người trong dinh tổng thống cho rằng Kabul vẫn an toàn vì có thành trì Kandahar - thành phố lớn thứ hai Afghanistan. Ông nói: "Chúng tôi nghĩ là Kandahar có đủ lực lượng cùng với các lực lượng địa phương và lực lượng được điều động từ Khost, và chúng tôi cho rằng họ có thể giữ vững thành trì Kandahar giống như ở tỉnh Helmand".
Đến khi Kandahar thất thủ hôm 13/8, giới chức Afghanistan biết chắc chắn rằng Kabul sẽ không thể cầm cự được, nhưng không nghĩ Kabul cuối cùng lại thất thủ quá nhanh, vượt ngoài dự tính. "Trước khi Kandahar thất thủ, chúng tôi đã vạch ra một chiến lược nhằm củng cố lực lượng với sự hỗ trợ của Mỹ. Tuy nhiên, tốc độ sụp đổ quá nhanh chóng vượt ngoài mọi tưởng tượng, khiến kế hoạch củng cố lực lượng bất thành", quan chức trên nói.
Theo ông, một lý do khác khiến Kabul sụp đổ nhanh chóng là tuyên bố của Tổng thống Mỹ Joe Biden về việc rút nốt lực lượng. Cụ thể, quá trình rút quân này bắt đầu từ tháng 5 năm nay và dự kiến hoàn tất vào cuối tháng 8 này.
"Chúng tôi, chính phủ Afghanistan và các đối tác quốc tế, đã coi nhẹ tác động của việc Mỹ rút quân đến nhuệ khí của các binh sĩ cũng như những thách thức hậu cần nhằm cung cấp trang thiết bị và nhu yếu phẩm cho họ. Chúng tôi cho rằng, phía Mỹ đã dự đoán được chúng tôi cần ít nhất đến giữa tháng 9 để có thể đạt được một thỏa thuận chính trị và củng cố lực lượng", quan chức Afghanistan nói.
Hỗn loạn ở Kabul
Do vậy, theo ông, đây là thất bại của giới lãnh đạo, không phải do những người lính. "Họ (binh sĩ Afghanistan) đã chiến đấu quả cảm đến cuối cùng", ông nhấn mạnh.
Quan chức này cho biết thêm, vào sáng 15/8, Phó Tổng thống Amrullah Saleh đã di chuyển về Thung lũng Panjshir - nơi còn lại duy nhất không bị Taliban kiểm soát trong đợt tiến công vừa qua.
"Nhiều người khác cũng tháo chạy khỏi dinh tổng thống không lâu sau khi có những tiếng súng nổ bên ngoài dinh tổng thống. Người đi đường hoảng loạn, nhiều nhân viên an ninh bỏ chốt. Mục tiêu lúc đó của chúng tôi là cứu lấy thành phố và người dân khỏi cảnh giao tranh trên đường phố", quan chức Afghanistan nói.
Taliban khởi động chiến dịch tiến công mở rộng quyền kiểm soát lãnh thổ Afghanistan từ tháng 5 khi Mỹ và các đồng minh bắt đầu rút quân khỏi đây. Tuy nhiên, đà tiến công chỉ tăng tốc từ đầu tháng này. Sau 11 ngày, Taliban đã kiểm soát hầu hết lãnh thổ Afghanistan, chiếm quyền kiểm soát Kabul và dinh tổng thống.
Bốn ngày sau khi chiếm Kabul, Taliban tuyên bố lập ra Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan. Hàng nghìn người Afghanistan và công dân nước ngoài đã đổ xô về sân bay Kabul với hy vọng di tản do lo ngại một thời kỳ bất ổn mới dưới sự điều hành của Taliban.
Trái với cảnh hỗn loạn ở sân bay, theo ghi nhận của các phóng viên phương Tây, ngày đầu tiên sau khi Taliban nắm quyền, đường phố Kabul trở nên vắng vẻ, và gần như không có bóng dáng phụ nữ. Taliban được biết đến với những đạo luật hà khắc với phụ nữ Hồi giáo. Trong giai đoạn thống trị Afghanistan từ năm 1996 - 2001, Taliban đã cấm phụ nữ và trẻ em gái làm việc ở công sở và đến trường. Ngoài ra, phụ nữ cũng phải mặc trang phục che kín mặt và phải có nam giới đi cùng khi ra khỏi nhà.