1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Tính khả thi của phương án khoan hang cứu đội bóng Thái Lan mắc kẹt

(Dân trí) - Khi chiến dịch giải cứu đội bóng thiếu niên Thái Lan đang tìm kiếm các phương án tối ưu nhất, nếu lực lượng cứu hộ biết chính xác đội bóng đang ở đâu, liệu họ có thể khoan một lỗ từ trên đỉnh hang xuống và kéo toàn bộ 13 người lên hay không?

Những ý tưởng khả thi giúp giải cứu đội bóng Thái Lan nhanh hơn

Lực lượng cứu hộ sử dụng khoan tại hang Tham Luang (Ảnh: Nation)
Lực lượng cứu hộ sử dụng khoan tại hang Tham Luang (Ảnh: Nation)

Theo AFP, đội cứu hộ Thái Lan với sự trợ giúp của các chuyên gia và tình nguyện viên quốc tế đã khoan hơn 100 lỗ vào ngọn núi nơi có hang Tham Luang với hy vọng có thể tìm được tới vị trí của đội bóng thiếu niên bị mắc kẹt.

“Chúng tôi vẫn tiếp tục khoan các lỗ phía trên ngọn núi và đã khoan được hơn 100 vị trí. Một số lỗ sâu tới 400m nhưng chúng tôi vẫn không thể tìm được vị trí của đội bóng”, tỉnh trưởng tỉnh Chiang Rai Narongsak Osotthanakorn, chỉ huy chiến dịch giải cứu, cho biết ngày 6/7.

Theo ông Narongsak, đội cứu hộ hiện thiếu công nghệ để định vị chính xác vị trí của 13 người bị mắc kẹt trong hang Tham Luang.

“Chúng tôi ước tính rằng họ đang ở dưới sâu 600m, nhưng chúng tôi không biết mục tiêu chính xác”, ông Narongsak cho biết.

Câu hỏi được đặt ra là, nếu lực lượng cứu hộ biết chính xác đội bóng đang ở đâu, liệu họ có thể khoan một lỗ từ trên đỉnh hang xuống và kéo toàn bộ 13 người lên hay không?

Một số chuyên gia nói rằng vị trí nơi 12 thành viên trong đội bóng thiếu niên và huấn luyện viên của họ trú ẩn trong hang Tham Luang nằm sâu tới khoảng 1km, phần lớn dưới lớp đá cứng. Trong khi đó, địa hình ở phía trên hang chủ yếu là rừng rậm và có rất ít đường đi lối lại để đội cứu hộ có thể tiếp cận.

Việc khoan vào hang gặp nhiều khó khăn do trời mưa, kết hợp cùng vị trí núi non hiểm trở và hang nằm giữa rừng rậm. (Ảnh: The Nation)
Việc khoan vào hang gặp nhiều khó khăn do trời mưa, kết hợp cùng vị trí núi non hiểm trở và hang nằm giữa rừng rậm. (Ảnh: The Nation)

Theo Forrest Wilson, trưởng nhóm thợ lặn thuộc Ủy ban Cứu hộ Hang động Quốc gia Mỹ và từng có 50 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực lặn hang bao gồm cả các cuộc giải cứu người mắc kẹt, việc khoan từ trên xuống là một phương án có thể tính đến. Tuy nhiên, trong trường hợp hang Tham Luang, bản đồ của hang này chưa đủ chính xác để các chuyên gia có thể xác định chính xác nơi họ cần khoan.

“Sẽ mất khoảng thời gian dài để có thể khoan xuyên qua 500m hang. Và tôi không nghĩ thời gian còn nhiều”, ông Wilson nói.

Câu hỏi tiếp theo được đặt ra là liệu sử dụng công nghệ hiện đại có thể giúp đội cứu hộ định vị chính xác vị trí của đội bóng từ trên đỉnh hang để khoan từ trên xuống hay không?


Các phương án giải cứu đội bóng Thái Lan bị mắc kẹt trong hang Bấm vào đây để xem đồ họa cỡ lớn (Ảnh: Bankok Post)

Các phương án giải cứu đội bóng Thái Lan bị mắc kẹt trong hang Bấm vào đây để xem đồ họa cỡ lớn (Ảnh: Bankok Post)

Câu trả lời cho câu hỏi trên là có, theo cây bút Mike James của USA Today. Công nghệ được sử dụng là thiết bị định vị hang động bằng radio. Nếu được đặt tại đúng vị trí nơi đội bóng đã được tìm thấy ở trong hang, thiết bị này có khả năng phát sóng vô tuyến từ trong hang, sau đó cho phép những người bên ngoài hình dung chính xác vị trí đội bóng đang ở đâu. Sau khi định vị chính xác, họ có thể tiến hành khoan từ trên xuống.

Hiện chưa rõ các nhà chức trách Thái Lan đã sử dụng thiết bị trên hay chưa, hoặc nếu sử dụng rồi thì giải pháp công nghệ này có tạo ra bất kỳ sự khác biệt nào trong chiến dịch giải cứu hay không. Tuy nhiên, do việc khoan xuyên qua những tảng đá nặng có thể mất tới nhiều tuần nên ngay cả khi đội cứu hộ định vị được chính xác vị trí khoan, chưa chắc họ đã triển khai phương án này.

Một khó khăn nữa đặt ra cho đội cứu hộ nếu muốn khoan hang để sơ tán đội bóng là vận chuyển thiết bị. Việc đưa các máy khoan cỡ lớn lên đỉnh hang, vốn nằm giữa một khu rừng rậm, trong điều kiện thời tiết không mấy thuận lợi đòi hỏi phải có sự tính toán kỹ lưỡng.

Vấn đề thiếu oxy

Những thiết bị công nghệ đặc biệt đã được sử dụng, cho phép chuyển hình ảnh từ camera gắn trên mũ bảo hiểm của lực lượng cứu hộ tới đội ngũ hỗ trợ ngoài hang. (Ảnh: Crossroads Today)
Những thiết bị công nghệ đặc biệt đã được sử dụng, cho phép chuyển hình ảnh từ camera gắn trên mũ bảo hiểm của lực lượng cứu hộ tới đội ngũ hỗ trợ ngoài hang. (Ảnh: Crossroads Today)

Chuẩn Đô đốc Aphakorn Yoo-kongkaew, Tư lệnh Đặc nhiệm SEAL Hải quân Thái Lan, cho biết lượng oxy trong hang Tham Luang đã giảm xuống mức nguy hiểm là 15%. Trong khi đó, theo Cơ quan Sức khỏe và An toàn nghề nghiệp thuộc Bộ Lao động Mỹ, lượng oxy “tối ưu” cần thiết cho hoạt động thở của con người để duy trì hoạt động bình thường nằm ở mức 19,5-23,5%. Như vậy, việc đưa thêm oxy vào hang cho 13 người mắc kẹt đang trở thành ưu tiên hàng đầu của lực lượng cứu hộ.

Lý do dẫn tới tình trạng thiếu oxy là do khả năng thông gió giữa mặt đất với vị trí đội bóng bị mắc kẹt không được tốt. Trong trường hợp này, không khí vào hang không đủ để duy trì hoạt động thở của 13 người mắc kẹt trong thời gian dài.

Đội cứu hộ đã cố gắng tìm cách đưa một đường ống dẫn khí oxy từ cửa hang tới vị trí đội bóng trong hang, nhưng đoạn đường đi dài tới 5km. Việc thiếu oxy khiến cho các hoạt động cơ bản nhất như suy nghĩ hay vận động cơ thể cũng dần trở nên mất sức hơn.

Vậy câu hỏi tiếp theo được đặt ra là, cách tốt nhất để đưa 13 người mắc kẹt ra ngoài là gì?

Theo một số chuyên gia, cách tốt nhất là tìm một lối đi khác vào hang Tham Luang.

“Một hang lớn như vậy chức chắn sẽ có một lối khác dẫn vào. Nếu tìm được lối đó thì không còn vấn đề gì nữa. Họ có thể gắn dây vào người bọn trẻ và kéo chúng ra”, chuyên gia Wilson nhận định.

Tuy vậy, việc tìm thấy một lối đi khác vào hang trong một khu rừng rậm là chuyện cực kỳ khó. Lối vào đó có thể chỉ đơn giản là một lỗ trên mặt đất, thường gọi là “ống khói”, và có thể xuyên thẳng từ trên xuống vị trí gần nơi đội bóng đang đứng. Tuy nhiên lối vào kiểu này rất khó phát hiện vì nằm giữa rừng.

“Vẫn có những người đi lại liên tục trong rừng để tìm ống khói đó”, ông Wilson cho biết.

Trong khi đó, phương án bơm nước ra khỏi hang cũng gặp nhiều khó khăn. Các máy bơm công nghiệp cỡ lớn đã được huy động bơm nước suốt ngày đêm từ hang Tham Luang ra ngoài. Giới chức Thái Lan hôm qua ước tính hơn 132 triệu lít nước đã được bơm ra ngoài trong vòng một tuần qua. Tuy vậy, một hang động lớn được xem như một bể chứa nước khổng lồ, do vậy hàng triệu lít nước được bơm ra ngoài cũng không phải là con số đáng kể. Đó là chưa kể tới dự báo rằng các trận mưa lớn sắp đổ về khu vực hang Tham Luang.

Thành Đạt

Tổng hợp