1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Phương án giải cứu đội bóng Thái Lan sau sự ra đi của thợ lặn

(Dân trí) - Sự ra đi của cựu đặc nhiệm Hải quân Thái Lan đã phủ bóng lên nỗ lực cứu hộ 13 người mắc kẹt trong hang Tham Luang, đồng thời đặt ra nhiều câu hỏi về phương án tốt nhất để đưa cả đội bóng ra ngoài an toàn.

Các binh sĩ vận chuyển bình oxy tới hang Tham Luang (Ảnh: Reuters)
Các binh sĩ vận chuyển bình oxy tới hang Tham Luang (Ảnh: Reuters)

Mưa được dự báo sẽ trút xuống nhiều hơn tại khu vực hang Tham Luang, nơi 12 thành viên trong đội bóng thiếu niên Thái Lan và huấn luyện viên đang bị mắc kẹt, vào cuối tuần này. Lực lượng cứu hộ đang phải đối mặt với sức ép từ việc nên đưa toàn bộ 13 người mắc kẹt ra khỏi hang ngay bây giờ, hay “chiến đấu” với mực nước thậm chí còn dâng cao hơn nữa bên trong các hốc hang sau khi mưa trút xuống.

Đội cứu hộ còn phải đau đầu giải quyết bài toán thiếu oxy trong hang khi ngày càng nhiều thành viên trong đội đi vào hang để tiếp tế cho đội bóng. Tình trạng thiếu oxy có thể rút ngắn khoảng thời gian cho phép 13 người bị mắc kẹt ở lại an toàn trong hang Tham Luang.

Những phương án khả thi


Các phương án giải cứu đội bóng Thái Lan bị mắc kẹt trong hang Bấm vào đây để xem đồ họa cỡ lớn. (Ảnh: Bankok Post)

Các phương án giải cứu đội bóng Thái Lan bị mắc kẹt trong hang Bấm vào đây để xem đồ họa cỡ lớn. (Ảnh: Bankok Post)

Có 3 phương án giải cứu đang được lực lượng cứu hộ cân nhắc và mỗi phương án đều có những rủi ro nhất định.

Phương án đầu tiên là đưa toàn bộ 13 người bị mắc kẹt ra khỏi hang trước khi những trận mưa quay trở lại. Đội cứu hộ đang cân nhắc để các cầu thủ nhí đeo mặt nạ dưỡng khí và đi cùng với họ để bơi qua các đường hầm dài và nguy hiểm trong hang Tham Luang.

Phương án thứ hai là tìm cách tiếp cận đội bóng từ trên cao. Các nhóm chuyên gia đang khảo sát khắp các sườn núi nằm trong rừng rậm để tìm kiếm các khe hở hoặc lỗ thông tự nhiên mà có thể dẫn tới nơi các cầu thủ nhí và huấn luyện viên đang trú chân trong hang.

Phương án thứ ba là đợi cho tới khi nước lũ giảm xuống sau mùa mưa rồi mới đưa cả đội bóng ra ngoài. Tuy nhiên, phương án này kéo dài tới vài tháng trong khi lực lượng cứu hộ ngày càng lo ngại về lượng oxy còn lại trong các hốc hang chật hẹp cũng như các đường hầm dẫn tới các hốc hang này. Ngoài ra, đội cứu hộ cũng lo ngại nguy cơ nước dâng cao và nhấn chìm mỏm đá - nơi các cầu thủ đang đứng co cụm với nhau trong hang Tham Luang.

Hơn 100 đặc nhiệm SEAL của Hải quân Thái Lan đang có mặt tại khu vực hang Tham Luang, phối hợp cùng các chuyên gia quốc tế để sẵn sàng đưa toàn bộ những người bị mắc kẹt ra ngoài an toàn.

Sự ra đi của cựu đặc nhiệm hải quân

Các thợ lặn bám dây thừng lội qua lối đi ngập nước trong hang Tham Luang (Ảnh: Nation)
Các thợ lặn bám dây thừng lội qua lối đi ngập nước trong hang Tham Luang (Ảnh: Nation)

Giữa lúc chiến dịch giải cứu đội bóng bị mắc kẹt đang diễn ra với tốc độ khẩn trương, Saman Kunan, một cựu đặc nhiệm của Hải quân Thái Lan, đã thiệt mạng sau nỗ lực cấp cứu bất thành của các đồng đội. Saman đã bất tỉnh sau khi lao xuống nước hôm 6/7 để mang bình oxy tiếp tế cho lực lượng cứu hộ trong hang Tham Luang. Sự ra đi của Saman Kunan đã đặt ra nhiều câu hỏi về những phương án được cho là khả thi nhất để đưa cả đội bóng ra ngoài hang an toàn.

Ngay cả những thợ lặn giàu kinh nghiệm nhất cũng phải mất tới 5 giờ đồng hồ mới có thể bơi qua những lối đi hẹp, lởm chởm và ngập nước từ hốc hang nơi đội bóng đang trú chân để ra khỏi hang an toàn. Dù được trang bị mặt nạ dưỡng khí, song đây vẫn là một hành trình gian nan và nguy hiểm đối với các cầu thủ nhí. Bị mắc kẹt trong hang tối suốt nhiều ngày, sức khỏe của các cậu bé vẫn chưa ổn định. Nhiều người trong số này cũng không biết bơi.

Songkran Yodpunkham, thợ lặn 38 tuổi, là người chịu trách nhiệm đặt các bình oxy tại hốc hang số 3 - nơi được xem là trung tâm tập kết của đội cứu hộ trong hang Tham Luang. Theo ông Songkran, mặc dù phương án bơi ra ngoài tiềm ẩn nhiều rủi ro, song đội cứu hộ vẫn cần phải triển khai vì không còn lựa chọn nào khác.

“Vấn đề lớn nhất là những khó khăn mà bất kỳ ai cũng phải đối mặt khi lặn lần đầu. Với bọn trẻ, sự nguy hiểm nằm ở chỗ chúng có thể bị hoảng loạn. Cả cơ thể, chức năng phổi và trạng thái tinh thần của chúng đều chịu áp lực lớn. Điều này có thể khiến chúng bị hoảng loạn, bị ngạt thở và hít nhiều khí hơn. Điều này rất khủng khiếp, chúng có thể bắt đầu mắc chứng thở gấp”, Songkran nhận định.

“Nhiều chuyện có thể xảy ra. Tầm nhìn ở dưới nước gần như bằng 0. Bạn thậm chí không thể nhìn thấy mặt người lặn cùng. Bạn chỉ có thể ra dấu hiệu bằng tay, kiểu như: Vẫn ổn chứ? Trong bóng tối và ở dưới nước, sẽ rất khó để các thợ lặn giao tiếp với bọn trẻ”, ông Songkran cho biết.

Tiếp cận từ trên cao

Các chuyên gia và lực lượng cứu hộ tìm cách đu dây xuống một khe hở để tìm lối vào hang từ trên cao (Ảnh: Getty)
Các chuyên gia và lực lượng cứu hộ tìm cách đu dây xuống một khe hở để tìm lối vào hang từ trên cao (Ảnh: Getty)

Các nhóm chuyên gia vẫn đang lùng sục khắp các sườn dốc núi gồ ghề với cây xanh phủ kín ở phía trên hang Tham Luang để tìm một lối vào khác từ trên cao, từ đó tiếp cận vị trí của đội bóng đang đang nằm sâu 800m bên dưới. Tuy vậy, địa hình hiểm trở kết hợp với sự xuất hiện của quá nhiều kẽ nứt, khe hở, lỗ thông khiến việc tìm kiếm lối vào diễn ra chậm chạp.

“Với một hệ thống núi lớn như thế này, nơi các cậu bé bị mắc kẹt là một hang động khổng lồ. Do vậy có rất nhiều lối để dẫn vào hang”, Josh Morris, người sáng lập công ty leo núi ở Thái Lan, cho biết.

Các nhà nghiên cứu vẫn đang xem xét tình hình địa chất trong khu vực cũng như quan sát các dấu hiệu của không khí lạnh tỏa ra từ một khe hở nào đó vì đây có thể là chỉ dấu cho thấy khe hở này dẫn tới lối đi bên dưới.

“Mục tiêu là tìm ra các khe hở, khoan các chốt, đặt dây thừng và thả người xuống các khe hở khác nhau để kiểm tra xem liệu có thể tiếp cận với lối đi chính bên dưới hay không. Điểm mấu chốt là tìm ra đúng hố và việc này có thể mất nhiều thời gian. Vấn đề ở chỗ bạn có thể tìm ra đúng hố hay không vì tất cả đều ở sườn núi”, Morris nói.

Nếu tìm ra được lối đi từ trên cao xuống, các chuyên gia xem đây là phương án an toàn hơn so với việc để đội bóng lặn ra ngoài. Tuy vậy, để khoan một đường xuyên qua đá vôi từ trên đỉnh hang tới chỗ những người bị mắc kẹt cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Hơn nữa, việc đưa các máy khoan trọng lượng lớn lên núi cũng không phải điều đơn giản.

Ngoài khoan hang, các đội cứu hộ vẫn đang tích cực bơm hàng triệu lít nước ra khỏi hang với hy vọng có thể giúp đội bóng tự đi bộ ra ngoài. Đội cứu hộ cũng đã tìm cách chặn những con suối dẫn nước vào hang. Tuy vậy, đây cũng là một cuộc chiến cam go với đội cứu hộ khi những cơn mưa sắp quay trở lại và kết cấu đá xốp trong hang Tham Luang cũng gây trở ngại cho việc hút nước.

Thành Đạt

Tổng hợp