1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Tỉnh biên giới thứ hai của Nga ban bố tình trạng khẩn cấp

Minh Phương

(Dân trí) - Nga ban bố tình trạng khẩn cấp toàn tỉnh biên giới Belgorod không lâu sau cuộc đột kích của Ukraine vào tỉnh Kursk.

Tỉnh biên giới thứ hai của Nga ban bố tình trạng khẩn cấp - 1

Một trung tâm mua sắm ở Belgorod, Nga bị hư hại sau cuộc tập kích nghi của Ukraine hồi đầu năm (Ảnh minh họa: Reuters).

"Tình hình ở vùng Belgorod tiếp tục vô cùng khó khăn và căng thẳng", Thống đốc Belgorod Vyacheslav Gladkov cho biết trong một tin nhắn video đăng tải trên tài khoản Telegram hôm nay 14/8.

Belgorod ban bố tình trạng khẩn cấp sau khi có những dấu hiệu Ukraine dường như có kế hoạch mở rộng đột kích sang các tỉnh biên giới khác ngoài Kursk.

Trang Newsweek dẫn các hình ảnh, video chia sẻ trên mạng xã hội ngày cuối tuần qua cho thấy một nhóm binh sĩ được cho là thuộc lực lượng vũ trang Ukraine xuất hiện ở khu vực phía bắc tỉnh Belgord của Nga.

Đầu tuần này, chính quyền Belgorod đã bắt đầu sơ tán người dân để đảm bảo an toàn. Ông Gladkov cho biết, 2 địa điểm ở Belgorod, gồm thành phố Shebekino và làng Ustinka, đã bị máy bay không người lái của Ukraine tấn công. Tuy không có thương vong nhưng 2 ngôi nhà bị hư hại.

Ông Gladkov nói thêm, chính quyền khu vực đang kêu gọi chính phủ Nga ban bố tình trạng khẩn cấp liên bang.

Trong một diễn biến liên quan khác, theo trang tin Avia-Pro, Nga đã tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh cho thủ đô Moscow nhằm đề phòng các mối đe dọa tiềm tàng.

Cuối tuần trước, Nga thông báo triển khai các biện pháp an ninh đặc biệt tại 3 vùng biên giới Belgorod, Bryansk và Kursk trước nguy cơ một cuộc đột kích mới của Ukraine.

Tỉnh biên giới thứ hai của Nga ban bố tình trạng khẩn cấp - 2

Thành phố Belgorod của Nga cách biên giới Ukraine chỉ khoảng 35km (Đồ họa: Guardian).

Rạng sáng 6/8, hàng trăm binh sĩ Ukraine cùng với các xe bọc thép đã đột kích vào tỉnh Kursk của Nga. Đó là một sự thay đổi đáng chú ý trong chiến thuật của Ukraine sau hơn 2 năm xung đột và đánh dấu lần đầu tiên quân đội nước ngoài tiến vào lãnh thổ Nga kể từ Thế chiến thứ hai.

Kể từ khi cuộc đột kích xảy ra, Nga đã phải sơ tán hàng chục nghìn người dân ở các vùng biên giới. Quân đội Nga cũng rút bớt quân từ chiến trường Ukraine về để tăng cường phòng thủ cho Kursk.

Bộ Quốc phòng Nga đầu tuần này tuyên bố đã ngăn được quân Ukraine tiến sâu hơn vào lãnh thổ và khiến Kiev tổn thất nặng nề. Cụ thể, theo thông cáo của Bộ Quốc phòng Nga, Ukraine đã mất hơn 2.000 quân và khoảng 100 xe bọc thép.

Trong khi đó, theo các blogger quân sự, lực lượng của Kiev đã tiến sâu khoảng 35km vào lãnh thổ Kursk.

Tổng tư lệnh Lực lượng vũ trang Ukraine Oleksandr Syrskyi tuyên bố quân đội nước này hiện kiểm soát 74 khu định cư ở Kursk. Tuy nhiên, giới chức Ukraine cũng nêu rõ, mục đích của cuộc đột kích không phải giành lãnh thổ của Nga mà để bảo vệ người dân các vùng biên giới Ukraine khỏi các cuộc tấn công của Moscow

Các nhà phân tích của Viện nghiên cứu chiến tranh (ISW) có trụ sở ở Mỹ cho biết, họ không tin Ukraine đã kiểm soát toàn bộ phần lãnh thổ Kursk như tuyên bố.

ISW đã nghiên cứu các tuyên bố và đoạn video về vị trí địa lý chỉ ra rằng tính đến ngày 13/8, các lực lượng Ukraine đã hoạt động trong hoặc gần khoảng 41 khu định cư ở Kursk, mặc dù có nhiều khu định cư và khu vực cực kỳ nhỏ trong khu vực mà ISW chưa đưa vào danh sách này.

Tuy vậy, các nhà phân tích nhấn mạnh, sự khác biệt này không có nghĩa là bác bỏ các tuyên bố của Ukraine. ISW không loại trừ những hạn chế trong phương pháp và sự phụ thuộc của ISW vào thông tin công khai.

Theo Pravda
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine