1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Tiến sĩ Mỹ: Nhiều người sốc với kết quả bầu cử tổng thống

(Dân trí) - Tiến sĩ Mỹ Jim Butterfield cho hay nhiều người đã bị sốc với kết quả bầu cử và thậm chí còn có một bài báo nói rằng chính Tổng thống đắc cử Donald Trump cũng bất ngờ. Vị Giáo sư này cũng nhận định về một số lý do khiến ông Trump chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống.


Tiến sĩ Jim Butterfield (Ảnh: Mạnh Thắng)

Tiến sĩ Jim Butterfield (Ảnh: Mạnh Thắng)

Jim Butterfield, Tiến sĩ khoa Khoa học chính trị tại Đại học Western Michigan (Mỹ) và hiện công tác tại Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, đã có cuộc trao đổi với Dân trí xung quanh kết quả bầu cử tổng thống Mỹ 2016.

- Ông có bất ngờ với kết quả của cuộc bầu cử tổng thống năm nay không?

Tất nhiên là có. Kết quả này là sự thất bại lớn nhất của các cuộc thăm dò trong lịch sử Mỹ. Tại sao điều này lại xảy ra? Có hai lý do chính có thể lý giải. Thứ nhất, bất chấp các lý thuyết về thăm dò, các nhà điều tra rất khó để ước tính số người thực sự sẽ đi bỏ phiếu trong ngày bầu cử. Họ chỉ muốn thăm dò những cử tri chắc chắn sẽ bỏ phiếu, nhưng thật không dễ để làm được điều này. Trong cuộc bầu cử năm nay, các cử tri da trắng bảo thủ sống ở các vùng ngoại ô hoặc nông thôn đi bỏ phiếu nhiều hơn, và cử tri da màu và cử tri Mỹ gốc Tây Ban Nha đi bỏ phiếu ít hơn so với dự đoán trước đó.

Thứ hai, có thể một số cử tri không muốn thừa nhận với những người thực hiện công tác thăm dò rằng họ sẽ bỏ phiếu cho ông Trump.

- Theo nhận định của ông, đâu là lý do dẫn đến chiến thắng của ông Donald Trump và thất bại của bà Hillary Clinton?

Nhiều người ủng hộ ông Trump cho rằng hệ thống kinh tế - xã hội của nước Mỹ đang làm lợi cho người giàu (và điều khiến việc này trở nên hài hước là họ đã bỏ phiếu cho một người rất giàu). Sự phục hồi kinh tế chậm chạp sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 đã gây tác động mạnh. Những người lao động không có bằng đại học là những người phải chịu nhiều thiệt thòi nhất và họ có xu hướng bỏ phiếu cho ông Trump.

Trong khi đó, bà Clinton không phải là người có sức lôi cuốn đặc biệt, vì vậy bà đã gặp khó khăn trong việc thu hút sự ủng hộ của cử tri. Việc FBI tuyên bố mở lại cuộc điều tra bê bối thư điện tử của bà Clinton ngay trước ngày bầu cử cũng là một nhân tố, dù họ đã thông báo ngay trước cuộc bầu cử rằng không tìm thấy gì đáng ngại trong đó. Nhiều người vốn đưa ra quyết định trong những ngày cuối cùng đã quyết định sẽ bầu cho ông Trump. Hơn nữa, chắc chắn một số cử tri nam bảo thủ không muốn bỏ phiếu cho một ứng cử viên nữ.

- Bà Clinton thất cử nhưng có nhiều phiếu phổ thông hơn. Ông có bình luận gì về điều này?

Đây là một vấn đề. Đây không phải là lần đầu tiên điều này xảy ra. Nó đã xảy ra trong 2 cuộc bầu cử gần đây, vào năm 2000, trong cuộc “so găng” giữa ứng cử viên Al Gore và George W. Bush, và năm nay. Điều đó có nghĩa đảng Cộng hòa đã thua về phiếu phổ thông trong hầu hết tất cả các cuộc bầu cử từ năm 1992, ngoại trừ năm 2004. Có một làn sóng muốn thay đổi hệ thống, theo đó phiếu đại cử tri phải được bỏ cùng với phiếu phổ thông. Tuy nhiên, không phải bang nào cũng ủng hộ điều này. Rất có thể kết quả của cuộc bầu cử năm nay sẽ là động lực để thay đổi.

- Ông nhận định chính sách của Tổng thống đắc cử Trump đối với châu Á sẽ ra sao? Việc ông Trump trở thành tổng thống Mỹ có tác động như thế nào tới Việt Nam?

Chúng ta chưa biết nhiều về những gì ông Trump sẽ làm trên cương vị tổng thống. Trên thực tế, tôi cho rằng chính ông Trump cũng đang lúng túng trong nhiều vấn đề. Có rất nhiều điều ông Trump cần tìm hiểu về chính phủ Mỹ cũng như các mối quan hệ quốc tế.

Thứ nhất, ông Trump sẽ có cách tiếp cận trực diện hơn trong đối với Trung Quốc, đặc biệt là các vấn đề thương mại và chính sách tiền tệ. Thứ hai, ông có ý định rút khỏi các cam kết của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Thứ ba, nước Mỹ dưới thời ông Trump có thể sẽ rút khỏi Hiệp ước Paris về cắt giảm lượng khí thải carbon nhằm chống biến đổi khí hậu. Cuối cùng, ông Trump sẽ gây áp lực lên các đồng minh Hàn Quốc và Nhật Bản nhằm chi thêm tài chính cho các thỏa thuận an ninh tập thể.

Nếu Mỹ rút khỏi TPP và Hiệp ước Paris về chống biến đổi khí hậu thì điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới Việt Nam, dù là trong ngắn hạn hoặc dài hạn.

Ông Jim Butterfield, một học giả Fulbright, là Tiến sĩ khoa Khoa học Chính trị tại Đại học Western Michigan. Ông từng công tác và giảng dạy tại một số quốc gia Đông Nam Á, Nga, Nam Phi, và Trung Quốc. Từ tháng 9/2016-1/2017, ông giảng dạy tại Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

An Bình - Nhật Minh

(Thực hiện)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm