1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Tiêm kích tàng hình Su-57 đã được Nga tung vào tham chiến ở Ukraine?

Nguyễn Bình

(Dân trí) - Mặc dù là tiêm kích tiên tiến nhất của Nga, Su-57 lại vướng phải các vấn đề kỹ thuật, chỉ có tối đa 10 chiếc được đưa vào sử dụng. Chúng hiếm khi tham chiến ở Ukraine.

Tiêm kích tàng hình Su-57 đã được Nga tung vào tham chiến ở Ukraine? - 1

Tiêm kích Su-57 của Nga (Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga).

Theo Kyiv Post, tiêm kích tàng hình đầu tiên và duy nhất đang hoạt động của Nga - máy bay chiến đấu đa năng hai động cơ Sukhoi Su-57 (NATO gọi là Felon hay "Kẻ tàn bạo") - đã trải qua 10 năm nghiên cứu đầy chông gai, trước khi chính thức đi vào biên chế trong Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga (VKS) năm 2020.

Là một trong ba quốc gia tiên phong phát triển tiêm kích tàng hình (cùng với Mỹ và Trung Quốc), Nga đặt nhiều kỳ vọng vào Su-57. Tuy nhiên, dường như tham vọng của nước này đã bị ngăn cản bởi những khó khăn về kỹ thuật và ngân sách, vấn đề càng trở nên tồi tệ hơn do các lệnh trừng phạt của phương Tây sau khi xung đột Ukraine bùng nổ.

Su-57 có thể là một tiêm kích mạnh mẽ, nhưng Điện Kremlin dường như gặp vấn đề trong việc khai thác hết tiềm năng của chúng.

Su-57 đã tham chiến ở Ukraine?

Cho đến nay, chưa có xác nhận nào về việc nhìn thấy máy bay Su-57 trên bầu trời Ukraine, nhưng có suy đoán rằng Moscow đã dùng chúng để tấn công các mục tiêu của Kiev.

Vào ngày 5/11, một kênh Telegram cho rằng một chiếc Su-57 đã được ghi nhận hiện bay trên bầu trời ở khu vực Luhansk, miền đông Ukraine.

Một báo cáo của tình báo Anh hồi tháng 1 cho biết Nga "gần như chắc chắn đã sử dụng Su-57 Felon để thực hiện các nhiệm vụ chống lại Ukraine".

Truyền thông nhà nước Nga vào tháng 6/2022 đưa tin một máy bay Su-57 đã tiến hành tham chiến ở Ukraine và được giao nhiệm vụ xác định và tiêu diệt các mục tiêu phòng không của Ukraine.

Đại tá Yurii Ihnat, người phát ngôn Không quân Ukraine, cho rằng không loại trừ khả năng Nga đã dùng Su-57 để chống lại Ukraine, vì đơn giản là không có cách nào để phân biệt máy bay trên radar. Ông Ihnat cho biết trong một cuộc phỏng vấn: "Đối với chúng tôi, các mục tiêu trên không là dấu vết trên radar".

Tuy nhiên, ông nói thêm rằng Không quân Nga tự hào có nhiều loại máy bay, bao gồm Su-25 và Su-35, có thể tiến hành các cuộc tấn công tương tự.

Từ lâu, người ta đã suy đoán rằng Moscow tránh cho Su-57 thâm nhập vào không phận Ukraine vì sợ bị phòng không đối phương bắn hạ, trong khi nước này chỉ có tối đa 10 chiếc nên chúng vẫn là tài sản cực kỳ quý giá của lực lượng không quân Nga.

Tiêm kích tàng hình Su-57 đã được Nga tung vào tham chiến ở Ukraine? - 2

Tiêm kích tàng hình Su-57 thế hệ thứ 5 của Nga (Ảnh: RIA).

Su-57 ghê gớm đến mức nào?

Tiêm kích tàng hình Su-57 Nga sở hữu nhiều ưu điểm vượt trội như khả năng tàng hình tương đối tốt, radar và hệ thống phòng hộ mạnh, mang được lượng vũ khí lớn và đa dạng, giá lại hợp lý hơn so với những dòng tiêm kích tàng hình cùng loại của phương Tây. Thế nên, Su-57 được coi là niềm mơ ước của Không quân nhiều nước.

Hãy tìm hiểu cách NATO định danh (đặt tên mã) cho các loại vũ khí Nga.

Chẳng hạn, trong khi Nga đặt tên cho máy bay ném bom chiến lược siêu thanh Tu-160 là Thiên nga trắng thì NATO định danh là Chiếc dùi cui (Blackjack), rất xứng đáng với uy lực và sức mạnh răn đe của nó.

Còn với Su-57, ngay sau khi chính thức biên chế, NATO cũng nhanh chóng gắn mác cho nó là Felon hay "kẻ tàn bạo" cho thấy khối liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương đánh giá rất cao và tỏ ra e ngại dòng tiêm kích tàng hình thế hệ 5 của Nga có thể đè bẹp F-22 Raptor (Chim ăn thịt) của Mỹ.

Việc đặt tên cho F-22 là "Chim ăn thịt" hàm ý đây là loại tiêm kích hiện đại nhất, vượt trên tất cả, các máy bay khác chỉ làm mồi cho nó mà thôi. Tuy nhiên, nay đã khác, Nga đã có "kẻ tàn bạo" sánh ngang, thậm chí là vượt trội hơn so với tiêm kích Mỹ.

Các chuyên gia hàng không quân sự đa phần nhất trí rằng, Su-57 hoàn toàn xứng đáng với tên định danh do NATO đặt ra bởi nó sở hữu những đặc tính kỹ - chiến thuật ưu việt.

Thứ nhất, thiết kế khí động học mang tính đột phá. Su-57 có hình dạng tàng hình kiểu cánh bay, rất khác so với các loại máy bay từng được chế tạo. Khoang vũ khí ở dưới thân, được che bởi cặp động cơ 2 bên, buồng lái ở phía trước và đuôi phía sau.

Khung thân của Su-57 được đúc liền khối bằng hợp kim nhẹ, chứ không phải là bằng các tấm bản đúc hoặc dập và các ống thép như thông thường. Do đó nó rất nhẹ và chắc chắn. Do không có các mối hàn liên kết nên loại bỏ được ứng suất nhiệt có hại, làm tăng tuổi thọ khung thân lên rất cao.

Kiểu tàng hình cánh bay có ưu điểm hơn hẳn kiểu cạnh kim cương của F-117A hay F-22, chẳng hạn máy bay ném bom B-2 của Mỹ dù to lớn hơn các máy bay chiến đấu F-22, F-35 rất nhiều, nhưng tiết diện phản xạ radar (RCS) lại nhỏ hơn.

Khả năng tàng hình của Su-57 được cho là ngang bằng với các đối thủ phương Tây. Mặc dù các nhà phân tích cho rằng RCS của nó không đạt tiêu chuẩn và "to" như F/A-18 Super Hornets thế hệ thứ tư của Mỹ, nhưng tất nhiên điều này không thể được xác minh.

Thứ hai, radar và hệ thống điện tử hàng không tiên tiến. Su-57 được ứng dụng những công nghệ mới nhất, bao gồm 6 radar để cải thiện khả năng nhận biết tình huống.

Radar N036 Byelka trên khoang của nó được cho là có tầm trinh sát lên tới 400km trong khi radar của F-16 mà Ukraine sắp tiếp nhận từ các đồng minh phương Tây kém hơn nhiều.

Tiêm kích tàng hình Su-57 đã được Nga tung vào tham chiến ở Ukraine? - 3

Các loại vũ khí trên tiêm kích tàng hình Su-57 Nga (Ảnh: Anton Egorov).

Thứ ba, tiêm kích Su-57 được thiết kế không những mang được tất cả các loại tên lửa và bom của máy bay chiến đấu mà còn mang được các vũ khí của máy bay ném bom chiến lược Tu-23, Tu-95, Tu-160 nhờ vách ngăn giữa 2 khoang vũ khí trước và sau chỉ là khung đỡ giá treo mà thôi, nó không phải là khung tăng cứng cho máy bay, nên có thể tháo ra để làm thành 1 khoang vũ khí lớn.

Còn hơn thế, tiêm kích Su-57 giấu vũ khí vào trong và không bị lộ tín hiệu radar và sau khi ném bom, bắn tên lửa xong các máy bay chiến lược trên phải thoát ly ngay, riêng Su-57 thì chả có máy bay nào dám đuổi theo vì nó còn ít nhất 2 tên lửa tầm ngắn ở khoang hông và một cơ số đạn cùng với khả năng không chiến số 1 nữa.

Tóm lại Su-57 là tiêm kích đa năng, vừa có thể không chiến giành ưu thế trên không, vừa có thể công kích mục tiêu mặt đất, mặt biển.

Chẳng hạn, nó có thể được trang bị tên lửa không đối không R-77M để tấn công các mục tiêu tầm xa và tên lửa hành trình Kh-59MK2 để tấn công các mục tiêu mặt đất, cùng một loạt vũ khí khác.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu cho biết, vào năm 2018, một chiếc Su-57 đã bắn thử tên lửa hành trình (được cho là Kh-59MK2) ở Syria, diệt mục tiêu một cách chính xác.

Thứ tư, động cơ và tốc độ. Su-57 có thể đạt tốc độ siêu âm Mach 2.1 mà không cần tăng lực.

Thứ năm, Su-57 điều khiển UAV tàng hình, cơn "ác mộng" mới với phòng không bất kỳ nước nào, bao gồm cả Ukraine. Các quan chức quốc phòng Nga khẳng định Okhotnik có thể hoạt động dưới sự điều khiển của phi công Su-57.

Theo EurAsian Times, đầu tháng 7 vừa qua, truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin Nga sử dụng S-70 Okhotnik - máy bay không người lái (UAV) tàng hình hạng nặng - để tấn công lực lượng vũ trang Ukraine tại khu vực Sumy.

Hình ảnh trên các kênh Telegram cho thấy ít nhất hai chiếc UAV bay qua không phận Ukraine có hình dạng và kích thước phù hợp với S-70B Okhotnik (Thợ săn).

Tháng 6/2022, hãng thông tấn RIA Novosti đưa tin S-70B Okhotnik đã tiến hành thử nghiệm phóng đạn dẫn đường chính xác (PGM) nhằm vào các mục tiêu trên mặt đất. Đây là có thể là tên lửa Kh-59MK2 được phát triển cho Su-57.

UAV Okhotnik có thể sử dụng tất cả các loại vũ khí tầm xa giống Su-57, bao gồm tên lửa R-77M và Kh-59MK2, xâm nhập không phận tranh chấp mà không bị phát hiện để phá hủy mục tiêu quan trọng của đối phương.

Lúc này, Su-57 sẽ đóng vai trò "người bảo vệ" cho S-70 trong trường hợp nó bị máy bay chiến đấu kẻ thù phục kích. Hoạt động cùng nhau, Su-57 và Okhotnik sẽ có khả năng và linh hoạt trong tác chiến.

Theo thông tin cập nhật gần đây của truyền thông nhà nước Nga, tập đoàn quốc doanh Rostec thông báo rằng một động cơ giai đoạn hai mới hơn có tên Izdeliye 30 đã được trang bị cho một số máy bay chiến đấu Su-57 và chúng đang trong quá trình bay thử nghiệm.

Báo cáo cho biết thêm, Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga có kế hoạch nhận 76 chiếc Su-57 vào năm 2027.

Theo Kyiv Post, EurAsian Times, TASS, RIA Novosti
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine