1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Tiêm kích Su-27SM quần thảo bầu trời, bảo vệ không phận bán đảo Crimea

Tùng Nguyễn

(Dân trí) - Quân đội Nga đã điều động tiêm kích Su-27SM uy lực nhằm bảo vệ không phận bán đảo Crimea trước nguy cơ bị Ukraine tập kích.

Tiêm kích Su-27SM quần thảo bầu trời, bảo vệ không phận bán đảo Crimea - 1
Tiêm kích Su-27 của quân đội Nga (Ảnh: Defense Express).

Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố các máy bay chiến đấu hạng nặng Su-27SM thuộc Trung đoàn tiêm kích số 38, đóng quân tại căn cứ không quân Belbek ở ngoại ô thành phố Sevastopol, đã được điều động để bảo vệ không phận bán đảo Crimea.

Mục tiêu của các tiêm kích Su-27SM sẽ là các máy bay không người lái (UAV) và cả tên lửa hành trình của quân đội Ukraine. Quyết định này được đưa ra sau hàng loạt vụ nổ tại các căn cứ Dyagilyaevo ở vùng Ryazan và Engels ở vùng Saratov của Nga. Giới chức Nga cáo buộc các UAV cảm tử Tu-141 của Ukraine là thủ phạm đứng đằng sau các vụ nổ trên, khiến ít nhất 2 máy bay của Moscow, trong đó có một oanh tạc cơ Tu-95MS bị hư hỏng.

Moscow tin rằng hoạt động tuần tiễu của các máy bay chiến đấu Su-27SM sẽ góp phần bảo đảm an toàn cho không chỉ căn cứ không quân Belbek mà còn cả các mục tiêu quân sự khác của Nga trên bán đảo Crimea. Ngoài căn cứ không quân Belbek, bán đảo Crimea còn là nơi đóng quân của nhiều đơn vị quan trọng của quân đội Nga, trong đó có trụ sở của Hạm đội Biển Đen.

Tiêm kích Su-27SM tham gia tuần tra tại bán đảo Crimea

Trong thời gian qua, bán đảo Crimea đã trở thành mục tiêu của nhiều vụ tấn công cảm tử từ quân đội Ukraine. Vào đêm 22/11, các UAV và xuồng cảm tử của Ukraine đã tấn công các căn cứ của Hạm đội Biển Đen tại thành phố Sevastopol. Người đứng đầu chính quyền thân Nga tại thành phố Sevastopol Mikhail Razvozhayev xác nhận các lực lượng phòng thủ của Nga đã chặn đứng vụ tập kích trên sau khi bắn hạ ít nhất 2 UAV và 3 xuồng cảm tử. Tuy nhiên, ông Razvozhayev cũng cho rằng nguy cơ bán đảo Crimea bị tấn công trong thời gian tới vẫn đang hiện hữu.

Hôm 8/12, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cũng cáo buộc "Ukraine tiếp tục theo đuổi chính sách tổ chức các cuộc tấn công khủng bố" nhằm vào bán đảo Crimea.

Nga sáp nhập bán đảo Crimea từ năm 2014 sau một cuộc trưng cầu dân ý. Sau khi sáp nhập Crimea, Nga đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như cầu đường và mạng lưới điện, đồng thời triển khai nhiều khí tài quân sự đến đây, biến Crimea thành trung tâm hậu cần quân sự cho các lực lượng của Nga.

Giới chức Ukraine nhiều lần tuyên bố sẽ giành lại khu vực Crimea chiến lược ở Biển Đen. Tổng thống Ukraine khẳng định, xung đột bắt đầu ở Crimea thì cũng sẽ kết thúc ở Crimea, ngầm ý rằng Kiev sẽ bằng mọi cách giành lại quyền kiểm soát bán đảo này từ Nga.

Để đối phó với kế hoạch trên của Ukraine, quân đội Nga trong những tuần qua đã điều động thêm nhiều binh sĩ và khí tài hạng nặng đến gia cố khả năng phòng thủ cho bán đảo Crimea.

Theo Defense Express
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm