1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Thụy Điển sẽ không cho Nga tham gia điều tra sự cố Dòng chảy phương Bắc

Thanh Thành

(Dân trí) - Thụy Điển cũng nhấn mạnh không chia sẻ kết quả điều tra sự cố rò rỉ đường ống dẫn khí Nord Stream (Dòng chảy phương Bắc) với chính quyền Nga và cả tập đoàn Gazprom.

Thụy Điển sẽ không cho Nga tham gia điều tra sự cố Dòng chảy phương Bắc - 1

Bong bóng khí đốt từ đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 bị rò rỉ nổi trên biển Baltic hôm 27/9 (Ảnh: Reuters).

Trong tuyên bố đưa ra hôm 10/10, Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson nhấn mạnh: "Sẽ không chia sẻ hay cho phép Nga tham gia điều tra về sự cố rò rỉ trên các tuyến dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc".

"Tại Thụy Điển, các cuộc điều tra sơ bộ mang tính bí mật và điều đó tất nhiên là sẽ được áp dụng trong trường hợp này", Thủ tướng Andersson nói với các phóng viên hôm 10/10.

Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Thụy Điển khẳng định, Moscow có thể tự tổ chức hoạt động điều tra của họ. "Vị trí rò rỉ nằm trên vùng biển quốc tế, do đó Nga có thể tiếp cận dù khu vực nằm trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Thụy Điển", bà Andersson nói thêm.

Trong cuộc điều tra về sự cố rò rỉ hệ thống đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc, Thụy Điển đã tìm thấy bằng chứng về các vụ nổ và các công tố viên nghi ngờ có hành vi phá hoại.

"Hiện trường củng cố thêm những nghi ngờ về hoạt động phá hoại hoặc hành vi nghiêm trọng hơn", công tố viên Mats Ljungqvist, lãnh đạo cuộc điều tra của Cơ quan An ninh Thụy Điển (SAPO), cho biết.

Tuần trước, Thủ tướng Mikhail Mishustin đã gửi thư đến chính phủ Thụy Điển yêu cầu cho phép các nhà chức trách Nga và giới chức tập đoàn Gazprom tham gia vào cuộc điều tra, nhưng Stockholm không đồng ý.

Các nhà chức trách Thụy Điển và Đan Mạch đang điều tra 4 vụ rò rỉ sau khi hệ thống đường ống khí đốt, nối Nga và Đức qua Biển Baltic, bị hư hại vào tháng trước. Vụ việc trở thành tâm điểm trong cuộc khủng hoảng Ukraine.

Bốn vị trí rò rỉ trên hai tuyến đường ống Dòng chảy phương Bắc được phát hiện từ cuối tháng 9, hai vị trí nằm trong EEZ của Thụy Điển và hai nằm trong EEZ của Đan Mạch. Giới chức Thụy Điển tuần trước phong tỏa vùng biển quanh vị trí rò rỉ tại EEZ của nước này để điều tra.

Nga hiện cũng đang mở cuộc điều tra riêng, trong đó nghi ngờ phương Tây liên quan đến sự cố, và cho rằng Mỹ là bên có lợi, trong khi Washington bác bỏ liên quan.

Theo Reuters