1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Thụy Điển nêu lý do hoãn chuyển tiêm kích Gripen cho Ukraine

Đức Hoàng

(Dân trí) - Thụy Điển giải thích lý do nước này hoãn chuyển tiêm kích Gripen cho Stockholm sản xuất cho Ukraine.

Thụy Điển nêu lý do hoãn chuyển tiêm kích Gripen cho Ukraine - 1

Tiêm kích Gripen của Thụy Điển (Ảnh: Wikipedia).

Thụy Điển ngày 28/5 cho biết nước này sẽ hoãn kế hoạch đưa máy bay phản lực Gripen tới Ukraine, do các đối tác phương Tây của Stockholm muốn ưu tiên chuyển giao tiêm kích F-16 cho Kiev trước.

Một người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Thụy Điển nói với AFP: "Các quốc gia khác trong liên minh không quân đã yêu cầu chúng tôi đợi trước khi viện trợ cho Ukraine máy bay Gripen".

Ông giải thích: "Các đối tác của chúng tôi nhấn mạnh rằng Ukraine sẽ đối mặt với tình huống phức tạp đáng kể nếu triển khai đồng thời 2 loại máy bay chiến đấu cùng lúc. Kiev cần tập trung vào tiêm kích F-16 trong lực lượng không quân Ukraine trước".

Thụy Điển chưa đưa ra quyết định chính thức về việc tặng Gripen cho Kiev, nhưng vào tháng 9/2023, các phi công Ukraine đã hoàn thành khóa huấn luyện ban đầu để vận hành Gripen.

Quyết định ngày 28/5 được công bố tại Brussels, nơi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo đã ký một thỏa thuận, theo đó Bỉ sẽ cung cấp 30 máy bay chiến đấu F-16 vào năm 2028.

Hà Lan và Đan Mạch dẫn đầu một liên minh gồm 11 quốc gia cam kết cung cấp máy bay phản lực do Mỹ sản xuất cho Ukraine và đào tạo phi công Ukraine. Các tiêm kích này dự kiến sắp được giao cho Ukraine. 

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Thụy Điển cho biết: "Chúng tôi không loại trừ việc gửi Gripen cho Ukraine vào giai đoạn sau". Quốc gia Bắc Âu này có hơn 90 máy bay phản lực JAS 39 Gripen do tập đoàn quốc phòng Saab sản xuất.

Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, xét từ góc độ kỹ thuật và vận hành, Gripen được xem là tiêm kích phù hợp với Ukraine hơn F-16.

Một trong những lý do quan trọng nhất là máy bay phản lực Thụy Điển không gặp khó khăn khi vận hành trên đường bộ và không cần đường băng chuyên biệt như F-16, theo Forbes.

Khả năng cất và hạ cánh trên đường bộ giải quyết một trong những điểm yếu lớn nhất của máy bay hiện đại: Căn cứ không quân. Không có cách nào để che giấu được một căn cứ rộng hàng nghìn héc-ta với đường băng dài 3.048m.

Căn cứ không quân sẽ trở thành mục tiêu tấn công đầu tiên khi giao tranh bùng phát.

Một giải pháp rõ ràng nhất là các máy bay sẽ chuyển sang sử dụng đường bộ và đường cao tốc, những nơi có thể hoạt động như đường băng trong trường hợp khẩn cấp.

Đây là điểm yếu của F-16. Theo chuyên gia quân sự Nga Viktor Litovkin, một vấn đề với F-16 mà Ukraine phải đối mặt chính là Kiev thiếu đi các cơ sở hạ tầng phù hợp để vận hành các tiêm kích này trong hoạt động chiến đấu. 

Để F-16 hoạt động hết công suất, tiêm kích này cần một đường băng dài 762m, sạch sẽ vì tiêm kích này không có hệ thống vật thể lạ, nên rất dễ hút dị vật vào động cơ, gây hỏng hóc. 

Trong kịch bản nếu Ukraine xây dựng các cơ sở để phù hợp cho hoạt động của F-16, Nga có thể sẽ tăng cường các cuộc không kích để phá hủy chúng trước khi những căn cứ hoàn thành, ông Litovkin nhận định.

Trong khi đó Gripen lại có các đặc tính phù hợp hơn F-16 để hoạt động trên đường bộ và đường cao tốc. Tiêm kích này sẽ phù hợp hơn với chiến thuật hiện tại của Ukraine hơn là F-16, theo Forbes.

Theo AFP
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine