Thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Việt Nam thắp lên hy vọng hiệp ước hòa bình
(Dân trí) - Hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên có thể làm nên lịch sử nếu đạt được thỏa thuận về hiệp ước hòa bình trong cuộc gặp thượng đỉnh tại Việt Nam tuần này.
Khi các ý kiến đồn đoán đều tập trung vào khả năng Tổng thống Donald Trump có thể đưa ra tuyên bố hòa bình và chấm dứt chiến tranh Triều Tiên tại hội nghị thượng đỉnh lần hai với nhà lãnh đạo Kim Jong-un, các chuyên gia cho rằng động thái này của ông chủ Nhà Trắng có thể nhằm đánh đổi cam kết phi hạt nhân hóa từ phía Bình Nhưỡng.
“Chúng tôi muốn phi hạt nhân hóa. Và tôi nghĩ ông ấy (Kim Jong-un) sẽ có một đất nước với nhiều kỷ lục về tốc độ phát triển kinh tế”, Tổng thống Trump tuyên bố hôm 25/2 trước khi lên máy bay tới Hà Nội để gặp nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Phát biểu của Tổng thống Trump được đưa ra sau khi Nhà Trắng ra thông báo kêu gọi “thúc đẩy hòa bình”, trong đó nhà lãnh đạo Mỹ cam kết đạt được “nền hòa bình chuyển đổi” trên bán đảo Triều Tiên gắn liền với sự hứa hẹn về phát triển kinh tế, bao gồm “huy động đầu tư” và “nâng cấp cơ sở hạ tầng”.
Trong bài phát biểu tại đại học Stanford vào cuối tháng 1, đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Steve Biegun cho biết Tổng thống Trump “cam kết chấm dứt vĩnh viễn 70 năm chiến tranh và thù địch trên bán đảo Triều Tiên”.
“Tổng thống Trump sẵn sàng chấm dứt cuộc chiến này. Chiến tranh đã qua. Chiến tranh đã kết thúc rồi”, ông Biegun nói.
Cũng theo ông Biegun, người dẫn đầu các cuộc đàm phán của Mỹ với Triều Tiên trước thềm thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai tại Việt Nam, Washington thậm chí đang cân nhắc “đặt ra các điều kiện cần thiết để chuyển đổi về căn bản quan hệ Mỹ - Triều và thiết lập nền hòa bình, một nền hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên”.
Tuyên bố hòa bình
Tướng Mỹ W. K. Harrison (trái), đại diện của Bộ Tư lệnh Liên Hợp Quốc và Tướng Triều Tiên Nam Il ký thỏa thuận đình chiến sau chiến tranh Triều Tiên tại Panmunjom vào tháng 7/1953. (Ảnh: Getty)
Về mặt kỹ thuật, Triều Tiên và Mỹ - Hàn vẫn đang trong tình trạng chiến tranh do các bên mới chỉ ký thỏa thuận đình chiến, thay vì hiệp ước hòa bình sau chiến tranh Triều Tiên (1950-1953).
Một tuyên bố hòa bình, với nội dung thông báo chính thức chấm dứt chiến tranh, được cho là một trong những động thái mà Tổng thống Trump có thể thực hiện tại hội nghị thượng đỉnh lần này ở Hà Nội. Theo đó, ông Trump có thể lấy chính mô hình phát triển kinh tế của Việt Nam sau chiến tranh để làm hình mẫu cho Triều Tiên.
Một thỏa thuận đình chiến như thỏa thuận 1953 là văn bản chính thức của các bên với cam kết dừng mọi hoạt động quân sự trong một cuộc xung đột. Thỏa thuận này đồng nghĩa với việc cuộc xung đột sẽ kết thúc, song các bên vẫn chưa thiết lập được nền hòa bình chính thức. Do vậy, để có được nền hòa bình thực sự, các bên liên quan cần đàm phán và phê chuẩn một hiệp ước hòa bình.
Ken Gause, giám đốc Nhóm Các vấn đề quốc tế tại Trung tâm Phân tích Hải quân, nhận định “một tuyên bố hòa bình là điều mà ông Trump có thể đề xuất (với Triều Tiên), phụ thuộc vào diễn biến của các cuộc đàm phán như thế nào”.
Khác với hiệp ước hòa bình, tuyên bố hòa bình không mang giá trị ràng buộc về mặt pháp lý. Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Robert Manning tại Hội đồng Đại Tây Dương, tuyên bố hòa bình đóng vai trò như một bước đệm để hai bên cải thiện quan hệ.
Dennis Wilder, cựu giám đốc cấp cao phụ trách các vấn đề Đông Á tại Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ dưới thời cựu Tổng thống George W. Bush, cho rằng một thành tựu mà cả Mỹ và Triều Tiên có thể đạt được là giảm thiểu căng thẳng và xây dựng lòng tin. Tuy nhiên theo chuyên gia Wilder, tuyên bố hòa bình phải đi kèm với các biện pháp xây dựng lòng tin cụ thể sau đó.
“Tuyên bố hòa bình sẽ không có bất kỳ hiệu quả thực tế nào trừ khi các bên nhất trí với các biện pháp xây dựng lòng tin, như chuyển số lượng lớn các tổ hợp pháo bên phía Triều Tiên tại khu phi quân sự (Hàn - Triều) ở biên giới sang chế độ thời bình”, VOA dẫn lời chuyên gia Wilder cho biết.
Theo chuyên gia Gause, mặc dù tuyên bố hòa bình chấm dứt chiến tranh là bước đầu tiên để có thể dẫn tới hiệp ước hòa bình, song các bước đi cần thiết quan trọng khác cũng cần được thực hiện trước khi hiệp ước hòa bình được ký kết. Các bước đi này bao gồm “tăng cường sự nhượng bộ từ cả hai phía cho tới khi đạt được một thỏa thuận đáng kể như (Triều Tiên) phi hạt nhân hóa để đổi lấy sự bảo đảm về an ninh và kinh tế”.
Hiệp ước hòa bình cũng cần có sự đồng ý của Trung Quốc, một trong số các bên ký thỏa thuận đình chiến năm 1953 cùng Mỹ và Triều Tiên. Theo chuyên gia Gause, nếu tuyên bố kết thúc chiến tranh được đưa ra, Trung Quốc có thể “bắt đầu hối thúc Mỹ và Hàn Quốc tăng tốc hơn trong việc đạt được hiệp ước hòa bình và điều này có thể làm suy yếu sự hiện diện của Mỹ trên bán đảo Triều Tiên”.
Bước đệm lịch sử
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un tới Việt Nam dự hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều. (Ảnh: Reuters)
Chuyên gia Wilder cho rằng sự ra đời của hiệp ước hòa bình “sẽ là một quyết định rất quan trọng vì đây có thể là khởi đầu cho việc chấm dứt sự hiện diện của lực lượng quân sự Mỹ trên bán đảo Triều Tiên”. Hiện Mỹ duy trì khoảng 28.500 quân ở Hàn Quốc và Tổng thống Trump từng tuyên bố chi phí để duy trì lực lượng này “rất đắt đỏ”.
Theo nhận định của chuyên gia Wilder, một hiệp ước hòa bình chưa thể ngay lập tức dẫn tới việc thống nhất bán đảo Triều Tiên.
“Một hiệp ước hòa bình không nhất thiết đồng nghĩa với việc phải tiến triển nhanh chóng trong tiến trình tái thống nhất bán đảo Triều Tiên. Thống nhất là một vấn đề riêng rẽ, đòi hỏi Triều Tiên phải đưa ra quyết định quan trọng về việc thay đổi cả chính quyền cũng như nền kinh tế của họ”, chuyên gia Wilder nói.
Con đường tiến tới mục tiêu ký kết hiệp ước hòa bình, bắt đầu từ việc tuyên bố hòa bình, là một đề xuất mà Mỹ có thể đưa ra và xem đây như một trong những “biện pháp tương xứng” mà Triều Tiên vẫn thường đòi hỏi từ phía Washington để đổi lấy việc Bình Nhưỡng sẽ dỡ bỏ một số cơ sở hạt nhân của nước này.
Trong bài phát biểu gần đây, đặc phái viên Biegun cho biết Washington đang tìm cách xác định xem “những biện pháp tương xứng” mà Triều Tiên mong muốn từ Mỹ là gì để Bình Nhưỡng đồng ý giải giáp các cơ sở hạt nhân của nước này. Ông Biegun nhấn mạnh rằng nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã cam kết “dỡ bỏ và phá hủy các cơ sở làm giàu uranium và plutonium của Triều Tiên”, ngoài tổ hợp hạt nhân Yongbyon, khi ông Kim gặp Ngoại trưởng Mỹ hồi tháng 10 năm ngoái ở Bình Nhưỡng.
Siegfried Hecker, nhà khoa học hạt nhân hàng đầu tại Đại học Stanford và là người từng đến thăm cơ sở hạt nhân Yongbyon vài lần, cho biết đề xuất dỡ bỏ cơ sở Yongbyon tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều là một “thỏa thuận lớn” vì Triều Tiên không có lò phản ứng nào khác bên ngoài Yongbyon. Xử lý plutonium và làm giàu uranium hiện là hai cách để chế tạo vũ khí hạt nhân.
“Không còn Yongbyon, không còn plutonium. Đóng cửa Yongbyon sẽ giảm đáng kể số lượng uranium làm giàu mà Triều Tiên có thể sản xuất”, ông Hecker cho biết.
Giới phân tích nhận định các thế hệ lãnh đạo Triều Tiên luôn mong mỏi đạt được hiệp ước hòa bình. Theo AP, một hiệp ước hòa bình sẽ mang lại sự thừa nhận của cộng đồng quốc tế với Triều Tiên, góp phần nới lỏng các lệnh trừng phạt thương mại, thậm chí dẫn tới việc giảm bớt số lượng binh sĩ Mỹ ở phía nam khu phi quân sự liên Triều - điều mà Bình Nhưỡng luôn lo ngại.
Một hiệp ước hòa bình sẽ là “cú hích” lớn với danh tiếng của ông Kim Jong-un cả ở trong nước và trên trường quốc tế. Đây cũng là văn kiện mang ý nghĩa quan trọng với nền hòa bình trên bán đảo Triều Tiên đúng vào thời điểm Bình Nhưỡng đang tìm cách nâng cao mức sống của người dân và hiện đại hóa nền kinh tế bằng việc tập trung nhiều hơn vào khoa học và công nghệ.
Thành Đạt
Tổng hợp