1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Hiệp ước và Nobel Hòa bình: Động lực đưa ông Trump tới thượng đỉnh tại Việt Nam

(Dân trí) - Giới phân tích cho rằng một trong những lý do thôi thúc Tổng thống Donald Trump gặp nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại Việt Nam là triển vọng về một hiệp ước hòa bình cũng như giải thưởng Nobel danh giá.

Hiệp ước và Nobel Hòa bình: Động lực đưa ông Trump tới thượng đỉnh tại Việt Nam  - 1

Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un gặp nhau tại Singapore. (Ảnh: Reuters)

Khi Tổng thống Donald Trump gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Việt Nam vào tuần tới, các cố vấn của ông chủ Nhà Trắng hy vọng hai bên có thể thống nhất một lộ trình nhằm thuyết phục Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, ít nhất ở thời điểm hiện tại, động lực lôi cuốn ông Trump nhiều hơn khi tới Việt Nam gặp ông Kim Jong-un có lẽ là tuyên bố kết thúc 7 thập niên chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên.

Hai mục tiêu trên, dù không mâu thuẫn nhau, nhưng có lẽ sẽ chỉ dẫn đến một cuộc gặp thượng đỉnh với những tuyên bố “rùm beng”, trong khi đóng góp rất ít cho việc thúc đẩy mục tiêu cốt lõi của Mỹ là cắt giảm kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.

Giới chức Mỹ ngày 21/2 vẫn khẳng định rằng giải giáp vũ khí hạt nhân vẫn là “mục tiêu cao nhất” của Tổng thống Trump. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Mỹ gần đây tuyên bố ông “không vội” ép Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân của nước này.

Theo các chuyên gia gần gũi với chính quyền Trump, kết quả khả thi mà hai bên có thể đạt được tại Hà Nội là một thỏa thuận, trong đó Mỹ đồng ý đưa ra tuyên bố hòa bình để đổi lấy cam kết của Triều Tiên về việc công khai và dỡ bỏ một loạt cơ sở hạt nhân cũng như tên lửa.

Chấm dứt chiến tranh là mục tiêu mà các thế hệ lãnh đạo Triều Tiên vẫn luôn mong mỏi vì điều này giúp Triều Tiên giảm tình trạng bị cô lập và góp phần nới lỏng các lệnh trừng phạt nhằm vào Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, chấm dứt chiến tranh cũng là vấn đề gây tranh cãi đối với Mỹ, vì điều này sẽ gắn liền với việc Washington phải rút bớt quân khỏi Hàn Quốc và Tổng thống Trump ủng hộ kịch bản này.

“Điều tôi lo lắng là tổng thống có lẽ muốn hiệp ước hòa bình hơn là phi hạt nhân hóa. Tôi nghĩ chúng ta có thể nhận ra sự căng thẳng, thể hiện ngay trong các bình luận của các quan chức cấp cao trong chính quyền (Mỹ)”, Scott A. Snyder, nhà nghiên cứu cấp cao về Triều Tiên tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, nhận định.

Theo nguồn tin từ hai quan chức cấp cao của Mỹ, chính quyền Trump vẫn chưa thảo luận với Triều Tiên về việc rút gần 28.500 lính Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc. Tổng thống Trump trong tháng này cho biết ông chưa có kế hoạch rút quân hỏi Hàn Quốc, tuy nhiên ông khẳng định việc duy trì số binh sĩ này rất tốn kém và “có thể một ngày nào đó” ông sẽ thực hiện kế hoạch rút quân.

Theo New York Times, khi Tổng thống Trump quyết định gặp lại nhà lãnh đạo Kim Jong-un, vai trò người kiến tạo hòa bình rõ ràng được ấp ủ nhiều trong suy nghĩ của ông chủ Nhà Trắng.

Tổng thống Trump từng công khai tuyên bố ông xứng đáng được trao giải Nobel Hòa bình vì những nỗ lực ngoại giao với ông Kim Jong-un. Tổng thống Trump cho biết Triều Tiên đã dừng các vụ thử hạt nhân và tên lửa trong hơn một năm qua, giảm bớt mối đe dọa nhằm vào nước láng giềng Nhật Bản và chính Thủ tướng Nhật Bản đã đề xuất cho ông giải thưởng danh giá này.

Mong muốn của Tổng thống Mỹ

Hiệp ước và Nobel Hòa bình: Động lực đưa ông Trump tới thượng đỉnh tại Việt Nam  - 2

Các bên ký thỏa thuận đình chiến sau chiến tranh Triều Tiên năm 1953. (Ảnh: Getty)

 

Kể từ sau cuộc gặp đầu tiên với nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại Singapore, chính quyền Trump đã nhấn mạnh hòa bình trên bán đảo Triều Tiên là mục tiêu then chốt trong chính sách ngoại giao của Mỹ. Đây là một trong bốn trụ cột trong cam kết của chính quyền Mỹ với Triều Tiên, cùng với phi hạt nhân hóa, cải thiện quan hệ song phương và trao trả hài cốt các binh sĩ Mỹ thiệt mạng trong chiến tranh Triều Tiên.

“Dưới thời Tổng thống Trump, Mỹ đang có một nhà lãnh đạo mà so với bất kỳ người tiền nhiệm nào khác, ông thể hiện cam kết mạnh mẽ hơn hẳn về việc chấm dứt vĩnh viễn 70 năm chiến tranh và thù địch trên bán đảo Triều Tiên”, Stephen Biegun, đặc phái viên của ông Trump về Triều Tiên, nhận định hồi tháng trước.

Tuy vậy, một hiệp ước hòa bình chính thức trên bán đảo Triều Tiên cũng đặt ra nhiều vấn đề pháp lý phức tạp. Trước hết, Thượng viện Mỹ có thể khẳng định quyền lực của cơ quan này trong việc phê chuẩn hiệp ước. Tuy nhiên, văn phòng cố vấn Nhà Trắng đã nói với các nghị sĩ rằng họ không tin một hiệp ước hòa bình có thể được phê chuẩn.

Cùng với Triều Tiên và một tướng Mỹ đại diện cho Bộ Tư lệnh Liên Hợp Quốc, Trung Quốc là một bên tham gia ký kết thỏa thuận đình chiến 1953 sau khi chiến tranh Triều Tiên kết thúc. Theo đó, Trung Quốc có thể tiếp tục là bên ký hiệp ước hòa bình trong tương lai. Giới phân tích nhận định Bắc Kinh ủng hộ một hiệp ước hòa bình vì xem đây là lý do để giảm sự hiện diện quân sự của Mỹ tại châu Á.

Ngoài Trung Quốc, chính phủ Hàn Quốc cũng ủng hộ các bên ký kết hiệp ước hòa bình. Về mặt kỹ thuật, Triều Tiên vẫn đang trong tình trạng chiến tranh với Mỹ và Hàn Quốc do các bên mới chỉ ký thỏa thuận đình chiến vào năm 1953. Do vậy, hiệp ước hòa bình sẽ giúp mở rộng liên kết kinh tế giữa Hàn Quốc và Triều Tiên.

Câu hỏi đặt ra cho Tổng thống Trump là ông có thể nhận được gì từ nhà lãnh đạo Kim Jong-un để đổi lấy một hiệp ước hòa bình?

Theo giới phân tích, Triều Tiên có thể cam kết dừng các vụ thử và chế tạo hạt nhân. Ngoài ra, Bình Nhưỡng cũng có thể đồng ý mở cửa các cơ sở vũ khí để cho phép các thanh sát viên quốc tế tới kiểm tra và giải giáp một phần vũ khí.

Những cam kết trên của Triều Tiên chỉ chiếm một phần và còn rất xa mới đạt được mục tiêu phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đổi chiều như Mỹ vẫn kỳ vọng ở Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, những động thái này sẽ giúp cho những nỗ lực ngoại giao của Tổng thống Trump còn giá trị.

Các quan chức trong chính quyền Trump cho biết họ sẽ hối thúc Triều Tiên có những bước đi đáng kể trong cuộc gặp thượng đỉnh tại Việt Nam. Giới chức Mỹ cũng nhấn mạnh các lệnh trừng phạt Triều Tiên sẽ vẫn được giữ nguyên ngay cả khi Trung Quốc và Nga đã nới lỏng sức ép kinh tế với Bình Nhưỡng kể từ khi nỗ lực ngoại giao của Tổng thống Trump bắt đầu.

Ông Trump có thể đưa ra những đề xuất “hấp dẫn” tại Hà Nội như mở một văn phòng của Mỹ tại Bình Nhưỡng. Văn phòng này có vai trò giống như một đại sứ quán, tượng trưng cho mối quan hệ ngoại giao tốt đẹp hơn giữa Mỹ và Triều Tiên.

Theo nhà nghiên cứu Snyder, một trong những lo ngại lớn là ông Trump có thể sẵn sàng đánh đổi các mối quan hệ đồng minh với triển vọng về một giải Nobel Hòa bình. Tuy nhiên, việc tổng thống Mỹ đưa vấn đề hiệp ước hòa bình lên bàn đàm phán cũng là sự lôi cuốn rất lớn với nhà lãnh đạo Triều Tiên.

Ngay cả những tiếng nói chỉ trích chính quyền Trump cũng nhận định, với nỗ lực của đặc phái viên Mỹ Biegun và người đồng cấp Triều Tiên Kim Hyok-chol, Washington đã nêu ra những vấn đề đúng trọng tâm với Bình Nhưỡng. Chỉ có một nhân tố khó đoán ở đây là Tổng thống Trump và xu hướng đàm phán ngẫu hứng của ông chủ Nhà Trắng.

Thành Đạt

Theo New York Times