Thượng đỉnh Mỹ-ASEAN tập trung bàn chuyện Biển Đông
(Dân trí) - Tổng thống Mỹ Barack Obama và các nhà lãnh đạo Đông Nam Á chuyển trọng tâm thảo luận sang Trung Quốc và vấn đề Biển Đông trong ngày thứ 2 của một hội nghị thượng đỉnh nhằm cải thiện quan hệ kinh tế và thiết lập một mặt trận thống nhất nhằm đối phó với Trung Quốc về các tranh chấp hàng hải.
Sau ngày đầu tiên tập trung vào các vấn đề thương mại và kinh tế hôm 15/2, ông Obama và các lãnh đạo ASEAN ngày 16/2 sẽ cố gắng đi tới một lập trường chung về vấn đề Biển Đông trong ngày hội đàm thứ 2 tại Sunnylands, một khu nghỉ dưỡng ở miền nam California.
Trung Quốc và vài quốc gia thành viên ASEAN có các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, nhưng không phải tất cả các quốc gia ASEAN đề nhất trí về cách thức giải quyết các tranh chấp.
Giới chức Mỹ muốn hội nghị đưa ra một tuyên bố kêu gọi Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế và giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác với các đối tác ASEAN về một tuyên bố mà chúng tôi có thể giải quyết cùng nhau”, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Susan Rice cho biết với báo giới ngày 15/2.
“Rõ ràng chúng tôi đã đưa ra các tuyên bố như vậy với ASEAN trong quá khứ, và trong đó chúng tôi kiên định nhấn mạnh cam kết chung về một giải pháp hòa bình đối với các tranh chấp, tự do hàng hải và thương mại, pháp quyền và sự cần thiết của việc giải quyết các tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, phù hợp luật pháp”, bà Rice nói thêm.
Ông Obama dự kiến sẽ nói về vấn đề tranh chấp Biển Đông trong cuộc họp báo khi hội nghị thượng đỉnh kết thúc.
Mặc dù Trung Quốc được đề cập chủ yếu tại hội nghị nhưng Nhà Trắng đã nhấn mạnh tới các khía cạnh không liên quan tới Bắc Kinh, nhưng tăng cường quan hệ kinh tế. Lãnh đạo các tập đoàn công nghệ hàng đầu của Mỹ như IBM, Microsoft và Cisco đã tham dự các cuộc họp riêng tư hôm 15/2 với các nhà lãnh đạo ASEAN đã giúp chứng tỏ điều đó.
“Tiềm năng thúc đẩy hợp tác kinh tế là rất lớn”, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Penny Pritzker cho biết.
Nhưng dù là các lãnh đạo doanh nghiệp cũng rất quan tâm tới vấn đề Biển Đông.
“Điều khiến chúng tôi rất chú ý là Biển Đông, một trong những khu vực căng thẳng lớn”, Alexander Feldman, Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp Mỹ-ASEAN, cho hay. “Là một cộng đồng doanh nghiệp, chúng tôi muốn những khác biệt và các tuyên bố chồng lấn được giải quyết thông qua đối thoại hơn là đối đầu quân sự”.
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN diễn ra trong 2 ngày 15 và 16/2 tại khu nghỉ dưỡng Sunnylands ở nam California. Đây là lần đầu tiên một hội nghị như vậy được tổ chức tại nước Mỹ.
5 lý do thôi thúc Mỹ họp thượng đỉnh với ASEAN
Tổng thống Mỹ Barack Obama xem mối quan hệ Mỹ-ASEAN và sự hợp tác với khối này là ưu tiên quan trọng trong chính sách “xoay trục” của ông. Vì lý do đó, ông đã mời các nhà lãnh đạo ASEAN tới khu nghỉ dưỡng Sunnylands tại California để tham dự một hội nghị thượng đỉnh đặc biệt trong 2 ngày 15 và 16/2.
Đây là thượng đỉnh Mỹ-ASEAn đầu tiên diễn ra tại Mỹ, cho thấy vai trò trung tâm của ASEAN tại châu Á-Thái Bình Dương và tầm quan trọng mà Washington đặt vào mối quan hệ Mỹ-ASEAN.
Kể từ khi thành lập gần 5 thập niên trước, ASEAN giờ đây bao gồm 10 nước thành viên và là một trong những khu vực phát triển nhanh nhất và năng động nhất thế giới.
Duy trì và thúc đẩy trật tự dựa trên luật pháp
ASEAN từ lâu đã trở thành trung tâm của cấu trúc đa phương của khu vực. ASEAN đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hòa bình, thịnh vượng và trật tự dựa trên luật pháp tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, vốn mang lại lợi ích ngang nhau cho các quốc gia lớn nhỏ - một mô hình được gọi là “lấy ASEAN làm trung tâm”.
Lấy ví dụ, Thượng đỉnh Đông Á (EAS) đã lấy ASEAN làm trung tâm và trở thành một diễn đàn để các nguyên thủ trong khu vực thảo luận về các vấn đề chính trị và an ninh, như đối phó với mối đe dọa khủng bố và bạo lực cực đoan, duy trì trật tự hàng hải hòa bình và giải quyết các đại dịch.
Quan hệ đối tác mới, mạnh chưa từng có
Trong 7 năm qua, Mỹ đã nỗ lực để thúc đẩy việc tăng cường hợp tác với ASEAN. Vào năm 2010, Mỹ đã trở thành nước đối thoại đầu tiên bổ nhiệm một đại sứ thường trực tại ASEAN ở Jakarta và thiết lập phái đoàn Mỹ tại ASEAN. Vào tháng 11/2015, Mỹ và ASEAN đã nâng quan hệ lên đối tác chiến lược tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-Mỹ.
Kể từ đầu năm 2016, Cộng đồng ASEAN đã chính thức đi vào hoạt động. Đây là một nỗ lực đầy thăm vọng nhằm thúc đẩy sự hội nhập hơn nữa mà hai bên tin tưởng rằng sẽ mở ra các cơ hội mới để hợp tác chặt chẽ hơn.
Đối tác về phát triển kinh tế
ASEAN có 60 triệu dân và là nền kinh tế lớn thứ 7 thế giới. ASEAN cung cấp cho Mỹ hơn nửa triệu việc làm. Các sản phẩm của Mỹ phổ biến đối với đông đảo người tiêu dùng trẻ trong khu vực. ASEAN cũng là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của Mỹ và Mỹ là đối tác thương mại lớn thứ 3 của ASEAN.
Mỹ đã trở thành đối tác quan trọng của ASEAN và các quốc gia thành viên trong việc áp dụng Cơ chế hải quan một cửa ASEAN, một nỗ lực nhằm đơn giản hóa các quy định đối với các nhà đầu tư muốn làm ăn tại Đông Nam Á.
Hợp tác để chống lại các thách thức an ninh chung
Các thách thức an ninh hàng đầu của thế kỷ 21 đã vượt qua khỏi các biên giới. Tại Đông Nam Á, những thách thức này bao gồm: khủng bố, bạo lực cực đoan, biến đổi khí hậu, ô nhiễm và hủy hoại môi trường, năng lược, dịch bệnh, giải trừ vũ khí, sự phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt, an ninh mạng, buôn bán người, buôn bán động vật hoang dã, đánh bắt trái phép, và các căng thẳng ở Biển Đông. Là một tổ chức đa phương, ASEAN có vai trò trung tâm trong việc giải quyết các thách thức chung này.
Xây dựng tương lai chung cho thế hệ trẻ
Mối quan hệ nhân dân giữa Mỹ và ASEAN đang mạnh hơn bao giờ hết, khi hàng triệu người qua lại nhau mỗi năm. Chương trình Trao đổi Học giả Fulbright Mỹ-ASEAN và Sáng kiến Thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á (YSEALI) tạo ra các cơ hội to lớn nhằm thúc đẩy mối quan hệ của thế hệ trẻ. Các mối liên kế và quan hệ văn hóa đã giúp quan hệ Mỹ-ASEAN mạnh hơn nhiều.
An Bình