1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Mỹ: Washington tăng tốc xoay trục sang châu Á

(Dân trí) - Hội nghị cấp cao Mỹ - ASEAN đang diễn ra tại Mỹ được coi là một nỗ lực quan trọng trong chiến lược xoay trục sang châu Á của chính quyền Tổng thống Barack Obama trước sự trỗi dậy của Trung Quốc.


Tổng thống Mỹ Barack Obama chủ trì hội nghị cấp cao Mỹ-ASEAN ngày 15/2 tại Sunnylands. (Ảnh: AFP)

Tổng thống Mỹ Barack Obama chủ trì hội nghị cấp cao Mỹ-ASEAN ngày 15/2 tại Sunnylands. (Ảnh: AFP)

Trong 2 ngày 15 và 16/2, Hội nghị Cấp cao ASEAN–Mỹ diễn ra tại Sunnylands ở California (Mỹ). Đây là Hội nghị quốc tế đầu tiên trong năm 2016 của ASEAN và cũng là Hội nghị Cấp cao đầu tiên giữa ASEAN với đối tác kể từ khi AEC ra đời (31/12/2015). Những nội dung quan trọng của Hội nghị được cho là các phương hướng và giải pháp triển khai quan hệ đối tác chiến lược, nhằm đưa quan hệ ASEAN - Mỹ đi vào thực chất và những vấn đề quốc tế, khu vực mà 2 bên cùng quan tâm.

Cạnh tranh ảnh hưởng tại khu vực

Quan hệ Mỹ-ASEAN, được đánh dấu bằng việc Mỹ bắt đầu chấp nhận thành lập một khuôn khổ an ninh đa phương hạn chế với Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), kể từ nhiệm kỳ thứ 2 của cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton. Theo đó, Mỹ công nhận vai trò trung tâm của ASEAN.

Khi mới bắt đầu nhiệm sở, Tổng thống Obama đã nhấn mạnh việc ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong xây dựng cộng đồng khu vực ngay trong cuộc gặp gỡ các lãnh đạo của khối lần đầu tiên tại Singapore vào cuối năm 2009.

Theo giới quan sát, kể từ khi Mỹ tham gia Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) đã đánh dấu sự thay đổi quan trọng trong đường lối can dự khu vực và mở ra nhiều triển vọng trong quan hệ với ASEAN.

Với cách tiếp cận mới của Mỹ là gia tăng quan hệ với ASEAN và nuôi tham vọng lôi cuốn cơ chế hợp tác này tạo nhân tố cân bằng quan hệ với các cường quốc, sao cho có lợi nhất cho an ninh khu vực.

Thông qua cơ chế ARF, TAC với các đối tác, vai trò của ASEAN trong các vấn đề về hòa bình, an ninh khu vực cũng được thúc đẩy mạnh mẽ. Mỹ tham gia Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS), ASEAN cũng gia tăng hợp tác với các nước lớn, Mỹ còn can dự sâu hơn vào các vấn đề trọng yếu tại khu vực như: Biển Đông và các vấn đề an ninh phi truyền thống…

Việc gia tăng quan hệ Mỹ-ASEAN, còn khiến các đối tác khác trong khu vực tiếp tục thay đổi quan điểm và triển khai chính sách mới để tranh thủ ASEAN mạnh mẽ hơn, tránh đẩy khối này nghiêng hẳn về một phía.

Quan hệ đối tác chiến lược

Kể từ năm 1977, quan hệ đối thoại ASEAN-Mỹ chính thức bắt đầu và đến nay đã gần 40 năm. Từ năm 2005 đến năm 2010, mối quan hệ 2 bên diễn ra với nhịp điệu bình thường, bằng việc thiết lập quan hệ đối tác tăng cường (2005); ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác ở Đông Nam Á (2009); Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ với 4 nước Hạ nguồn Mekong (2009); và thiết lập Đại sứ Mỹ thường trú bên cạnh ASEAN (2010).

Tại Hội nghị các nhà Lãnh đạo ASEAN-Mỹ ở Bali (Indonesia), hai bên đã thông qua Kế hoạch hành động cho giai đoạn mới 2011-2015, nhằm triển khai Quan hệ đối tác tăng cường vì Hòa bình Bền vững và Thịnh vượng.

Tuy nhiên, phải đến tháng 11/2015 vừa qua, tại Hội nghị Cấp cao lần thứ 3 ở Kuala Lumpur (Malaysia), quan hệ 2 bên mới đạt được bước đột phá, với việc thiết lập Quan hệ đối tác chiến lược ASEAN–Mỹ.

Quan hệ đi vào thực chất

Theo giới quan sát, chương trình Hội nghị Cấp cao ASEAN-Mỹ lần này có các phiên thảo luận với các nội dung quan trọng như: kinh tế - thương mại, với chủ đề Thúc đẩy Cộng đồng kinh tế AEC theo hướng sáng tạo và kinh doanh.

Được biết, ASEAN hiện chiếm vị trí đặc biệt quan trọng đối với các công ty Mỹ. Thương mại hàng hóa và dịch vụ song phương năm 2014 là 254 tỷ USD, ASEAN trở thành đối tác thương mại lớn thứ 4 của Mỹ. FDI của Mỹ vào ASEAN cũng đạt 226 tỷ USD (2014), đưa Mỹ vào nhóm các nhà đầu tư lớn nhất của ASEAN.

Washington hy vọng thông qua Hội nghị này sẽ thuyết phục được thêm thành viên của ASEAN tham gia vào TPP. Hiện Malaysia, Việt Nam, Brunei, Singapore đã là các thành viên sáng lập. Các nước Indonesia, Philippines và Thái Lan cũng ngỏ ý sẽ xem xét khả năng tham gia TPP trong thời gian tới.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, hiện một số thành viên của ASEAN vẫn quan ngại rằng TPP có thể làm chia rẽ ASEAN, giữa các thành viên gia nhập với những thành viên còn lại, trong khi có một số nước tham gia cả hai cơ chế TPP và RCEP (RCEP do Trung Quốc khởi xướng).

Việc TPP thiếu vắng Trung Quốc, một trong những đối tác thương mại hàng đầu của nhiều quốc gia ASEAN cũng là bài toán khó, không chỉ cho các nước tham gia cả hai cơ chế, mà còn cả đối với Washington, nhất là sự đa dạng hóa về chính trị, kinh tế của AEC. Trong khi Singapore theo đuổi nguyên tắc thị trường tự do, Indonesia vẫn duy trì tính bảo hộ cao, Myanmar lại đang kém phát triển nhất khu vực…

Về chính trị - an ninh, với chủ đề Bảo vệ hòa bình, thịnh vượng và an ninh ở châu Á-Thái Bình Dương. Theo đó, vấn đề an ninh hàng hải, chống khủng bố, những thách thức xuyên quốc gia, phi truyền thống và viễn cảnh chiến lược khu vực. Trong đó, vấn đề tranh chấp chủ quyền trên biển, an ninh hàng không, hàng hải ở Biển Đông là vấn đề được 2 bên đặc biệt quan tâm.

Được biết, giá trị hàng hóa lưu thông qua Biển Đông vào khoảng 5.000 tỷ USD/năm. Việc Trung Quốc đẩy mạnh bồi đắp, xây dựng trái phép cùng với những tuyên bố chủ quyền phi lý trên Biển Đông khiến nhiều quốc gia khu vực và cộng đồng quốc tế quan ngại về hành động thái quá của Trung Quốc đe dọa đến tuyến hải vận quan trọng này.

Mỹ đặc biệt quan tâm đến an ninh hàng hải tại khu vực. Phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, ông Ben Rhodes nói rằng, Mỹ ủng hộ việc giải quyết tranh chấp, vướng mắc thông qua luật pháp quốc tế “chứ không phải kiểu nước lớn bắt nạt nước nhỏ”.

Washington còn thể hiện lập trường cứng rắn của mình bằng việc công bố kế hoạch chi 150 triệu USD trong 2 năm tới để hỗ trợ các quốc gia ASEAN tăng cường sức mạnh quân sự và thỏa thuận với Philippines, Singapore về việc duy trì sự hiện diện quân sự ở Biển Đông, tăng cường tuần tra bằng máy bay B52 và hàng không mẫu hạm.

Ông Shohib Masykur - học giả tại Viện Nghiên cứu xã hội Mỹ-Indonesia cho rằng, việc làm của Bắc Kinh không đi liền với những tuyên bố và vì vậy, Biển Đông sẽ là một điểm nóng về an ninh của khu vực.

Còn ông Dan Kritenbrink, giám đốc cấp cao về các vấn đề châu Á thuộc Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ lại nhận định, Washington xem Hội nghị cấp cao đặc biệt lần này là cơ hội để củng cố mục tiêu “xây dựng trật tự dựa trên luật pháp” ở Biển Đông.

Như vậy, quan hệ ASEAN-Mỹ, sau nhiều năm thử thách nay đã đạt đến độ chín muồi để đi vào chiều sâu và phản ánh thực chất hơn mối quan hệ đối tác chiến lược mà 2 bên đã ký kết.

Trong giới chuyên gia, có nhiều ý kiến cho rằng, Hội nghị Cấp cao ASEAN-Mỹ lần này được coi là mang tính lịch sử, vì nó được tổ chức ngay trên đất Mỹ với nội dung thảo luận tác động toàn diện đến phát triển kinh tế, an ninh khu vực và toàn cầu, khiến giới nghiên cứu và dư luận đặc biệt quan tâm.

Quang Huy