1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Thuê cảng Hambantota, Trung Quốc ôm mộng Ấn Độ Dương

Đây là một phần của chiến lược Hai đại dương mới của Trung Quốc, trong đó Ấn Độ Dương đã được thêm vào cùng với Thái Bình Dương.

Mới đây, Sri Lanka đã bàn giao một cảng biển sâu cho công ty của Trung Quốc theo thỏa thuận nhằm giúp nước đang kẹt tiền này có thêm nguồn tài chính.

Cụ thể, thỏa thuận trị giá 1,12 tỉ USD lần đầu được công bố hồi tháng 7 cho phép doanh nghiệp Đại lục kiểm soát cảng Hambantota ở phía nam Sri Lanka trong 99 năm. Cảng Hambantota nằm trên tuyến đường vận tải hàng hải đông - tây bận rộn nhất thế giới.

Sri Lanka từng cho hay họ muốn giảm núi nợ nước ngoài chất đống bằng số tiền thu được từ cảng Hambantota. Quốc gia Nam Á cũng đang bán một số doanh nghiệp khác để tăng nguồn thu.

Một số nước như Ấn Độ và Mỹ đã và đang lo ngại rằng chỗ đứng của Trung Quốc tại cảng biển sâu của Sri Lanka có thể mang lại lợi thế hải quân cho nước này tại Ấn Độ Dương.


Hải quân Trung Quốc thể hiện tham vọng ngày càng lớn

Hải quân Trung Quốc thể hiện tham vọng ngày càng lớn

Hồi tháng 8/2017, Trung Quốc đã mở căn cứ Hải quân và Không quân kết hợp ở Djibouti. Căn cứ này sẽ hỗ trợ cho lực lượng Hải quân Trung Quốc đã được triển khai ở ngoài khơi Somalia thực hiện các cuộc tuần tra chống cướp biển từ năm 2018 và mở rộng tầm với của Không quân Trung Quốc ra khắp châu Phi.

Theo tuyên bố của Bắc Kinh, căn cứ này sẽ hỗ trợ các hoạt động chống cướp biển và sẵn sàng giúp hỗ trợ việc di dời công dân Trung Quốc khi xảy ra biến cố trong khu vực.

Những năm qua, Trung Quốc đã cử lực lượng Hải quân đưa công dân khỏi cuộc xung đột tại tại Yemen và Libya.

Djibouti là trung tâm các hoạt động của Mỹ ở châu Phi. Pháp và Nhật Bản cũng duy trì sự hiện diện quân sự ở quốc gia có vị trí chiến lược này. Với căn cứ quân sự của mình ở đây, Trung Quốc có thể theo dõi các hoạt động của Mỹ trong khu vực.

Ngoài ra, Trung Quốc đang phát triển 1 căn cứ Hải quân tại cảng Gwadar của Pakistan, gần Eo biển chiến lược Hormuz, như là một chỗ đứng ở Ấn Độ Dương. Trung Quốc cũng có thể hy vọng thiết lập các căn cứ Không quân và Hải quân ở Đông Phi và có thể ở Maldives.

Trong những năm gần đây, tàu chiến Trung Quốc đã cập cảng Karachi và Colombo, Ấn Độ cho biết ít nhất 14 tàu chiến Trung Quốc ở Ấn Độ Dương trong những tháng gần đây.

Đây là một phần của chiến lược Hai đại dương mới của Trung Quốc, trong đó Ấn Độ Dương đã được thêm vào cùng với Thái Bình Dương như là một khu vực mà Trung Quốc muốn dùng sức mạnh quân sự để bảo vệ những gì mà nước này coi là lợi ích cốt lõi của mình.

Trung Quốc chắc chắn có nhiều lợi ích chiến lược quan trọng và lợi ích kinh tế to lớn trong khu vực Ấn Độ Dương. Sáng kiến "Vành đai và Con đường" của Trung Quốc sẽ làm tăng sự hiện diện của nước này ở khu vực Ấn Độ Dương.

Theo Bách Tùng

Báo đất việt