Ấn Độ tìm đường ngăn Trung Quốc "vươn vòi" ra Ấn Độ Dương
(Dân trí) - Theo đánh giá của Giáo sư Brahma Chellaney tại Trung tâm nghiên cứu chính sách của Ấn Độ, sự tăng cường hoạt động của tàu ngầm Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương thời gian qua đang gia tăng thách thức New Delhi ở vùng biển này.
Tờ Hindustan Times ngày 20/1 đưa tin, tham vọng của Trung Quốc ngày càng lớn tại Ấn Độ Dương, vùng biển nối giữa châu Á và châu Âu, được thể hiện một phần qua các hoạt động khẳng định sức mạnh của nước này ở Biển Đông. Bằng mọi giá, Trung Quốc tiếp tục tìm cách mở rộng "biên giới" của nước này ở vùng biển quốc tế qua cách thức mà chưa có cường quốc nào thực hiện trước đây. Đó chính là việc xây dựng các hòn đảo nhân tạo phi pháp ở Biển Đông, rồi từ đó đòi chủ quyền cho những hòn đảo không được quốc tế công nhận này và vùng biển xung quanh.
Chỉ chưa đầy hai năm, Trung Quốc đã xây dựng 7 hòn đảo nhân tạo ở Biển Đông để nỗ lực hoàn thành cái gọi là "cánh cửa chiến lược quan trọng" đến với vùng biển, nơi một nửa lượng vận tải bằng đường biển đi qua đây hàng năm.
Với Ấn Độ, nước này vẫn đang phải đối phó với mối đe doạ xuyên qua dãy Himalaya khi Trung Quốc có "vùng đệm" Tây Tạng. Cùng với mối đe doạ tăng lên từ quốc gia láng giềng ở Ấn Độ Dương, Ấn Độ có thể sẽ phải tính toán lại các biện pháp phòng vệ an ninh của nước này. Bằng việc xây dựng các cơ sở quân sự ở các hòn đảo nhân tạo bồi đắp phi pháp tại Biển Đông, Trung Quốc đang có được vị trí để tiến thẳng vào Ấn Độ Dương. Trang mạng quân sự Sina năm ngoái từng khẳng định rằng, kể cả trong trường hợp bị tấn công bất ngờ, Trung Quốc chỉ cần 10 tàu ngầm tấn công cũng có thể phong toả các tuyến đường biển ở phía Đông và Tây của Ấn Độ.
Chưa kể, quá trình phảt triển nhanh các hạm đội tàu ngầm của Trung Quốc được đánh giá không chỉ phục vụ cho những mục đích của Bắc Kinh ở Biển Đông. Theo đó, các loại tàu ngầm này rất phù hợp cho khu vực biển sâu và nước ấm như ở Ấn Độ Dương. Điều này lý giải tại sao Trung Quốc đặt trung tâm hải quân ở Djibouti và xây dựng một căn cứ hải quân ở Gwadar.
Ngoài ra, Trung Quốc được cho là muốn tiếp cận các hải cảng ở xung quanh Ấn Độ, như việc nước này từng cử tàu chiến tới thăm Sri Lanka nhiều lần trong thời gian qua. Quá trình củng cố vị thế của Trung Quốc ở Biển Đông sẽ đặt ra thách thức trực tiếp tới các lợi ích của Ấn Độ ở Ấn Độ Dương.
Với việc Ấn Độ chậm chạp trong quá trình triển khai các trang thiết bị hiện đại tới Bộ chỉ huy quần đảo Andaman và Nicobar, Bắc Kinh đang từ từ giành lợi thế về mặt địa lý của Ấn Độ. Nguy cơ lâu dài về mặt chiến lược của Ấn Độ chính là việc Trung Quốc có thể bắt tay cùng với đồng minh Pakistan để xây dựng một "hàng rào" phong toả New Delhi ở cả trên bộ và trên biển. Sau khi hỗ trợ quốc gia Nam Á trong quá trình phát triển vũ khí hạt nhân, tên lửa và mới đây là máy bay không người lái, Trung Quốc đã công khai thông báo một thoả thuận bán cho Pakistan 8 chiếc tàu ngầm, gấp đôi số lượng tàu ngầm mà Islamabad đang có hiện nay.
Có thể nói, Biển Đông đã trở nên quan trọng trong cuộc đua giành ảnh hưởng tại Ấn Độ Dương và xa hơn nữa là khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Bắc Kinh coi Biển Đông là một "bãi thử" để thay đổi bản đồ hàng hải châu Á. Dư luận thế giới đã rất bất ngờ trước tốc độ và quy mô của các hoạt động xây dựng đảo nhân tạo và cơ sở quân sự của Trung Quốc tại Biển Đông. Tuy nhiên, phản ứng của dư luận quốc tế tới lúc này mới chỉ dừng lại ở các hoạt động tuần tra và các phản ứng ngoại giao thông thường.
Biển Đông đang dần nổi lên như một biểu tượng mới cho các vấn đề thách thức hàng hải quốc tế trong thế kỷ 21. Khu vực này đóng vai trò quan trọng với Ấn Độ và cả các quốc gia xa hơn vì những gì xảy ra tại đây sẽ ảnh hưởng tới cán cân quyền lực ở châu Á và vấn đề an ninh hàng hải quốc tế.
Vai trò trung tâm của Biển Đông trong vấn đề hàng hải quốc tế có thể thúc đẩy các quốc gia có cùng quan điểm hợp tác chặt chẽ hơn nhằm mang đến những động thái tích cực cho vùng biển này, bao gồm việc đảm bảo rằng bất cứ tuyên bố đơn phương nào về chủ quyền ở Biển Đông đều không được chấp nhận. Trên thực tế, thoả thuận "Mỹ-Ấn Độ về tầm nhìn chiến lược chung cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương" được ký cách đây một năm hay "Chiến lược Hàng hải châu Á - Thái Bình Dương" của Lầu Năm Góc đã nhấn mạnh tới tầm quan trọng trong quá trình hợp tác hàng hải giữa các cường quốc.
Ấn Độ hiện đang nỗ lực cải thiện quan hệ với các quốc gia nằm trên "vành đai" Ấn Độ Dương. Ngoài ra, New Delhi cũng đẩy mạnh quan hệ ngoại giao quân sự và chi hàng tỷ USD dưới dạng các gói tín dụng cho các quốc gia ven biển, đặc biệt là ở khu vực Đông Phi. Tuy nhiên, Ấn Độ vẫn cần đẩy mạnh quá trình hiện đại hoá hải quân nước này. Thương mại thông qua Ấn Độ Dương chiếm một nửa GDP của Ấn Độ và đây cũng là tuyến hàng hải cung cấp năng lượng chủ yếu tới quốc gia Nam Á.
Nếu các quốc gia ASEAN và các cường quốc trong khu vực như Ấn Độ hay Nhật Bản không có cùng một chiến lược chung để giải quyết với vấn đề chủ quyền Biển Đông theo cơ chế xử lý của ASEAN, vấn đề sẽ phụ thuộc vào "cuộc chơi" giữa Trung Quốc và Mỹ. Khi đó, những toan tính của hai nước này có thể sẽ gạt bỏ lợi ích của các nước nhỏ.
Trong một thông cáo chung, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và người đồng cấp Nhật Bản Shinzo Abe cho rằng một chiến lược đồng nhất cần phải nhấn mạnh tới tất cả các bên có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, rằng phải "tránh mọi hành động đơn phương" và đề cao "tầm quan trọng của các tuyến đường biển ở khu vực này". Tuy nhiên, nếu không tìm ra được một chiến lược đồng nhất, Biển Đông đứng trước nguy cơ tạo ra những mối đe doạ tới sự ổn định chiến lược của châu Á cũng như mở đường để Trung Quốc thẳng tiến giành vị trí tại Ấn Độ Dương và phong tỏa Ấn Độ.
Ngọc Anh
Theo HinduTimes