Thực tiễn chiến trường Ukraine: "Món quà" của công nghiệp vũ khí Nga
(Dân trí) - Những bài học thực tiễn từ cuộc xung đột với Ukraine đã cho phép ngành công nghiệp quốc phòng Nga cải tiến nhiều loại vũ khí trong biên chế quân đội nước này.
Tass đưa tin, giám đốc điều hành của nhà sản xuất vũ khí Kalashnikov của Nga Vladimir Lepin hôm 28/7 cho biết công ty này đang tiến hành cải tiến thiết kế của súng trường tấn công chủ lực AK-12 dựa trên những bài học thực tiễn từ chiến trường Ukraine.
"Khả năng sử dụng của súng trường AK-12 trong những cuộc giao tranh khốc liệt tại Ukraine là một vấn đề khác hoàn toàn so với những thử nghiệm trước đó. Nhiều cuộc họp đã được tổ chức nhằm tìm giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng của AK-12 trong chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Những đề xuất đã được đưa ra để giúp cải tiến loại vũ khí này", ông Lepin nhấn mạnh.
Không chỉ súng trường tấn công AK-12, nhà sản xuất Kalashnikov cũng đang đẩy nhanh việc cải tiến đạn thông minh Krasnopol nhằm tăng tầm bắn, nâng cao khả năng bắn chính xác và hiệu quả hoạt động của loại đạn này. Ông Lepin tiết lộ kế hoạch nâng cấp đạn Krasnopol được vạch ra dựa trên nhu cầu bắn trúng các mục tiêu nhỏ chỉ với một phát đạn của quân đội Nga ở Ukraine.
"Chúng tôi đang hoàn thành những giai đoạn cuối cùng của quá trình thử nghiệm sửa đổi của đạn dẫn đường chính xác Krasnopol. Việc nâng cấp sẽ tăng đáng kể tầm bắn và xác suất tấn công mục tiêu kích thước nhỏ chỉ bằng một phát đạn. Bên cạnh đó, sức mạnh hỏa lực cũng như hiệu quả hoạt động trong điều kiện thời tiết xấu cũng đã được cải tiến", giám đốc điều hành nhà sản xuất vũ khí Kalashnikov trả lời giới truyền thông.
Kinh nghiệm thực chiến từ chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine đã và đang trở thành một bài học quý báu cho ngành công nghiệp quốc phòng nước này. Những nhiệm vụ đặt ra bởi quân đội Nga tại chiến trường vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội để Nga nhìn nhận lại tính năng của các loại vũ khí có trong biên chế và qua đó đưa ra những cải tiến hợp lý.
Bên cạnh đó, xung đột tại Ukraine cũng mang đến cơ hội cho ngành công nghiệp quốc phòng Nga để thử nghiệm các loại vũ khí mới. Nhiều loại máy bay không người lái (UAV) hiện đại, tên lửa hành trình tầm xa và hệ thống tác chiến điện tử đã có dịp thử lửa trong thực chiến tại Ukraine.
Không chỉ mang lại lợi ích cho ngành chế tạo vũ khí, xung đột giữa Moscow và Kiev cũng khiến ngành công nghiệp hàng không của Nga nhận được nhiều quan tâm, trong bối cảnh các hãng hàng không nước này phải hứng chịu nhiều lệnh trừng phạt từ nước ngoài.
Để đối phó với việc không được mua thêm máy bay chở khách từ nước ngoài, nhà sản xuất máy bay United Aircraft Corporation của Nga hôm 28/7 đã công bố việc hoàn thành thử nghiệm và chuẩn bị đưa vào sản xuất hàng loạt các máy bay chở khách 4 động cơ Il-96-400M. Đây là phiên bản nâng cấp được trang bị thêm nhiều tính năng ưu việt của máy bay Il-96 được chế tạo từ thời Liên Xô. Theo kế hoạch, chuyến bay đầu tiên của Il-96-400M sẽ được thực hiện vào cuối năm 2022.