1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Thủ tướng Úc và New Zealand cảnh báo việc Trung Quốc đưa tên lửa tới Hoàng Sa

(Dân trí) - Giới chức Úc và New Zealand kêu gọi Trung Quốc tránh các hoạt động gây căng thẳng ở Biển Đông sau khi Bắc Kinh triển khai hệ thống tên lửa phòng không đến đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Lãnh đạo thế giới đồng loạt lên tiếng chỉ trích hành động của Trung Quốc sau khi Mỹ và Đài Loan xác nhận Trung Quốc đã ngang nhiên điều hệ thống tên lửa phòng không HQ-9 đến đảo Phú Lâm vào cuối tuần trước.

Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull. (Ảnh: AFP)
Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull. (Ảnh: AFP)

Trung Quốc nên tránh “bẫy bá quyền”

Phát biểu sau cuộc họp với người đồng cấp New Zealand, Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull nói: “Chúng tôi hối thúc các bên ở Biển Đông ngừng tất cả hoạt động bồi đắp đảo, quân sự hóa các đảo hay cải tạo đất trái phép. Điều này là quan trọng để hạ nhiệt căng thẳng”.

Ông Turnbull cũng nói rằng, nếu Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thực sự nghiêm túc về quan điểm tránh cái gọi là bẫy Thucydides, Bắc Kinh cần phải giải quyết tranh chấp thông qua luật pháp quốc tế. Lý luận "cái bẫy Thucydides" là nhận định của sử gia Hy Lạp cổ Thucydides rằng các cường quốc mới nổi, như một hệ quả tất yếu, sẽ thách thức quốc gia bá quyền hiện hữu, cuối cùng dẫn đến chiến tranh để "chuyển dịch quyền lực".

Trong khi đó, Thủ tướng New Zealand John Key nhấn mạnh, New Zealand và Úc sẽ dùng quan hệ kinh tế gần gũi với Trung Quốc và các quốc gia châu Á khác để hướng tới một giải pháp hòa bình và theo luật pháp quốc tế cho vấn đề tranh chấp ở Biển Đông.

Những bình luận trên được đưa ra sau khi Ngoại trưởng Úc Julie Bishop có chuyến thăm tới Bắc Kinh. Tại đây, bà Bishop đã cảnh báo Trung Quốc về kế hoạch quân sự hóa Biển Đông sau những thông tin về việc triển khai hệ thống HQ-9.

Tuy nhiên, đáp lại, Ủy viên quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì lớn tiếng cảnh báo, Úc không nên đứng về bên nào trong tranh chấp ở Biển Đông và rằng Úc nên “giữ đúng cam kết không đứng về phe nào và không tham gia hay có hành động nào làm ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định khu vực cũng như mối quan hệ Trung Quốc - Úc”.

Úc có thể tuần tra áp sát đảo Trung Quốc xây trái phép ở Biển Đông

Trong một diễn biến liên quan, chính phủ của Thủ tướng Úc Turnbull đang phải đối mặt với sức ép cho phép triển khai tàu chiến hoặc máy bay quân sự tuần tra áp sát đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây trái phép ở Biển Đông, hãng tin ABC cho biết hôm nay 19/2.

Phát ngôn viên về quốc phòng của đảng Lao động đối lập, ông Stephen Conroy, nói rằng không có lý do gì tàu của Hải quân Hoàng gia Úc không triển khai hoạt động tự do hàng hải gần các khu vực tranh chấp trên Biển Đông.

“Các hiệp ước, luật lệ quốc tế về biển cho phép chúng ta di chuyển trong khu vực 12 hải lý quanh các vùng tranh chấp này ở Biển Đông”, ông Conroy nói. Quan chức này nhấn mạnh, các nước như Úc “nên thể hiện ra rằng họ sẽ không bị Trung Quốc bắt nạt với việc thực hiện các cuộc tuần tra tự do hàng hải trong khu vực 12 hải lý quanh các đảo và bãi đá mà Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền.

Trực thăng tuần tra AP-3C Orion của Không quân Hoàng gia Úc> (Ảnh: Getty)
Trực thăng tuần tra AP-3C Orion của Không quân Hoàng gia Úc> (Ảnh: Getty)

Quân đội Úc đã triển khai các đợt tuần tra hàng hải ở khu vực, nhưng ông Conroy cho biết các cuộc tuần tra đó vẫn chưa tiếp cận gần các đảo tranh chấp ở Biển Đông như các tàu chiến của Mỹ. Cuối tháng trước, một tàu khu trục của Mỹ đã đi vào khu vực 12 hải lý quanh đảo Tri Tôn mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép của Việt Nam ở Hoàng Sa.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc ngang nhiên tăng cường các hoạt động bồi đắp, cải tạo trái phép ở Biển Đông. Tạp chí Diplomat tuần trước dẫn các ảnh chụp vệ tinh cho thấy, Trung Quốc đang nạo vét và bồi đắp trái phép tại hai đảo thuộc nhóm An Vĩnh trên quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Ngoài ra, Trung Quốc được cho là đang hút cát từ đáy biển để bồi đắp, mở rộng thêm 50% diện tích đảo Quang Hòa thuộc đảo Lưỡi Liềm ở Hoàng Sa. Hiện Trung Quốc đang xây dựng ở đây một căn cứ trực thăng, trong đó 8 khu vực hạ cánh đã hoàn tất, 4 khu vực nữa có thể sẽ sớm hoàn thành. Việc xây dựng trái phép căn cứ trực thăng mới này có thể thấy Trung Quốc đang có ý đồ tăng cường khả năng chống ngầm ở toàn khu vực Biển Đông.

Minh Phương

Tổng hợp