Thủ tướng Nga cáo buộc giới chức lâm thời Ukraine “nổi loạn vũ trang”
(Dân trí) - Nga ngày 24/2 đã tăng cường công kích ban lãnh đạo mới thân phương Tây của Ukraine. Thủ tướng Nga Medvedev cho rằng việc phế truất Tổng thống Yanukovych thực chất là một cuộc “nổi loạn vũ trang”.
Thủ tướng Nga Medvedev lên án cuộc phế truất ông Yanukovych.
Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Nga cho biết những người không theo chính thống giáo ở các vùng chủ yếu nói tiếng Nga đang đối mặt với nhiều áp lực.
Trước đó, Bộ trưởng Nội vụ lâm thời Ukraine cho hay đã phát lệnh bắt giữ Tổng thống bị phế truất Yanukovych. Ông Yanukovych đã bị các nghị sỹ bỏ phiếu phế truất vào ngày thứ bảy vừa qua. Hiện không rõ ông ở đâu nhưng có tin ông ở bán đảo Crimean vào ngày chủ nhật.
Phía Nga đã triệu đại sứ ở Ukraine về nước để tham vấn.
Bất ổn ở Ukraine bắt đầu vào tháng 11 vừa qua, khi ông Yanukovych từ chối ký một thỏa thuận thương mại mang tính bước ngoặt với Liên minh châu Âu (EU) và thay vào đó ủng hộ mối quan hệ thân thiết hơn với Nga.
Các hãng thông tấn Nga dẫn lời Thủ tướng Medvedev cho rằng các nước phương Tây chấp nhận giới lãnh đạo mới ở Ukraine là một sai lầm. “Di sản của toàn bộ các bộ máy quyền lực gây ra nhiều lo ngại”, ông nói. “Một số người nước ngoài chúng tôi, đối tác phương Tây lại nghĩ khác. Nhận thức sai lầm này, khi người ta gọi là hợp pháp, là kết quả của một cuộc nổi loạn vũ trang.”
“Chúng tôi không hiểu những gì đang diễn ra. Có nguy cơ thực sự đối với quyền lợi và đối với mạng sống của người dân chúng tôi”, Thủ tướng Nga cho biết thêm.
Bộ ngoại giao Ukraine nhanh chóng phản ứng với bình luận của ông Medvedev về khía cạnh công dân Nga ở Ukraine, và khẳng định mối lo ngại của ông Medvedev là “không có”.
Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Nga cũng ra tuyên bố mạnh mẽ, cho rằng đang có “sự thay đổi quyền lực một cách ép buộc” ở Ukraine và cáo buộc các lãnh đạo lâm thời đang thông qua các luật mới “vi phạm nhân quyền của người Nga và các dân tộc thiểu số khác”.
“Một đường lối đã được vạch ra nhằm áp bức những người không theo chính thống giáo ở các vùng khác nhau của Ukraine bằng những biện pháp độc tài và đôi khi là cả khủng bố”, tuyên bố có đoạn.
Vào ngày chủ nhật, quốc hội Ukraine đã giảm vị trí chính thức của tiếng Nga tại nước này, bằng cách hủy một luật do ông Yanukovych đưa ra.
Phương Tây bàn cách hỗ trợ Ukraine
Người đứng đầu cơ quan ngoại giao EU bà Catherine Ashton đã có cuộc hội đàm với Tổng thống lâm thời Ukraine Turchynov ở Kiev vào ngày 24/2.
Trong khi đó, người đứng đầu cơ quan ngoại giao EU bà Catherine Ashton đã ở Kiev để thảo luận về những hỗ trợ tài chính và chính trị cho ban lãnh đạo mới của Ukraine. Ukraine đang đối mặt với nguy cơ phá sản và khoản vay đã hứa của Nga nhiều khả năng không được thực hiện. Bà Catherine Ashton đã thăm Quảng trường độc lập, “cứ địa” biểu tình phản đối chính phủ của ông Yanukovych và có cuộc thảo luận với Tổng thống lâm thời Olexander Turchynov.
Vào ngày hôm qua, Tổng thống Pháp Hollande đã điện đàm với Tổng thống Nga Putin, kêu gọi một cuộc chuyển giao hòa bình ở Ukraine. Tổng thống Mỹ Obama và Thủ tướng Đức Merkel cũng đã gửi thông điệp tương tự tới ông Putin trong những ngày gần đây. Mỹ hôm qua cũng tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ tài chính Ukraine thông qua Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF).
Trong khi đó, tại bán đảo Crimea, khu vực tự trị với phần lớn dân số là người Nga, ủng hộ ông Yanukovych, và một số khu vực khác ở miền đông đã diễn ra các cuộc biểu tình chống lật đổ ông Yanukovych. Tình hình làm dấy lên lo ngại Ukraine có thể bị chia rẽ.
Vũ Quý
Theo BBC